Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo tính toán của Chính phủ, gói hỗ trợ sẽ trị giá 62.000 tỷ đồng (tăng 420 tỷ so với dự kiến ban đầu), hỗ trợ dành cho khoảng 20 triệu người của 6 nhóm đối tượng.

Chén cơm cho người nghèo quý hơn ngàn lần luận bàn cao siêu

Lý giải về gói hỗ trợ này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong bối cảnh đại dịch COVID -19, an sinh xã hội là vấn đề cấp bách nhất với người dân.

Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chủ trì, xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

“Chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu”, Bộ trưởng Dũng nhắc lại câu nói của người xưa và cho rằng, gói hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế, người lao động… chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có ý nghĩa vô cùng lớn để bảo đảm an sinh.

Đồng thời cũng thể hiện cam kết một “Chính phủ hành động” như phương châm nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ.

Cũng theo Tư lệnh ngành Kế hoạch Đầu tư, chính sách gói hỗ trợ này được xây dựng không chỉ phù hợp với định hướng của Chính phủ mà còn “tiếp thu kinh nghiệm quốc tế”.

Trước tình hình diễn biễn và ảnh hưởng của dịch COVID-19, bên cạnh “ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể”, các quốc gia trên thế giới đã triển khai tất cả các biện từ nới lỏng tiền tệ, tài khóa, tăng chi tiêu Chính phủ, tới quản lý hành chính...

“Quy mô các chính sách hỗ trợ về tài khoá là rất lớn, về tiền tệ thì gần như không giới hạn; phương thức và cách thức hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ; chấp nhận vượt giới hạn quy định thông thường về kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách…”, Bộ trưởng Dũng điểm các điểm chung của một số nước Mỹ, châu Âu…

Không để nhóm yếu thế thấy “đang bị xã hội bỏ rơi”

Trở lại gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, theo Bộ trưởng Dũng, mục tiêu bao trùm là thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới các đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội như người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

“Theo rà soát của Bộ Kế hoạch Đầu tư, các chính sác hỗ trợ phòng, chống giảm thiểu ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay chưa có chính sách nào của Nhà nước hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc nhóm yếu thế, người khuyết tật.

Một số nhà tài trợ găp khó khăn kinh tế do dịch COVID-19 đã thông báo rút các khoản hỗ trợ thường xuyên như gạo, đi lại… đã khiến nhiều người khuyết tật, yếu thế cảm thấy mình như đang bị xã hội bỏ rơi”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ cũng tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tín dụng và khuyến kích người sử dụng lao động chi trả đủ lương cho người lao động có hợp đồng ký kết nhưng bị ngừng việc; hay hỗ trợ hộ kinh doanh và người lao động phi chính thức có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

“Ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai ngay vì đời sống người dân và người lao động đang rất khó khăn”, Bộ trưởng nêu quan điểm và lưu ý, “phải tính độ trễ” chính sách.

Cần cách tiếp mới theo hướng tích cực qua đại dịch COVID-19

Cũng theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, chuỗi cung ứng, mạng sản xuất bị đứt gãy thì cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới theo hướng tích cực qua đại dịch COVID-19.

Các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc.

“Đây cũng là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đang thực hiện lâu nay, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc về dịch bệnh toàn cầu; hoàn thiện thể chế, cơ chế phối hợp toàn cầu và khu vực trong xử lý các cú sốc kiểu COVID-19”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng cho rằng, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh… nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch.

Những vấn đề này sẽ được Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công trong thời gian tới và nghiên cứu, chuẩn bị các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để chủ động tổ chức thực hiện. 

Hương Giang