Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 23/08/2020 - 09:28
Việt Nam đã giải quyết được dứt điểm 2 trong 3 vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại trong quan hệ Việt- Trung.
Theo kế hoạch dự kiến, hôm nay 23/8, tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ đồng chủ trì “Hoạt động kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước biên giới và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc”.
Đây là sự kiện quan trọng để hai nước tổng kết, đánh giá các thành tựu, kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa hai bên sau 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và 20 năm ký Hiệp ước biên giới Việt Nam - Trung Quốc cũng như việc hợp tác, phát triển tại khu vực biên giới.
Tiến trình đàm phán hoạch định biên giới trên đất liền
Nhìn lại lịch sử, tiến trình đàm phán hoạch định biên giới và phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc đã trải qua những dấu mốc quan trọng.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ở vùng Đông Á đã ra đời hai nhà nước độc lập là Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa (1945) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949). Đầu năm 1950, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được chính thức thiết lập. Hơn 3 năm sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tháng 11/1957, Ban bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) đã gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị hai bên tôn trọng đường biên giới lịch sử do hai bản Công ước về hoạch định biên giới đã ký kết năm 1887 và năm 1895 giữa chính quyền Pháp ở Đông Dương và triều đình nhà Thanh ở Trung Quốc về giải quyết mọi cuộc tranh chấp bằng con đường đàm phán.
Tháng 4/1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trả lời đồng ý với đề nghị của Việt Nam, tôn trọng đường biên giới lịch sử được hai bản Công ước Pháp- Thanh năm 1887 và năm 1895 xác lập.
Cho đến sau Hiệp định Paris tháng 1/1973, vấn đề đàm phán về biên giới Việt Nam- Trung Quốc mới được khởi động. Cuộc đàm phán lần thứ nhất được tiến hành vào tháng 8/1974. Sau đó, do tình hình khu vực có nhiều biến động, quan hệ hai nước trở nên khó khăn, các cuộc đàm phán vẫn tiến hành nhưng không đem lại kết quả.
Sau khi quan hệ giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc được bình thường hóa, ngày 7/11/1991, hai bên đã ký bản Hiệp ước tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước. Trải qua nhiều lần trao đổi, ngày 19/10/1993, bản Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam- Trung Quốc được ký đã đưa cuộc đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền đi vào thực chất. Kết quả là ngày 30/12/1999 tại Hà Nội, Chính phủ hai nước đã ký “Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Trên cơ sở Hiệp định năm 1999, hai bên phối hợp tiến hành khảo sát thực địa để phân giới cắm mốc trên suốt chiều biên giới dài 1449,566 km với 1970 cột mốc (1548 cột mốc chính, 422 cột mốc phụ, chưa kể 1 cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam- Trung Quốc- Lào). Ngày 31/12/2008, công tác phân giới cắm mốc trên toàn biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành.
Tiếp theo là việc đàm phán và ký kết các Nghị định thư về công tác phân giới cắm mốc, về quy chế quản lý biên giới, về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu. Ngày 14/7/2010, hai bên chính thức tuyên bố các văn kiện liên quan đến phân giới cắm mốc và quản lý biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc có hiệu lực, hai bên bắt đầu quản lý theo đường biên giới mới.
Lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước xác lập được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền
Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc đánh dấu một bước tiến mới rất quan trọng trong việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định giữa hai nước và trong khu vực. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước xác lập được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc quốc giới hiện đại, đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển giữa hai nước, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam- Trung Quốc.
Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc và việc hoàn thành phân giới cắm mốc, xác định rõ ràng một đường biên giới trên đất liền tạo cơ sở để các ngành chức năng tiến hành quản lý biên giới một cách hiệu quả, ngăn ngừa hiện tượng xâm canh, xâm cư do thiếu hiểu biết về đường biên giới. Đây chính là tiền đề, là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên tiến hành quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên củng cố an ninh, mở rộng hợp tác và phát triển kinh tế.
Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc và việc hoàn thành phân giới, cắm mốc đường biên giới trên đất liền, cùng với việc ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000, Việt Nam đã giải quyết được dứt điểm 2 trong 3 vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại trong quan hệ Việt- Trung. Hiệp ước cũng cho thấy thiện chí và quyết tâm của Việt Nam sẵn sàng giải quyết mọi tranh chấp về biên giới lãnh thổ, các vùng biển và thềm lục địa với các nước láng giềng trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Nhắc lại sự kiện lịch sử này, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV gần đây cho biết: Quãng thời gian Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đảm nhận cương vị người đứng đầu Đảng cũng là giai đoạn mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đàm phán tích cực với phía Trung Quốc về hoạch định lại biên giới trên bộ. Với tư cách là 2 người đứng đầu Đảng, Nhà nước khi đó, 2 nhà lãnh đạo rất quan tâm, luôn luôn lắng nghe các đơn vị báo cáo để cho ý kiến giải quyết dần dần, từ dễ đến khó, cho đến khi đạt được Hiệp định.
Cũng theo ông Trần Đức Lương, khi ký xong Hiệp định, trong dư luận vẫn còn có những điểm thắc mắc. Khi đó, Đảng và Nhà nước tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu. Từ ngày ký Hiệp định biên giới trên bộ giữa hai nước thì tình hình biên giới êm hẳn, trong khi trước đó, biên giới được hoạch định từ thời Pháp với nhà Thanh, có nhiều điểm không rõ ràng và luôn luôn xảy ra tranh chấp trên suốt chiều dài biên giới.
Ông Trần Đức Lương khẳng định, về mặt Nhà nước là tôi chịu trách nhiệm, về mặt Đảng đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chịu trách nhiệm, luôn luôn làm việc chặt chẽ, cho ý kiến để Ban biên giới Chính phủ đàm phán từng nấc để cuối cùng thông qua Bộ Chính trị, thông qua Ban Chấp hành Trung ương, thông qua Quốc hội, đạt được Hiệp định về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc./.
(Theo Giáng Hương/VOV.VN)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru, Chủ tịch nước Lương Cường đã có bài phát biểu quan trọng trong đó nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024.
Thanh Thanh
16:10 15/11/2024(Thanh tra) - Về chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominica, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình nhấn mạnh đây là lần thứ năm Việt Nam được mời tham dự một Hội nghị thượng đỉnh G20 và là lần đầu tiên một lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam tới thăm Cộng hòa Dominica.
T.Thanh
09:42 15/11/2024T.Thanh
11:52 12/11/2024Trần Kiên
Lê Hữu Chính
Bùi Bình
Lâm Ánh
Nam Dũng
Bùi Bình
Hoàng Hiệp
Trọng Tài
Trung Hà
Uyên Uyên
Kim Thành