Trụ sở TCD chỉ là nơi công dân đến khiếu nại, tố cáo

Với 419 Đại biểu QH tham gia biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 84,14%), Luật TCD gồm 9 chương và 36 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.

Trước đó, QH đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật TCD. Về cơ bản, các đại biểu tán thành với nhiều nội dung của Dự thảo Luật, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến vào một số vấn đề lớn như trách nhiệm của người đứng đầu; quy định về TCD của các cơ quan của QH…

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật TCD, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH nhận thấy, việc hình thành các Trụ sở TCD trong thời gian qua xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong việc cần có đầu mối chung để điều phối hoạt động TCD ở từng cấp, tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, khó xác định vị trí pháp lý của Trụ sở TCD trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước. Trụ sở không thể được coi là một cơ quan hay đơn vị với chức năng, nhiệm vụ riêng. Do vậy, trong Dự thảo Luật đã xác định Trụ sở TCD chỉ là nơi để công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trụ sở TCD ở mỗi cấp, phối hợp cùng đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc TCD thường xuyên tại Trụ sở.

Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu trong việc TCD (Điều 18), UBTVQH đề nghị QH cho thể hiện lại quy định tại khoản 2 và đưa nội dung quy định về định kỳ TCD của Chủ tịch UBND các cấp sang các Điều 12, 13 và 15; đồng thời chỉnh lý điểm a khoản 3 để làm rõ nội dung: “Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau”.

Đối với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm ghi âm, quay phim, chụp ảnh tại nơi TCD; đem theo chất độc hại, chất dễ cháy nổ đến nơi TCD; lãnh đạo TCD không được đùn đẩy trách nhiệm; cán bộ TCD không được xúi giục người dân cung cấp giấy tờ, hồ sơ giả mạo, tài liệu thông tin không đúng sự thật. Báo cáo giải trình của UBTVQH cho rằng, việc ghi âm, quay phim, chụp ảnh tại nơi TCD là quyền của công dân và không bị cấm theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Do đó, đề nghị không bổ sung quy định nghiêm cấm các hành vi này trong Luật TCD. Đối với một số hành vi khác (như đem theo chất độc hại, chất cháy nổ đến nơi TCD, đùn đẩy trách nhiệm trong việc TCD)… UBTVQH đề nghị chỉ quy định mang tính khái quát như tại khoản 2 và khoản 8 và sẽ được quy định chi tiết, đầy đủ hơn trong nội quy, quy chế TCD cũng như tại các điều khoản cụ thể khác trong Luật TCD.

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm về TCD của các cơ quan của QH, Đại biểu QH, HĐND, đại biểu HĐND (Chương V). Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của QH trong việc TCD; trách nhệm của cá nhân và thủ trưởng các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi có đơn, thư hoặc kiến nghị của Đoàn Đại biểu QH, Đại biểu QH chuyển đến; bổ sung quy định về việc các cơ quan của QH tiến hành giám sát nếu nhận thấy cơ quan có thẩm quyền vi phạm pháp luật khi giải quyết khiếu nại, tố cáo. UBTVQH cho rằng, các nội dung Đại biểu QH đề cập đã được quy định trong Luật Tổ chức QH, Luật Hoạt động giám sát của QH và một số văn bản luật khác có liên quan. Do vậy, để tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, đề nghị không bổ sung các nội dung cụ thể trên đây trong Dự thảo Luật TCD.

Dự thảo Luật TCD sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương và 36 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.

Cấm mang đất vào Việt Nam

Cùng ngày, QH đã thông qua Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (BV&KDTV) với 434 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 87,15%).

Trước khi thông qua Dự thảo Luật BV&KDTV, các đại biểu đã đóng góp và cho ý kiến nhằm hoàn thiện các nội dung, quy định cụ thể. Nhìn chung, các Đại biểu QH đánh giá cao việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BV&KDTV; về cơ bản thống nhất với các quy định trong Dự thảo Luật trình QH lần này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến góp ý đề nghị làm rõ hoặc quy định cụ thể hơn nội dung một số điều, khoản trong Dự thảo.

Về tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhiều Đại biểu QH đề nghị bổ sung quy định về kiểm tra chất lượng thuốc BVTV vô chủ trước khi tiêu hủy vì nhiều lô thuốc BVTV vô chủ vẫn còn hạn sử dụng, chất lượng vẫn còn tốt để tránh lãng phí nguồn kinh phí của UBND cấp tỉnh trong việc tiêu hủy. Theo UBTVQH, trên thực tế, thuốc BVTV vô chủ hiện nay chủ yếu là thuốc nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả... Nếu quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là phải kiểm tra chất lượng thuốc BVTV vô chủ trước khi tiêu hủy là không khả thi vì cơ quan này không có đủ kinh phí, nhân lực và trang thiết bị để thực hiện. Do vậy, không bổ sung quy định nội dung này trong Dự thảo Luật để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Liên quan về hành vi bị cấm (Điều 13), có ý kiến đề nghị trong điều kiện trang thiết bị phân tích của nước ta còn hạn chế thì chỉ nên quy định các cây giống kèm theo đất được nhập khẩu vào một số cửa khẩu nhất định, không nên quy định cấm đưa đất vào Việt Nam. UBTVQH cho biết, thực tiễn hoạt động kiểm dịch cho thấy, đất là vật thể có nguy cơ mang sinh vật gây hại cao, việc kiểm dịch và xử lý đối với đất phức tạp, đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị có độ chính xác cao... Đối với nước ta, có đường biên giới dài, lượng hàng hóa thực vật trao đổi qua cửa khẩu chính thức lẫn đường mòn biên giới là rất lớn, vì thế việc kiểm soát thực vật mang theo đất là rất khó khăn. Tuy nhiên, để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong công tác kiểm dịch thực vật, không cho phép các sản phẩm thực vật mang theo đất nhập vào. Vì vậy, Dự thảo Luật quy định cấm đưa đất vào Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (như dùng để nghiên cứu khoa học, quà tặng mang tính chất ngoại giao….) là hợp lý. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước tiên tiến và phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Công ước Quốc tế về BVTV đều có quy định tương tự.

Dự thảo BV&KDTV sau khi chỉnh lý gồm có 5 chương, 77 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/ 1/2015.

Ánh Tuyết