Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Giáo dục Đại học và Luật Công đoàn (sửa đổi)

Thứ bảy, 26/05/2012 - 08:46

(Thanh tra)- Ngày 25/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của 2 Dự thảo Luật là Luật Giáo dục Đại học và Luật Công đoàn (sửa đổi).

Thực hiện quyền tự chủ cần có lộ trình

Trong phiên họp sáng 25/5, dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) đã được các đại biểu Quốc hội (QH) tập trung cho ý kiến về nhiều nội dung đang được quan tâm đặc biệt của cử tri như quyền tự chủ cơ sở GDĐH, vấn đề xã hội hóa; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Thảo luận vấn đề về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, nhiều ý kiến đại biểu QH nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Ủy ban TVQH cho rằng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở GDĐH, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDĐH hiện nay. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự án Luật và được quy định bằng các quy phạm pháp luật cụ thể tại các điều, khoản cụ thể của Luật này, không nên viết lại thành chương riêng để tránh trùng lặp. Tuy nhiên, do các cơ sở GDĐH phát triển không đồng đều, hiện tại phần lớn các cơ sở GDĐH còn chưa đạt được chuẩn mực của một cơ sở GDĐH thực thụ, nên việc thực hiện quyền tự chủ cần có lộ trình thích hợp.

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban TVQH về giao cho cơ sở GDĐH quyền tự chủ, tuy nhiên đại biểu  Phạm Thị Hải (Đồng Nai) băn khoăn về hệ thống các trường đại học, cao đẳng. Theo đại biểu Phạm Thị Hải, hiện nay đã có hơn 100 trường trên tổng số 400 trường được thành lập với thời gian 10 năm trở lại đây, do đó các trường còn có sự khác nhau, không đồng đều về quy mô cũng như chất lượng. Vì vậy, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH không thể thực hiện một cách đồng loạt và cào bằng được.

Về quy định cơ sở GDĐH được tự chủ, tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh và công tác tổ chức tuyển sinh; quy định chế tài chặt chẽ đối với vi phạm về tuyển sinh. Theo Ủy ban TVQH, việc giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục là phù hợp với xu thế chung. Dự thảo Luật đã quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 35, theo đó cơ sở GDĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Quy định như vậy nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ sở GDĐH trong việc bảo đảm tương quan giữa phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không giao cho cơ sở GDĐH tự chủ tuyển sinh. Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp), cho rằng, tại Điều 35 và Điều 37 đã thể hiện sự trao quyền tự chủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các cơ sở GDĐH. Nhưng, có trao nhưng không có công cụ để quản lý chặt chẽ, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, như trong thời gian qua đã có rất nhiều sinh viên ra trường không có việc làm do thừa, không có ai dám thu nhận vì trình độ không đáp ứng được yêu cầu của cơ sở tuyển dụng. Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Thảo đề nghị cần thêm vào nội dung: Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm duyệt chỉ tiêu tuyển sinh các cơ sở GDĐH đưa ra và chương trình, giáo trình mà các cơ sở GDĐH biên soạn.

Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho GDĐH

Về vấn đề xã hội hóa tài chính, tài sản của cơ sở GDĐH, nhiều ý kiến đại biểu tán thành chủ trương xã hội hóa GDĐH nhưng đề nghị làm rõ khái niệm lợi nhuận và không vì lợi nhuận và quy định rõ về cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận trong luật.

Đại biểu Thích Thanh Quyết (Lương Công Quyết - Quảng Ninh) cho rằng, xã hội hóa cần mạnh hơn nữa vấn đề GDĐH, nhưng phải bình đẳng giữa các trường công lập và tư thục, Nhà nước giữ vai trò trọng tài quản lý nhà nước, kiểm định và giám sát chất lượng, động viên các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư GDĐH. Ngân sách Nhà nước chỉ nên tập trung mạnh vào đầu tư hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc học sinh nghèo... Ngược lại, cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định rõ vấn đề phi lợi nhuận của cơ sở GDĐH tư thục trong luật vì không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta và khó xác định trong thực tiễn.

Đại biểu Lê Tuấn Tứ (Khánh Hòa) đề nghị tại Khoản 7, Điều 4 của dự thảo nên thay cụm từ "không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ" bằng cụm từ "không vượt quá lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố". Điều này sẽ phù hợp hơn, các nhà đầu tư dễ tiếp cận với các tổ chức ngân hàng hơn.

Cần phải nâng cao chất lượng GDĐH

Bàn về kiểm định chất lượng giáo dục đại học, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí đề nghị quy định việc kiểm định chất lượng GDĐH và công khai kết quả kiểm định là bắt buộc nhưng cần có lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, cần bổ sung nội dung cụ thể về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy trình, chu kỳ kiểm định cũng như việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng; bổ sung chế tài đối với những hành vi vi phạm về kiểm định chất lượng; bổ sung quy định về kiểm định chất lượng đối với cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài và các quy định bảo vệ quyền lợi của người học tại các cơ sở này. Ý kiến của Ủy ban TVQH nhận thấy, việc thực hiện kiểm định chất lượng là yêu cầu bắt buộc nhằm cung cấp thông tin cho người học, người sử dụng lao động và xã hội đánh giá cơ sở GDĐH và là công cụ để Nhà nước quản lý chất lượng, thực hiện đầu tư và giao nhiệm vụ đào tạo.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, vấn đề về kiểm định chất lượng GDĐH đó là việc quy định trách nhiệm của cơ sở kiểm định chất lượng GDĐH trong việc bảo đảm kết quả kiểm định của mình, quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng cụ thể. Bởi vì nếu cơ sở này là cơ quan gác cổng về kiểm định và công bố với xã hội thì phải có trách nhiệm về kết luận kiểm định của mình, tránh tình trạng có sự không minh bạch, cấu kết giữa 2 bên để có chất lượng kiểm định không tốt.

Đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) lại khẳng định, chất lượng GDĐH hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường phải đào tạo lại khá phổ biến, do đó ông đề nghị cần quy định chặt chẽ về chất lượng đầu ra của GDĐH, trách nhiệm của cơ sở GDĐH trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo, quy định chặt chẽ giữa việc phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, làm rõ các điều kiện bảo đảm chất lượng, tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo giáo dục là một vấn đề cốt lõi để bảo đảm chất lượng giáo dục của đại học. Do đó, cần phải thiết kế lại điều này mang tính khẳng định một cách căn cơ khi đã đủ các yếu tố hội tụ thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, để thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng GDĐH thì mục tiêu nâng cao chất lượng GDĐH mới đạt được và Điều 54 của dự thảo luật này mới có ý nghĩa.

Đa số ý kiến đại biểu QH tán thành thông qua Luật Giáo dục Đại học trong Kỳ họp thứ 3 này và mong luật sớm được ban hành để điều chỉnh, khắc phục những bất cập đối với các cơ sở GDĐH và sẽ tác động đổi mới hệ thống GDĐH, phát huy được mọi nguồn lực để khơi dậy phát triển cho nền giáo dục của nước nhà.

* Liên quan đến dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), chiều cùng ngày (25/5), QH tiếp tục thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, dự thảo tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Những vấn đề được đại biểu tập trung thảo luận về dự thảo Luật là địa vị pháp lý của công đoàn; quyền gia nhập hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài, về hệ thống tổ chức và tên gọi của công đoàn các cấp; các điều kiện bảo đảm cho cán bộ công đoàn và tài chính của công đoàn.

Về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài (khoản 2 Điều 5), vấn đề này, có hai loại ý kiến. Do còn ý kiến khác nhau nên UBTVQH trình Quốc hội 2 phương án.

Phương án 1, không quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài.

Phương án 2, quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài.

Cụ thể, Khoản 2, Điều 5 dự thảo Luật quy định “Người lao động là người nước ngoài làm việc tại đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam mà có tổ chức công đoàn cơ sở, nếu có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và hợp đồng lao động còn hiệu lực từ 6 tháng trở lên thì được gia nhập và hoạt động công đoàn, nhưng không được tham gia vào cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không quy định vấn đề này trong Luật, vì theo quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật thì công đoàn không chỉ có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn mà còn có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động nói chung, trong đó có lao động là người nước ngoài. Do đó, không nhất thiết phải quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài.

Về trách nhiệm của công đoàn trong việc “tổ chức và lãnh đạo đình công” (khoản 9 Điều 10) và tài chính công đoàn (Điều 26), Báo cáo giải trình của Ủy ban TVQH cho rằng, với chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, để thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa thì trách nhiệm của công đoàn khi có mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động trước hết phải là hoà giải, thương lượng, vận động, thuyết phục nhằm đạt được thỏa thuận, hạn chế xảy ra đình công gây thiệt hại cho cả hai bên. Trường hợp mâu thuẫn về lợi ích không thỏa thuận được thì công đoàn có trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo người lao động thực hiện quyền đình công của mình theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đại điện cho người lao động để tiếp tục đàm phán với người sử dụng lao động đi đến thống nhất giải quyết vụ việc đình công hoặc đại diện cho tập thể người lao động để giải quyết vụ việc đình công.

Vì vậy, Luật Công đoàn cần quy định về trách nhiệm của công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục cụ thể tổ chức và lãnh đạo đình công của công đoàn được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Về tài chính công đoàn, nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật trình Quốc hội về nguồn thu của công đoàn bao gồm cả kinh phí do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng. Tuy nhiên, về mức đóng thì ý kiến còn khác nhau: có ý kiến tán thành quy định mức đóng bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động; ý kiến khác đề nghị mức đóng bằng 2% tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; có ý kiến lại đề nghị quy định mức đóng tối đa bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể.

Điểm khác trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được trình QH kỳ này là đã bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn tại Điều 18 và Điều 19 của dự thảo Luật.  Đây là một trong những nội dung rất được các đoàn viên công đoàn quan tâm.


Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm