Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ

Thứ bảy, 25/05/2013 - 21:00

(Thanh tra) - Hôm nay (25/5), Quốc hội tiếp tục nghe và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ (KHCN) và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, tại Phiên họp thứ 14 (tháng 01/2013) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, sau đó đã xem xét, cho ý kiến và chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này...
 

Đa số các đại biểu tán thành báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và có đánh giá lại việc tiếp thu sau Kỳ họp thứ tư đã được triển khai rất nghiêm túc, đầy đủ.

Các ý kiến thảo luận vào nhiều nội dung, trong đó tập trung vào chính sách của Nhà nước về phát triển KHCN; tổ chức KHCN; các biện pháp phát triển nguồn nhân lực KHCN…
 

Về việc sắp xếp, phân loại các tổ chức KHCN, đa số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định để phân loại, sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống tổ chức KHCN nhằm quản lý hiệu quả hơn hoạt động của các tổ chức KHCN, đặc biệt là các tổ chức KHCN công lập.
 

Theo đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), về tổ chức KHCN tại Điều 10 Khoản 1 quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mạng lưới tổ chức KHCN là không hợp lý. Vì Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức KHCN công lập để hoạch định và quản lý các tổ chức KHCN do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập và sử dụng ngân sách Nhà nước trong quá trình hoạt động. Các tổ chức KHCN còn lại do các tổ chức doanh nghiệp, các cá nhân tự quyết định thành lập phục vụ mục tiêu hoạt động của mình khi đáp ứng được các quy định tại Điều 11 về quy định việc thành lập, điều kiện thành lập đăng ký hoạt động của tổ chức KHCN mà không phụ thuộc vào phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức KHCN của Thủ tướng Chính phủ tránh việc ban hành quy định không có hiệu lực thi hành lại còn thiếu thống nhất giữa các điều với nhau trong cùng một văn bản.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng về điều kiện trình tự thủ tục thành lập các tổ chức  KHCN và đăng ký hoạt động của tổ chức KHCN quy định trong luật và nghị định chưa được rõ ràng, chưa đảm bảo tính minh bạch và còn có nhiều nội dung công việc trùng lặp mang tính thủ tục hành chính nặng nề, gây cản trở cho việc thành lập các tổ chức KHCN.  

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị nên bổ sung quy định về việc thành lập tổ chức KHCN cấp huyện. Vì, hiện nay ở cấp huyện chỉ có Hội đồng KHCN hoạt động rất mờ nhạt, không có cơ quan chuyên môn về quản lý hoạt động KHCN.
 

Về biện pháp phát triển nguồn nhân lực KHCN, nhiều ý kiến cho rằng cần có các biện pháp mạnh mẽ để phát triển và thu hút nhân lực KHCN, có các chính sách rõ ràng trọng dụng và sử dụng nhà khoa học; vinh danh và tạo điều kiện, môi trường cho các nhà khoa học làm việc, cống hiến, đặc biệt là đối với nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học chủ trì các nhiệm vụ KHCN quan trọng của quốc gia, nhà khoa học trẻ tài năng.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) nêu vấn đề số lượng thạc sỹ, tiến sỹ của nước ta không nhỏ và không ngừng tăng nhưng tình trạng hụt hẫng đội ngũ làm KHCN đang diễn ra và thiếu các nhà khoa học có trình độ cao và năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế.

Đại biểu Thăng cho rằng, trong số các nguyên nhân của thực trạng này có thể kể đến nguyên nhân chủ yếu là do việc đãi ngộ, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này còn nhiều bất cập. Chính sách phát triển KHCN chưa mang tính đặc thù. Đại biểu Thăng đề nghị phải có chính sách ưu đãi đối với các nguồn nhân lực và nhân tài KHCN trong các tổ chức KHCN; cần bổ sung chính sách ưu đãi thu hút các sinh viên giỏi vào các ngành nghiên cứu khoa học cơ bản.

Vấn đề đầu tư và cơ chế tài chính cho KHCN, đa số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng những vướng mắc về cơ chế tài chính và đầu tư cho KHCN là điểm nghẽn chủ yếu hiện nay trong hoạt động KHCN và đề nghị Dự thảo Luật cần có quy định cụ thể hơn để tháo gỡ điểm nghẽn này cũng như thể hiện rõ hơn quan điểm phát triển KHCN là quốc sách hàng đầu và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho KHCN.

Những vấn đề khác như về đầu tư cho KHCN của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; chính sách thuế và tín dụng đối với hoạt động KHCN; khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động KHCN trong Dự thảo Luật... cũng được các đại biểu đề cập.


Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn quyết liệt triển khai tinh gọn bộ máy

Lạng Sơn quyết liệt triển khai tinh gọn bộ máy

(Thanh tra) - Lạng Sơn hiện đang quyết liệt triển khai các phương án sắp xếp bộ máy đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể ở địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Chính Bình

12:25 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm