Sớm đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam

 Theo Người phát ngôn, thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đã thông qua mọi kênh, trong đó có trao đổi thư, công hàm chính thức, tiếp xúc, gặp gỡ với cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Pháp, lãnh đạo UNESCO và các bộ phận chuyên ngành liên quan, đề nghị can thiệp để ngừng việc bán đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” và chuyển giao quyền sở hữu cho phía Việt Nam.

“Chúng tôi cũng đã trao đổi với hãng đấu giá Millon và tham vấn với các tổ chức chuyên về di sản văn hóa nghệ thuật, cũng như các cá nhân có liên quan để tìm hiểu thông tin và thông báo cho các cơ quan liên quan trong nước, tạo thuận lợi cho việc đàm phán”, Người phát ngôn nói.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như các cơ quan liên quan thực hiện lộ trình thủ tục đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, đảm bảo các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như của Pháp, Người phát ngôn cho hay.

Ngày 19/10, Hãng Đấu giá Millon đăng tải thông tin đấu giá 329 cổ vật trong ngày 31/10, trong đó có ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) thuộc lô số 101 bộ sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam”.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc vào năm Minh Mạng thứ IV (1823) như ghi chép trong sử sách Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ.

Giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông

Tại họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng đã bình luận về việc lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố kỷ niệm 20 năm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Campuchia; việc vừa qua ASEAN và Trung Quốc đã đạt được tiến triển trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Người phát ngôn cho hay, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 25, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã trao đổi các biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hợp tác, hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Tại hội nghị, hai bên cũng đã thông qua Tuyên bố chung nhân dịp kỷ niệm 20 năm DOC, trong đó tái khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của văn kiện này đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất vòng rà soát thứ nhất và đang tiến hành vòng rà soát thứ hai văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo COC; thể hiện mong muốn của hai bên sớm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông, Người phát ngôn cho biết.

Thanh Thanh