Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiểm soát quyền lực Nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ hai, 20/05/2013 - 08:59

(Thanh tra) - Theo Hồ Chí Minh, nếu Đảng có tính tổ chức kỷ luật càng cao thì việc kiểm soát của Đảng đối với các đảng viên trong các cơ quan của bộ máy Nhà nước càng có hiệu quả.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng”. Ảnh: Tư liệu

Người cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là sự độc lập trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh quan liêu, nạn tham ô, lãng phí cũng như các hành vi vi phạm khác trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong thực thi công vụ của cán bộ, viên chức Nhà nước.

Phương pháp của Hồ Chí Minh được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo nhân dân ta giành, giữ và xây dựng chính quyền Nhà nước. Một lĩnh vực cơ bản và quan trọng trong phương pháp của Hồ Chí Minh là kiểm soát quyền lực Nhà nước (QLNN).

Phương pháp kiểm soát QLNN trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở những phương thức hay cách thức, hình thức để kiểm soát quyền lực của các tổ chức, cá nhân có quyền lực trong bộ máy Nhà nước. Mỗi tổ chức, cá nhân, với vị trí, chức năng hay chức vụ lãnh đạo, quản lý nhất định trong bộ máy Nhà nước, đều ít nhiều có quyền hành: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ” (1). Quyền lực này là do Đảng hoặc Chính phủ, đoàn thể “ủy cho họ quyền lãnh đạo” (2) mà có. Xét cho cùng, quyền lực đó cũng đều do nhân dân “ủy thác” ra với những thời hạn nhất định.

Trong thực tế, mỗi tổ chức, cá nhân có quyền lực được trao thường rất dễ có xu hướng lạm quyền, tức lạm dụng quyền lực đó để mưu cầu “lợi ích nhóm” hoặc lợi ích của cá nhân. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông ngênh cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chính quyền trong tay vẫn hay lạm dụng…” (3). Vì vậy, để bảo đảm “mọi quyền lực đều là của nhân dân”, Hồ Chí Minh cho rằng, rất cần thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Kiểm tra, kiểm soát trong công việc lãnh đạo, quản lý nói chung và kiểm tra, kiểm soát đối với đội ngũ cán bộ có chức quyền có vai trò cực kỳ quan trọng. Người khẳng định: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra” (4).

Phương pháp kiểm soát QLNN trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, sử dụng “phép luật của nhân dân” trong việc thực hiện kiểm soát QLNN

Sử dụng pháp luật trong việc thực hiện kiểm soát QLNN có vai trò cực kỳ quan trọng. Ngay từ khi đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã xác định rõ vai trò của pháp luật và nhấn mạnh điều đó bằng một câu thơ rất cô đọng trong “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi tới trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Véc-xây năm 1919: “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền” (5).

Vào lúc bấy giờ, Người đã nhận thức rõ rằng, Nhà nước tư sản cũng là Nhà nước pháp quyền nhưng pháp luật trong Nhà nước đó chủ yếu vẫn do những người đại diện của giai cấp tư sản xây dựng nên, chủ yếu bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản mà chưa nhằm bảo vệ lợi ích của đông đảo nhân dân lao động. Chính vì vậy, sau này khi đã lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, thực hiện xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, Người cho rằng, phải xây dựng pháp luật làm sao bảo đảm thực sự là của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân, và do vậy phải do nhân dân xây dựng nên. Người chỉ rõ: “Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân” (6).

Theo Hồ Chí Minh, để pháp luật thực sự là của nhân dân thì nhân dân cần được trực tiếp tham gia xây dựng, hay được “phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” (7). Điều đó có nghĩa, nhân dân phải được tham gia đóng góp ý kiến, quyết định đối với các văn bản pháp luật, quyết định đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Để thực hiện kiểm soát QLNN bằng pháp luật, Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu huy động tài năng, sáng kiến của nhân dân vào xây dựng pháp luật mà còn nhấn mạnh đến việc thực thi pháp luật. Theo Hồ Chí Minh, có pháp luật rồi nhưng pháp luật đó phải được thực hiện một cách nghiêm minh; bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng phải bị trừng trị nghiêm khắc.

Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa I, tháng 10/1946, Người nói: Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh đến những người làm việc ở các ủy ban là đông lắm và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị. Đã trị, đang trị, và sẽ trị cho kỳ hết.

Trước đó, ngày 5/2/1946, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 27, trong đó quy định phá hoại tài sản công bị coi là trọng tội, sẽ bị truy tố và phạt tù hoặc xử tử.

Ngày 27/1/1946, Người ký Sắc lệnh số 223 ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, tài sản công, trong đó, tội tham ô, trộm cắp của công cũng bị khép vào mức án tử hình (8).

Theo Hồ Chí Minh, việc thực thi pháp luật có vai trò rất quan trọng. Do vậy, việc xử lý bằng pháp luật khi vi phạm cần nghiêm minh, kịp thời, không được bao che. Người thường phê phán những cán bộ có tư tưởng bao che, xử lý không nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật: “Có cán bộ đảng viên lợi dụng quyền thế của Đảng và Nhà nước làm những việc trái với chính sách và pháp luật, xâm phạm đến lợi ích vật chất và quyền tự do dân chủ của nhân dân, nhưng cũng chưa bị xử lý kịp thời…. Như vậy là kỷ luật chưa nghiêm” (9).

Thứ hai, kiểm soát QLNN từ bên trong Nhà nước

Kế thừa tư tưởng tiến bộ của các nhà lập hiến trên thế giới, cũng như vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về tổ chức QLNN, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất rõ phương pháp kiểm soát QLNN từ bên trong Nhà nước. Ở bản Hiến pháp năm 1946, Người đã đưa ra ý tưởng ban đầu về sự phân công và có sự kiểm soát giữa các cơ quan cao nhất của QLNN. Trong bản Hiến pháp này, Hồ Chí Minh đã áp dụng những nguyên lý cơ bản của thuyết phân quyền ở khía cạnh kỹ thuật trong việc tổ chức thực hiện QLNN. Trong cơ cấu quyền lực gồm các quyền: Lập pháp, hành pháp và tư pháp; mỗi nhánh quyền lực do một loại thiết chế Nhà nước thực hiện. Như Điều 22 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”; Điều 43 quy định: “Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”; Điều 63 quy định: “Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có: Tòa án Tối cao, các Tòa án Phúc thẩm, các Tòa án Đệ nhị cấp và sơ cấp”. Từ những quy định này ta có thể nhận thấy, Hiến pháp năm 1946 đã bảo đảm được tính độc lập của quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đã khẳng định có tính nguyên tắc là các cơ quan Quốc hội, Chính phủ và Tòa án đều là những cơ quan cao nhất của QLNN, mỗi cơ quan Nhà nước nắm một bộ phận QLNN. Chính những quy định này đã thể hiện sự phân công lao động quyền lực giữa các cơ quan cao nhất của QLNN khá rạch ròi, đồng thời bảo đảm được sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan đó.

Đồng thời với phương pháp kiểm soát giữa các cơ quan QLNN cao nhất, Hồ Chí Minh còn đề cập nhiều đến vai trò của cơ quan chuyên trách của Nhà nước trong việc kiểm soát. Đó là các Ban Thanh tra trong bộ máy Nhà nước. Không những thế, Người còn nhấn mạnh đến tính độc lập của các Ban Thanh tra này. Ngay trong Sắc lệnh số 64/SL, ngày 23/11/1945 đã có quy định về quyền hạn của Ban Thanh tra Đặc biệt trong việc “đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban Nhân dân hay Chính phủ đã phạm lỗi” và “sẽ thiết lập ngay tại Hà Nội một Tòa án Đặc biệt để xử những nhân viên của các Ủy ban Nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra truy tố”. Những quy định trong Sắc lệnh số 64 đã thể hiện rõ quyền năng, vai trò của thanh tra trong việc phát hiện và xử lý những vi phạm pháp luật của nhân viên Nhà nước trong quá trình thực thi công vụ.

Trong Sắc lệnh số 138/SL ngày 18/12/1949 về việc thành lập Ban Thanh tra Chính phủ có quy định một trong những nhiệm vụ của Ban Thanh tra Chính phủ là: “Thanh tra các Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết”.

Sắc lệnh số 261/SL ngày 28/3/1956 về thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ còn quy định rõ hơn nhiệm vụ của Ban này: Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ có nhiệm vụ “thanh tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, việc sử dụng, bảo quản tài sản Nhà nước, chống phá hoại, tham ô và lãng phí”.

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là sự độc lập trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh quan liêu, nạn tham ô, lãng phí cũng như các hành vi vi phạm khác trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong thực thi công vụ của cán bộ, viên chức Nhà nước.

Thứ ba, kiểm soát QLNN từ bên ngoài Nhà nước

Phương pháp kiểm soát QLNN từ bên ngoài Nhà nước được thể hiện ở việc nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát thông qua các hình thức như bầu cử, phê bình…; thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đặc biệt là qua các phương tiện truyền thông, báo chí.

Trong các hình thức nhân dân kiểm soát quyền lực thì hình thức bầu cử giữ vai trò quan trọng. Đây được coi là “một hình thức hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”, vừa là hình thức kiểm soát các cơ quan quyền lực trong thời kỳ chuyển giao. Theo Hồ Chí Minh, để bảo đảm nguyên tắc tất cả QLNN thuộc về nhân dân, điều cần thiết hàng đầu là cơ quan QLNN phải được nhân dân bầu ra một cách tiến bộ và dân chủ. Bầu cử không chỉ là biện pháp dân chủ để thành lập ra Nhà nước mà còn là một phương thức để kiểm soát QLNN. Nhận thấy vai trò to lớn của bầu cử, ngay từ khi mới ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, Hồ Chí minh đã đề nghị Chính phủ lâm thời sớm tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử và xây dựng Hiến pháp. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...” (10).

Sở dĩ Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức một cuộc bầu cử sớm như vậy, bởi đây không chỉ là để thực hiện dân chủ trong xã hội mà còn là một trong những phương thức để được thừa nhận ở trong và ngoài nước về tính hợp pháp và chính thức của một chính thể dân chủ. Bầu cử dân chủ là phương thức buộc người trúng cử phải có trách nhiệm với nhân dân bầu ra mình, là phương thức để các công dân kiểm soát QLNN mà mình ủy thác ra. Đây còn là phương thức để nhân dân chống với kẻ thù nguy hiểm, đó là chủ nghĩa cá nhân còn đang ẩn nấp trong đội ngũ “công bộc” của dân: “Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức mạnh như một viên đạn” (11).

 Ngoài hình thức bầu cử, nhân dân còn kiểm soát QLNN thông qua việc sử dụng “quyền bãi miễn” đại biểu mà mình đã bầu ra nhưng không làm tròn trách nhiệm được giao. Bãi miễn hay miễn nhiệm đối với người đại diện, đại biểu là một chế định pháp lý thể hiện tính chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Giai cấp công nhân có quyền bầu ra thì cũng có quyền bãi miễn họ, nếu họ không chịu sửa chữa khuyết điểm” (12). Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền bãi miễn đại biểu của cử tri đã được ghi nhận ngay từ Hiến pháp năm 1946: “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu của mình đã bầu ra” (Điều 20).

Theo Hồ Chí Minh, nhân dân kiểm soát QLNN còn được thông qua việc tham gia hay “phúc quyết” của người dân đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước. Điều thứ 32 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viện đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định”. Thực chất, đây là chế độ trưng cầu dân ý, một hình thức dân chủ trực tiếp quan trọng, đồng thời thể hiện việc kiểm soát của nhân dân đối với các quyết sách của Nhà nước đã được Hồ Chí Minh quan tâm và đề ra rất sớm ở nước ta. Người viết: “… chỉ có chế độ của chúng ta mới thật sự phục vụ lợi ích của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, bảo đảm mọi quyền lợi của nhân dân, mở rộng dân chủ để nhân dân thật sự tham gia quản lý nước” (13).

Cùng với các hình thức kiểm soát trên, việc góp ý, “phê bình”, “bày tỏ ý kiến” hay khiếu nại, tố cáo… của nhân dân đối với cán bộ trong bộ máy Nhà nước cũng là những hình thức quan trọng để kiểm soát QLNN. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “… phê bình và bày tỏ ý kiến… đó là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh đạo”; “dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta” (14). Theo Người, phê bình cũng được coi là một cách rất hay để kiểm soát QLNN, nhất là việc kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo trong công tác cán bộ. Người viết: “Để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng” (15).

Việc bầu cử, miễm nhiệm, phê bình, khiếu nại, tố cáo của nhân dân trong kiểm soát QLNN có vai trò quan trọng, vì vậy Hồ Chí Minh luôn khuyến khích nhân dân góp ý, phê bình đối với các cơ quan QLNN. Người viết: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân” (16).

Thứ tư, kiểm soát QLNN của Đảng

Phương pháp kiểm soát QLNN của Đảng được coi là phương pháp có sự kết hợp giữa kiểm soát từ bên trong Nhà nước và kiểm soát từ bên ngoài Nhà nước. Phương pháp này trước hết được thể hiện ở việc thiết lập một thể chế “cầm quyền” của Đảng một cách hợp lý, đáp ứng được mục tiêu chính trị của Đảng là xây dựng một Nhà nước mà quyền lực của nó đều thuộc về nhân dân. Điều đó được thể hiện rõ qua mô hình “Đảng cầm quyền” mà Hồ Chí Minh đã đề cập ở một mức độ nhất định trong bản Hiến pháp năm 1946.

Với tư cách là người đứng đầu của Đảng khi đã lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã áp dụng phương thức cầm quyền của Đảng theo mô hình thông dụng, phổ biến trên thế giới: “Đảng cầm quyền”. Đảng cầm quyền tức là Đảng đã thực hiện kiểm soát QLNN, bảo đảm cho quyền lực đó mới đúng là quyền lực của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Đảng cầm quyền tức là Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về các mặt hoạt động của Nhà nước; Nhà nước mạnh tức là Đảng mạnh. Hồ Chí Minh hiểu rõ rằng, dưới con mắt của nhân dân, Đảng và Chính phủ không phải là hai mà là một. Theo Người, Đảng cầm quyền thì QLNN mới có thể bảo đảm thực sự là quyền lực của nhân dân, thực sự vì lợi ích của nhân dân.

Người còn chỉ rõ rằng, để giữ địa vị lãnh đạo trong xã hội và vị thế là Đảng cầm quyền, Đảng cần thường xuyên giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng có năng lực về chuyên môn, về công tác lãnh đạo, quản lý; có phẩm chất đạo đức, uy tín cao để sẵn sàng ứng cử vào giữ các cương vị chủ chốt trong bộ máy Nhà nước các cấp. Những đảng viên đang hoạt động trong bộ máy Nhà nước đều phải sinh hoạt trong các tổ chức của Đảng, chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng nhằm để làm tốt trách nhiệm của mình là những “người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Việc Đảng kiểm tra, giám sát, làm trong sạch đội ngũ đảng viên đang giữ những vị trí chủ chốt của các cơ quan QLNN tức là Đảng đã thực hiện sự kiểm soát QLNN. Điều đó cho thấy, nếu Đảng có tính tổ chức kỷ luật càng cao thì việc kiểm soát của Đảng đối với các đảng viên trong các cơ quan của bộ máy Nhà nước càng có hiệu quả. Chính vì điều đó mà Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến chất lượng sinh hoạt Đảng, bảo đảm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Người đã phê bình nghiêm khắc các tệ lạm dụng quyền lực của các đảng viên với tư cách là những người có chức quyền trong bộ máy Nhà nước. Người viết: “… cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ” (17).

Công tác kiểm tra của Đảng cầm quyền bao gồm các hoạt động chủ yếu, như: Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, việc thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt, giữ gìn kỷ luật của Đảng. Trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là đặc biệt quan trọng. Công tác kiểm tra được Hồ Chí Minh ví như “ngọn đèn pha” giúp cho việc lãnh đạo và cầm quyền đúng đắn. Người chỉ rõ: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời” (18).

Hồ Chí Minh không những đã chỉ dẫn cho chúng ta về cách thức kiểm tra, mà điều quan trọng hơn là Người còn nhắc nhở chúng ta phải khéo trong công tác này. Bởi vì kiểm tra là công việc rất khó khăn và phức tạp, kiểm tra có khéo thì mới đạt được hiệu quả mong muốn. Người nêu rõ: Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các Nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi” (19).

Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về phương pháp kiểm soát QLNN được nêu ở trên vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa rất lớn đối với chúng ta. Học tập phương pháp kiểm soát QLNN theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một giải pháp thiết thực để xây dựng thành công một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở nước ta hiện nay.
…………….
(1) (4) (14) (15) (18) (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, trang 641, 521, 297, 296, 520, 287.

(2) (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, trang 68, 167.   

(3) (8) (10) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, trang 47, 513, 8, 513.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 1, trang 438.

(6) (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, trang 453, 361 - 362.

(7) Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980 và 1992), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 11.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, trang 575.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, trang 567.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, trang 593.


PGS. TS Nguyễn Hữu Đổng
Viện Chính trị học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh


Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm