Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số

Thứ sáu, 10/06/2011 - 20:14

Hôm nay (10/6), Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số (TTS).

Phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dùng máy tính về phòng, chống các nguy cơ mất an toàn TTS khi sử dụng mạng Internet - Ảnh min họa

Thời gian gần đây, tình hình mất an toàn TTS ở nước ta diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Theo số liệu thống kê, số vụ tấn công trên mạng và các vụ xâm nhập hệ thống CNTT nhằm do thám, trục lợi, phá hoại dữ liệu, ăn cắp tài sản, cạnh tranh không lành mạnh và một số vụ mất an toàn TTS khác đang gia tăng ở mức báo động về số lượng, đa dạng về hình thức, tinh vi hơn về công nghệ.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát cũng cho thấy nhiều hệ thống CNTT của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt là các cổng, trang thông tin điện tử (TTĐT) có nhiều điểm yếu về an toàn thông tin, chưa được áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin phù hợp.

Bố trí cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các hệ thống TTS

Bởi vậy, để tăng cường khả năng phòng, chống nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống CNTT và ngăn chặn, khắc phục kịp thời các sự cố an toàn thông tin trên mạng máy tính, trong Chỉ thị 897/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, chống visus và mã độc hại cho các hệ thống thông tin và máy tính cá nhân có kết nối mạng Internet.

Đối với các hệ thống thông tin quan trọng, các cổng, trang TTĐT quan trọng, nhất thiết phải áp dụng chính sách ghi lưu tập trung biên bản hoạt động cần thiết để phục vụ công tác điều tra và khắc phục sự cố mạng với thời hạn lưu giữ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhưng tối thiểu không ít hơn 3 tháng.

Đồng thời, bố trí cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật phù hợp chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các hệ thống TTS. Lập kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ an toàn TTS, đào tạo, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dùng máy tính về phòng, chống các nguy cơ mất an toàn TTS khi sử dụng mạng Internet.

Nhanh chóng triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng Internet

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhanh chóng triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng Internet Việt Nam nhằm sớm phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu và nguồn gốc tấn công mạng; hoàn thiện cơ chế, chính sách, môi trường pháp lý về an toàn TTS và nghiên cứu xây dựng Luật An toàn TTS để trình Quốc hội khóa XIII ban hành.

Bộ TTTT ban hành và chủ trì triển khai thực hiện cơ chế điều phối và phối hợp giữa các đơn vị nhằm đảm bảo an toàn thông tin trên mang Internet. Xây dựng và tổ chức diễn tập các phương án hợp tác ứng cứu sự cố mạng máy tính.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức an toàn TTS, quảng bá các hoạt động, sự kiện về an toàn TTS trong nước và quốc tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về đảm bảo an toàn thông tin; kịp thời đề xuất các chính sách và  biện pháp quản lý nhà nước phù hợp nhằm đảm bảo an toàn TTS.

Tổ chức điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng an toàn TTS

Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ, các Hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến an toàn TTS tăng cường các hoạt động truyền bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn TTS, tham gia các hoạt động tư vấn và đẩy mạnh đào tạo kỹ thuật, nghiệp vụ về an toàn TTS. Tổ chức điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng an toàn TTS trong các tổ chức, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước để công bố trong sự kiện thường niên "Ngày An toàn thông tin Việt Nam" và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet phải thiết lập đầu mối liên lạc để phối hợp và tuân thủ sự điều phối của cơ quan chức năng và tham gia vào công tác ứng cứu và khắc phục sự cố cho các hệ thống thông tin quan trọng.


(Theo Chinhphu.vn)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm