Trong cảm nhận của nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người suốt đời phục vụ cho Quân đội, chiến đấu vào sinh ra tử, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Nguyên Tổng Bí thư rất sát thực tế

“Anh ấy là người nhiệt huyết, khi đã có ý tướng gì thì rất tâm huyết với công việc”, ông Phan Diễn chia sẻ điều ông ấn tượng về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Theo ông Phan Diễn, một trong những dấu ấn của ông Lê Khả Phiêu để lại trong thời gian làm Tổng Bí thư là thúc đẩy công việc chỉnh đốn Đảng, phát động đấu tranh với những hư hỏng trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước. Đặc biệt là đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, tha hoá.

Sau hội nghị Trung ương 6 lần 2 năm 1999, công tác xây dựng Đảng được thúc đẩy mạnh mẽ, bắt đầu chuyển động, chuyển biến thực sự. Từ đó, dần dần đưa ra ánh sáng xem xét, xử lý nhiều vụ việc.

“Tôi thấy anh Lê Khả Phiêu rất trăn trở, thực sự trăn trở về vấn đề này. Sau hội nghị Trung ương, nhiều lần trao đổi với tôi, anh Phiêu nói: Khi mình đổi mới, kinh tế thị trường phát triển đem lại rất nhiều lợi ích nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha hoá, tiêu cực cũng phức tạp.

Anh Phiêu hay nói: Qua việc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chúng ta phải thấy nguy cơ của chuyện không làm tốt công tác xây dựng Đảng, để Đảng tha hoá, tiêu cực, để xa dân, nhân dân có nhiều ý kiến là rất nguy hiểm. Đến Đảng Cộng sản Liên Xô có thể đổ vỡ, thậm chí đổ vỡ rất nhanh thì đừng có nói rằng mình không thể, mình có thể tránh được. Tránh được hay không là tuỳ thuộc vào việc chúng ta có làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chế độ hay không”, nguyên Thường trực Ban Bí thư nhớ lại.

Ông Phan Diễn kể tiếp, “anh Phiêu cũng thường nói, Đảng ta luôn luôn coi phê bình và tự phê bình là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng. Thế nhưng, trong những năm gần đây, hầu hết các vụ tham nhũng, tiêu cực lớn không phải phát hiện được từ nội bộ, chứng tỏ rằng, tình hình đã đến mức nguy hiểm. Tức là, công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nếu chỉ dựa vào phê bình và tự phê bình thì không còn đủ hiệu quả”.

Theo nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người rất sát thực tế, nhất quán, mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng.

“Anh Phiêu hay kể chuyện này, chuyện khác như chạy chức, chạy quyền trong Đảng, cơ hội, mua chuộc nhau… Thường chúng ta rất  khó nói, nhưng qua câu chuyện tôi thấy, anh ấy có nhiều thông tin để anh ấy hiểu rằng đấy là những việc đang xảy ra”, ông Phan Diễn nhận định.

Là người tận tình, chu đáo

Ấn tượng nữa khiến nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn nhớ mãi, đó là nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người rất tận tình, chu đáo.

leftcenterrightdel
Theo nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người suốt đời phục vụ cho Quân đội, chiến đấu vào sinh ra tử, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước 

Ông Phan Diễn kể, cuối năm 1999, khi ông đang làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gọi ông sang phòng làm việc.

“Gặp tôi, anh Phiêu nói: Bộ Chính trị thấy rằng, anh chưa có dịp công tác ở các địa phương nên muốn đưa anh đi công tác ở địa phương để có cơ hội rèn luyện, trưởng thành thêm trong thực tế. Bộ Chính trị có ý định đưa anh đi Tây Nguyên, phụ trách một bộ phận chỉ đạo, phối hợp công việc của các tỉnh Tây Nguyên. Anh thấy thế nào?”, nguyên Thường trực Ban Bí thư kể.

Ông Phan Diễn cho hay, lúc đó, ông trả lời rằng, đây là lĩnh vực, công việc ông chưa từng có kinh nghiệm và hiểu biết, nhưng nếu Bộ Chính thấy cần thì ông sẵn sàng đi.

“Anh Lê Khả Phiêu nói: Nếu thế thì tốt! Nhưng nói thật, mình vẫn không yên tâm vì bộ phận này chưa ra đời, nhiệm vụ nó thế nào, tổ chức thế nào, cách làm việc như thế nào thì chưa có. Sợ giao cho anh một công việc mông lung như vậy thì khó hoạt động”, ông Phan Diễn nhớ lại.

Một tuần sau, Bộ Chính trị họp quyết định phân công ông Phan Diễn làm Bí thư TP Đà Nẵng.

Theo ông Phan Diễn, thời điểm đó, trong Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng đang có mâu thuẫn và một trong những người có mâu thuẫn lại là anh em họ của ông.

“Một hôm, anh Phiêu gọi tôi đến và bảo: Đưa anh vào Đà Nẵng công tác nhưng đang có tình huống tế nhị như vậy, anh phải làm thế nào để người ta không hiểu lầm, xử lý quan hệ trong Thường trực làm sao thúc đẩy được công việc, không để dị nghị”.

Đến khi ông Phan Diễn đi nhận công tác, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại gọi ông đến và hỏi: “Chuyện hôm trước tôi nói, anh định làm thế nào?”

“Lúc đó, tôi trả lời: Thứ nhất, cá nhân tôi không có ý định bênh ông này hay ông kia, đây là điều rõ ràng. Còn cách xử lý, tôi sẽ theo công việc, cái gì đúng thì tôi ủng hộ, cái gì sai thì tôi sẽ góp ý kiến, bất kể là ông nào. Anh Phiêu bảo: Anh nghĩ thế thì tôi thấy tốt”, ông Phan Diễn chia sẻ.

Nguyên Thường trực Ban Bí thư còn cho hay, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng góp ý cho ông khi nhận nhiệm vụ mới.

“Anh Phiêu góp ý rằng: Đà Nẵng đang có đà, cho nên, đối với công việc nội bộ không phải nguyên tắc mà có va chạm thì cố gắng làm thế nào để không sa đà vào những cuộc tranh chấp không cần thiết, không để cấp uỷ sa đà vào những chuyện như thế. Nếu là chuyện có nguyên tắc thì phải làm đến nơi, đến chốn”, ông Phan Diễn nói và chia sẻ, ông Lê Khả Phiêu rất quan tâm đến những tình tiết trong sử dụng cán bộ.

Hương Giang (Ghi)