Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 22/03/2011 - 10:04
(Thanh tra)- Hôm qua (21/3), Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khoá XII đã chính thức được khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Trước khi khai mạc, QH đã họp phiên trù bị họp để thảo luận, thông qua Chương trình Kỳ họp và trao đổi về một số vấn đề cần thiết khác. Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ nên sẽ tập trung xem xét báo cáo đánh giá, tổng kế nhiệm kỳ của các cơ quan: Báo cáo tổng kết hoạt động của QH nhiệm kỳ khoá XII (2007 - 2011); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007 - 2011 của Chủ tịch nước; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007 - 2011 của Chính phủ, Chánh án
Quang cảnh ngày khai mạc
TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao và thông qua 4 dự án luật.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhìn lại những kết quả đạt được về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát thường xuyên của QH, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, nền kinh tế nước ta tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Vị thế của nước ta trong khu vực và quốc tế tiếp tục được nâng cao. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn... Do vậy, cần quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện để đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết của QH đề ra năm 2011. Trong đó, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt 6,78%
“Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và những giải pháp tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2011” do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2010 đạt 6,78%, cao hơn chỉ tiêu QH thông qua (6,5%). Các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu đều tăng cao hơn năm 2009. Trong nông nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, nhưng với sự tập trung chỉ đạo của các ngành, các cấp từ T.Ư đến địa phương, sự nỗ lực cố gắng của bà con nông dân nên kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất từ trước đến nay (6,8 triệu tấn), cung cấp ngày càng nhiều nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Kết quả này cho chúng ta thấy rõ hơn lợi thế của lĩnh vực nông nghiệp trong phát triển kinh tế cũng như trong giải quyết khủng hoảng. Đồng thời, cũng đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ phải tập trung nhiều hơn nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo nền tảng ổn định cho tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Thu ngân sách Nhà nước năm 2010 vượt 21,2% so với dự toán được QH thông qua; một mặt thể hiện những cố gắng trong công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, mặt khác cũng chỉ ra chất lượng của công tác dự báo, dự toán. Nhưng, nhờ có tăng thu đã có thêm nguồn để chi bảo đảm các khoản chi an sinh xã hội cấp bách, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, đồng thời dành nguồn để giảm bội chi ngân sách còn 5,6% GDP, giảm 0,6% GDP so với dự toán đã được QH thông qua. Dư nợ Chính phủ đến ngày 31/12/2010 bằng 44,1% GDP, dư nợ quốc gia bằng 42,2% GDP, được kiểm soát trong giới hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém như môi trường kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng 11,75% so với tháng 12/2009, cao hơn chỉ tiêu QH thông qua (7%); nhập siêu còn lớn; bội chi ngân sách cao, nợ công có xu hướng tăng; mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá chưa ổn định đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chất lượng tăng trưởng còn thấp. Ô nhiễm môi trường đang trầm trọng, nhất là tại các khu đô thị, công nghiệp, khu chế xuất, các làng nghề. Chế tài xử lý ô nhiễm môi trường còn chưa đủ mạnh và thực thi pháp luật về xử lý các hành vi gây ô nhiễm, nhất là ở một số khu vực, địa phương còn chưa nghiêm. Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu còn chưa được triển khai có hệ thống, đồng bộ và đang còn là thách thức lớn trong trung hạn và dài hạn ở nước ta.
Tái cơ cấu Vinashin, bước đầu có kết quả khả quan
Cũng theo báo cáo, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm để xảy ra sai phạm tại Vinashin. Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhận định, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong quản lý Nhà nước và thực hiện quyền sở hữu với các tập đoàn kinh tế, góp phần đưa đất nước vượt qua giai đoạn suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, với chức năng là chủ sở hữu và quản lý Nhà nước với Vinashin, Chính phủ, Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã có những thiếu sót, khuyết điểm. Bộ Chính trị đã yêu cầu các tập thể, cá nhân liên quan phải nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin cũng như không để xảy ra sai phạm tương tự ở các doanh nghiệp Nhà nước khác.
Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra toàn diện, làm rõ tình hình và sai phạm ở Vinashin. Đến nay, việc thanh tra đã hoàn thành và Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp tình hình, số liệu để báo cáo Thủ tướng.
Đối với cá nhân nguyên là lãnh đạo và cán bộ liên quan ở Tập đoàn Vinashin, Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, khởi tố, bắt tạm giam một số cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Đến nay, công tác điều tra đang được tiếp tục củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm minh, kịp thời, khách quan theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định, hiện tiến độ tái cơ cấu Vinashin đang được triển khai. Tình hình bước đầu có kết quả khả quan, sản xuất kinh doanh phục hồi. Vinashin đã bàn giao được nhiều tàu cho khách hàng, thu nhập của người lao động được bảo đảm.
Các giải pháp chỉ đạo điều hành
Đề cập đến 6 giải pháp tập trung chỉ đạo điều hành trong năm nay, báo cáo do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày nêu rõ: Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng. Đó là hạn chế tăng cung tiền, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu tốc độ tăng tín dụng năm 2011 dưới 20%. Điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là lượng tiền cung ứng, các loại lãi suất, tỷ giá. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, thu đổi ngoại tệ.
Biện pháp thứ hai, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách. Phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước 7 - 8% so với dự toán năm 2011 đã được QH thông qua. Rà soát, sắp xếp lại chi thường xuyên để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong 9 tháng còn lại. Cắt giảm đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình cấp bách. Đồng thời phấn đấu giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống dưới 5%, tăng cường quản lý nợ Chính phủ, nợ quốc gia.
Thứ ba, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường. Đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước.
Bốn là, điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo. Giá điện vừa qua bằng 60 - 70% giá thành. Đầu tháng 3 năm nay, Chính phủ đã điều chỉnh giá điện tăng thêm 165 đồng/Kwh (tăng 15,28%). Đồng thời thực hiện hỗ trợ hộ nghèo 30.000 đồng/hộ/tháng. Việc điều chỉnh giá xăng dầu cũng bảo đảm vận hành theo cơ chế giá thị trường.
Thứ năm, các biện pháp tăng cường bảo đảm an sinh xã hội.
Cuối cùng là, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đến người dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các nhóm giải pháp trên vừa thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, vừa để bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai.
Sau báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền đã đọc báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011.
Buổi chiều, QH nghe các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2007 - 2011 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao.
Hôm nay, Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô và thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của 2 dự thảo luật trên.
Phương Hiếu
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng nay (12/12), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 24.
Trần Lê
10:32 12/12/2024(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Trần Quý
Kim Thành
Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh