Bị chi phối lợi ích

+ Thực tiễn đòi hỏi phải có một nền tư pháp độc lập, một đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, dấn thân cho việc duy trì và bảo vệ công lý. Theo ông, làm thế nào để thực hiện được điều này?

- GS. TS Lê Hồng Hạnh: Muốn xây dựng nhà nước pháp quyền, phải bảo đảm độc lập tư pháp, phân rõ cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp. Cơ quan tư pháp phải bảo đảm cho hệ thống pháp luật được thực thi, dù bất kỳ ai đều phải tuân thủ pháp luật, nếu không sẽ bị xử lý. Nhiệm vụ đó chỉ tòa án mới làm được. 

Có nhiều phương thức, thiết chế, cũng như quy định của pháp luật để ràng buộc trách nhiệm của tòa án, mặt khác tạo cho thẩm phán (trụ cột của tòa án) có nhiều ưu thế để mang lại công lý cho người dân. Ở đây phải nói rõ hơn, công lý là sự bình đẳng, tính chính xác, độ công bằng thể hiện trong hoạt động của thẩm phán. 

Để mang lại công lý thì trước hết, thẩm phán phải độc lập, xem xét các vấn đề theo tư duy, niềm tin nội tâm và các quy định của pháp luật để phán quyết hành vi đó đúng hay sai, công dân A đúng hay sai, quan chức A đúng hay sai. 

Một ông chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện hay giám đốc sở ra một quyết định không đúng, không có cơ sở, vi phạm các quy định của pháp luật, người dân kiện, đi tìm công lý để phục hồi lại quyền lợi. Nhưng thẩm phán chịu những sức ép của vị chủ tịch tỉnh rằng “xử không có lợi thì sau này xin đất làm trụ sở hay những lợi ích khác liên quan sẽ được không đáp ứng” thì rõ ràng phán quyết của thẩm phán sẽ không công minh. Nghĩa là, thẩm phán đưa ra một bản án trong một vụ tranh chấp, vụ kiện mà bị chi phối bởi các lợi ích thì sao độc lập được.

“Sợ” cả nhân viên kho bạc đến “anh” thi đua

+ Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, thẩm phán đã thực sự độc lập? 

- GS. TS Lê Hồng Hạnh: Tôi thấy chưa được như vậy. Nhiều trường hợp, có những người được chuyển sang làm chánh án, thẩm phán từ vị trí khác trong cơ quan nhà nước nhưng chưa có kinh nghiệm xét xử, thậm chí có người còn không có bằng cử nhân luật và chưa bao giờ làm trong lĩnh vực đó. Liệu những người đó có đủ khả năng, bản lĩnh để đưa ra những phán quyết phù hợp với pháp luật mang lại quyền lợi hợp pháp cho người dân?.

Thời gian bổ nhiểm thẩm phán của chúng ta cũng chỉ 5 năm. Thẩm phán vừa ngồi vào ghế chưa được bao lâu lại lo tái bổ nhiệm. Cho nên, thẩm phán luôn luôn lo lắng, rồi phải biết nghe theo chính quyền, cấp ủy, không “quá cứng đầu” để còn được giới thiệu tái bổ nhiệm. 

Trong xét xử cũng vậy, vị trí thẩm phán không mạnh như ở nhiều nước. Thẩm phán ở nhiều nước không sợ bất kỳ ai cả, thậm chí Chủ tịch nước, Tổng thống vi phạm, Tòa án vẫn triệu hồi, bắt giải trình, nếu phát hiện có vi phạm vẫn xét xử bình thường. Nhưng thẩm phán ở nước ta điều đó không thể làm được. Ngay cả ông chủ tịch huyện trong một vụ án hành chính, tòa án triệu tập nhưng cũng chưa bao giờ đến để tranh tụng. 

+ Ông có cho rằng, thẩm phán ở Việt Nam có khi còn “sợ” cả nhân viên kho bạc đến “anh” thi đua?

- GS. TS Lê Hồng Hạnh: Tôi nói “sợ” nhân viên kho bạc hàm ý là sự phụ thuộc vào vật chất. Lương của thẩm phán về kho bạc, muốn lấy phải ra kho bạc mà nhiều khi không mềm mỏng cũng khó lấy được. Chưa kể nếu thực hiện các dự án, tiền rót về kho bạc rồi lấy cũng không dễ thì đương nhiên quan ngại. 

Còn vấn đề thi đua, thẩm phán quá quan ngại. Có thẩm phán nói với tôi rằng, khi về nhà ngại tiếp xúc với những người xung quanh mà thường khép kín vì sợ bị nói “ông này là thẩm phán mà suốt ngày có khách đến thì chắc có vấn đề gì đây”. Nhưng khi nhận xét để tái bộ nhiệm thì phường lại bảo rằng vị này sống biệt lập, không quần chúng, làm ảnh hưởng trưc tiếp đến tâm lý của thẩm phán. 

Những việc con con như vậy thẩm phán cũng phải lo lắng thì sao độc lập được. Rõ ràng vị trí thẩm phán ở Việt Nam không được như ta kỳ vọng và khó độc lập, nói cách khác, thẩm phán đang đứng trong một áp lực lớn từ nhiều phía. 

Xây dựng “ngành” Tòa án sẽ có thêm nhiều vụ Nguyễn Thanh Chấn

+ Vậy làm thế nào để thẩm phán độc lập, không bị chi phối bởi các lợi ích?

- GS. TS Lê Hồng Hạnh: Ở các nước trên thế giới, thẩm phán hoàn toàn không “dính” đến chính quyền địa phương. Lương của thẩm phán nhận từ Trung ương, được nhà nước cấp nhà cả đời, việc lựa chọn thẩm phán thực sự là những người có hiểu biết pháp luật, có tâm, có sự liêm chính và được bổ nhiệm suốt đời. Thẩm phán không phải lo quan tỉnh này, quan huyện kia gây khó cho mình trong tương lai. 

Đơn cử vấn đề lương của thẩm phán, ở Hòa Kỳ, lương của thẩm phán là một khoản riêng thuộc ngân sách Trung ương, không bị lệ thuộc, cắt giảm, ảnh hưởng bởi thị trường tài chính, ngoại tệ, kể cả khi đất nước bị khủng hoảng. 

Chỉ những yếu tố thông thường thế thôi cũng làm cho thẩm phán yên tâm hơn, bảo đảm tính độc lập.

+ Tòa án phải xét xử độc lập, hiến pháp mới càng khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc đó. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) chuẩn bị được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp 8 sẽ diễn ra trong tháng 10 này. Với những sửa đổi lần này, thẩm phán có thực sự độc lập?

- GS. TS Lê Hồng Hạnh: Có một số vấn đề “le lói” như quy định về thiết chế Hội đồng tư pháp Quốc gia. Nếu có hội đồng này việc bổ nhiệm thẩm phán sẽ độc lập vì không chỉ bó hẹp trong ngành Tòa án, mà còn được nhìn từ góc độc của luật sư, Quốc hội… Nhưng còn phải chờ xem có được thông qua hay không, vì thực tế, có những vấn đề “le lói” đó bị dập tắt, gây nên sự thất vọng. 

Bên cạnh những vấn đề “le lói” đó thì lại có những vấn đề tối kỵ, không thể chấp nhận được như chuyện tòa án lại đang muốn xây dựng hệ thống tòa án theo ngành vì đã là ngành thì không thể độc lập được. Khi xét xử không chỉ độc lập với bên ngoài mà còn phải độc lập cấp này với cấp kia. Nếu án chỉ đạo từ trên theo ngành, nếu đúng thì phúc cho dân, những nếu sai thì dân không còn con đường để cứu chữa mà vụ của Nguyễn Thanh Chấn là một ví dụ.

+ Vấn đề “họp án” cũng đang gây nhiều lo ngại sẽ có thêm nhiều những vụ án oan, quan điểm của ông về vấn đề này?

- GS. TS Lê Hồng Hạnh: Họp án hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Có thẩm phán, công tố bảo cần, nhưng cũng có thẩm phán, công tố bảo không cần. Điều này xuất phát từ tư duy, bản lĩnh của người đó. Đối với những thẩm phán thiếu ban lĩnh, năng lực không cao thì luôn muốn tìm dựa vào tập thể để hòa tan trách nhiệm. 

Nhưng độc lập tư pháp thì điều đó là tối kỵ. Nếu 3 vị (điều tra, viện kiểm sát, tòa án ) ngồi bàn với nhau trước thì còn xét xử làm gì, bỏ tù người ta cho rồi vì kết quả đã nhìn thấy rồi, tranh tụng làm gì nữa, sự tham gia của luật sư chẳng có ý nghĩa gì. 

Ở đây, điều tra cứ điều tra, trên cơ sở chứng cứ, công tố buộc tội cứ buộc tội, ra phiên tòa, luật sư cứ tranh tụng… tất cả điều đó sẽ vẽ nên một bức tranh đa chiều, từ đó thẩm phán sẽ nhìn thấy vấn đề, quyết định vấn đề theo tư duy pháp lý, niềm tin nội tâm của mình và cơ sở pháp luật.

Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa, Tòa án phải xét xử độc lập, thẩm phán phải độc lập. Vậy làm thế nào để độc lập là câu hỏi cháy bỏng mà các chuyên gia pháp lý đang tìm. Nhưng rõ ràng một điều, thẩm phán không độc lập, không xem xét các vấn đề theo tư duy, niềm tin nội tâm, các quy định của pháp luật mà vẫn bị chi phối bởi các lợi ích thì không mang lại công lý cho người dân, không xây dựng được một nền tư pháp liêm chính đúng nghĩa của nó.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thảo Nguyên (thực hiện)