Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Tư pháp xây dựng thể chế phải mang tính dự báo và ổn định

Thứ tư, 09/01/2013 - 16:59

(Thanh tra) - Ngành Tư pháp phải xây dựng chính sách kịp thời trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu của xã hội. Thể chế phải mang tính dự báo và ổn định cao, tao dựng tiềm tin của nhân dân và doanh nghiệp. Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2013 diễn ra ngày 9/1.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết ngành Tư pháp

Chú trọng kiểm soát thủ tục hành chínhPhát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành Tư pháp trong năm 2012. Theo Thủ tướng, những kết quả đó đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trong các lĩnh vực. Nổi bật, ngành Tư pháp đã bám sát các chỉ tiêu nhiệm vụ, triển khai có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thành khá tốt nhiệm vụ được giao, trong đó công tác xây dựng thể chế có bước tiến lớn, cơ bản hoàn thành kế hoạch, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản; việc theo dõi kiểm tra, thực thi pháp luật cũng có bước tiến bộ. “Công tác tư pháp, trước hết là việc ban hành thể chế, pháp luật; hiệu lực, hiệu quả của thể chế, luật pháp nếu không quan tâm, không làm tốt thì làm sao nâng cao được hiệu lực quản lý Nhà nước, làm sao có Nhà nước pháp quyền”, Thủ tướng nói. Thủ tướng phát biểu chỉ đạo hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013  Năm 2013, ngành Tư pháp phải tập trung nâng cao chất lượng xây dựng thể chế. “Ngành Tư pháp phải xây dựng chính sách kịp thời trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu của xã hội. Thể chế phải có tính dự báo và ổn định cao, tạo dựng tiềm tin của nhân dân và doanh nghiệp. Ngành cũng phải chỉ đạo quyết liệt, ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn chi tiết luật, pháp lệnh của Quốc hội. Dự thảo Luật Đất đai chuẩn bị trình Quốc hội phải giải quyết được những vướng mắc nhất là vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng”, Thủ tướng nhấn mạnh.Thủ tướng giao Bộ Tư pháp là đầu mối, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc giải quyết tranh chấp pháp lý với quốc tế; thực hiện đổi mới quy trình thủ tục xây dựng thể chế để tránh tình trạng luật ban hành rồi vẫn chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm soát thủ tục hành chính, nhất là việc ban hành các thủ tục mới để không gây phiền hà cho doanh nghiệp, cho người dân. Thủ tướng lưu ý, ngành Tư pháp phải theo dõi việc thi hành pháp luật và công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; đề cao trách nhiệm công tác tư pháp. Trước khi ban hành văn bản pháp luật phải làm rõ sẽ tác động đến ai, có lợi gì cho người dân và đất nước. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực và trách nhiệm của bộ máy làm công tác tư pháp. Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tư pháp rà soát lại chức năng nhiệm vụ gắn liền với biên chế để soạn thảo ban hành nghị định mới quy định tổ chức, hoạt động ngành, kể cả chính sách thu hút người tài và đào tạo các chuyên gia để nâng cao chất lượng cán bộ ngành Tư pháp. Phát hiện hơn 10.000 văn bản chưa bảo đảm tính hợp pháp


Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2012, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền 564.524 văn bản. Qua kiểm tra, phát hiện 10.039 văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp theo quy định, trong đó có 1.394 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung; các cơ quan ban hành văn bản đã xử lý xong 6.665 văn bản (đạt tỷ lệ 66,4% tổng số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp).

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai hiệu quả, hoàn thành việc đơn giản hoá hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để đơn giản hoá được 3.779 thủ tục hành chính trong tổng số 4.751 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề.   Thủ tướng đánh giá năm 2012 ngành Tư pháp đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trên các lĩnh vựcCác trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 115.779 vụ việc cho 117.334 lượt người (tăng 13.5% số vụ việc và 14,1% số người so với năm 2011). Các yêu cầu của người dân về đăng ký các sự kiện sinh, tử, kết hôn được giải quyết thực hiện tốt. Công tác đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực, không để xảy ra sai sót, bức xúc lớn. Thể chế trong lĩnh vực nuôi con nuôi bao gồm cả con nuôi trong nước và con nuôi nước ngoài về cơ bản đã hoàn thành góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác này. Việc hoàn thiện thể chế trong công tác bồi thường Nhà nước đã được đẩy mạnh. Các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết xong 22/53 vụ việc (đạt tỷ lệ 41,5%), với tổng số tiền bồi thường hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường nhất là tố tụng và quản lý hành chính.Cũng theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến nay, 62/63 tỉnh, TP (trừ Đà Nẵng) đã chỉ đạo giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Thông qua đó, các tổ chức bán đấu giá tài sản đã bán đấu giá thành công 11.160 hợp đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.157 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 3.764 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 6.930 tỷ đồng.Công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính tiếp tục có chuyển biến tích cực. Song, số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn nhiều (229.714 việc và hơn 28 nghìn tỷ đồng, tăng gần 7 nghìn tỷ so với số năm 2011 chuyển sang năm 2012); kết quả phân loại án về giá trị có điều kiện thi hành còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số phải thi hành (31,09%). Khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự tiếp tục tăng so với năm 2011; một số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm.Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định, công tác tư pháp năm 2012 triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao và thu được kết quả trên nhiều lĩnh vực, nhất là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày càng được chú trọng, khắc phục đáng kể tình trạng nợ đọng nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Chưa có những giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật cồng kềnh, phức tạp, tính khả thi chưa cao; tiến độ, chất lượng xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; thủ tục hành chính còn rườm rà, chi phí tuân thủ lớn…Năm 2013, ngành Tư pháp xác định rõ 10 nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu để triển khai đồng bộ các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ ngành. Đó là, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các dự án luật, pháp lệnh thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013. Mở rộng và tăng cường việc thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng “khép kín” trong quá trình thẩm định; triển khai quyết liệt hoạt động hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật… Công tác thanh tra của ngành Tư pháp đã được tiến hành ở một số lĩnh vực tư pháp có nhiều vướng mắc, phản ánh (thi hành án dân sự, công chứng, bán đấu giá tài sản, sử dụng biểu mẫu hộ tịch, giải quyết khiếu nại, tố cáo) qua đó đã phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm. Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng quy trình, thủ tục, đã giải quyết kịp thời, dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc kéo dài. Bộ Tư pháp đã tiếp và giải quyết theo thẩm quyền 441/624 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ngành Thi hành án dân sự đã giải quyết 7.217/7.513 đơn, đạt tỷ lệ 96,06%.

Bài, ảnh: Hồng Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất