Sáng ngày 6/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các vị đại biểu (ĐB) ở nghị trường Quốc hội (QH).

Nghiêm khắc phê bình các địa phương để xảy tiêu cực thi cử

Giải trình một số vấn đề ĐBQH quan tâm, chất vấn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh điểm lại tình hình kinh tế -xã hội 5 tháng và 5 tháng đầu năm 2019 với những điểm sáng như kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,74%, thấp nhất trong 3 năm qua.

Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD, tăng 6,7%....

“Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; còn nhiều vấn đề dư luận bức xúc, người dân quan tâm như: Đạo đức, văn hóa ứng xử, xâm hại trẻ em, gian lận thi cử, tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, tai nạn giao thông nghiêm trọng...” - Phó Thủ tướng nói.

Báo cáo về vụ tiêu cực, gian lận trong thi cử tại một số địa phương trong năm 2018, ông Phạm Bình Minh cho biết, ngay khi có thông tin, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, kiên quyết không chấp nhận gian lận, bảo đảm công bằng trong thi cử.

“Thủ tướng nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm; yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo đúng quy định”, lãnh đạo Chính phủ cho biết.

Bộ Giáo dục Đào tạo đã nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với những trường hợp thí sinh bị ảnh hưởng.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 và thời gian tới, theo ông Phạm Bình Minh, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục Đào tạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để chấn chỉnh các bất cập, tồn tại; giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng  để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Tăng cường thanh tra lĩnh vực dễ phát sinh “lợi ích nhóm”

Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra..

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng (như các vụ: AVG; “Vũ nhôm”; “Út trọc”, Thép Thái Nguyên…).

Cùng với đó, tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm (PVTex, Ethanol Phú Thọ, Cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; Công ty VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm…).

“Chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng là công việc thường xuyên, lâu dài của tất cả các cấp, các ngành và hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế”, Phó Thủ tướng nêu.

Ông Phạm Bình Minh cho rằng, các quy định của pháp luật vẫn còn sơ hở, bất cập. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng “vặt” trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ thu hồi, xử lý về tiền, tài sản, đất đai trong các vụ tham nhũng còn thấp. Sự gương mẫu, tính quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị còn thấp.

Xác định rõ, phòng, chống tham nhũng là công việc hệ trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân; xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh; giữ vững, ổn định chính trị, xã hội, Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đề ra; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; khẩn trương hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Phó Thủ tướng cho hay, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa... Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản thất thoát.

Hương Giang