Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đại biểu Quốc hội thảo luận về tên nước

Thứ hai, 27/05/2013 - 21:11

Thảo luận về nội dung Hiến pháp sửa đổi trong ngày 27/5, việc có nên đổi tên nước hay không nhận được khá nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội thảo luận. Ảnh VGP/Thành Chung

Theo Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, khi bàn đến tên nước thì  có nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh việc đề nghị giữ nguyên tên hiện tại là "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" thì có ý kiến đề nghị lấy lại tên nước mà Bác Hồ đã đặt từ năm 1945 là "Việt Nam Dân chủ cộng hòa".

Bên cạnh đó, còn có một số ý  kiến đề nghị đổi tên nước thành “Việt Nam”, “Việt Nam cộng hòa xã hội chủ nghĩa”, “Việt Nam dân chủ xã hội chủ nghĩa”, “Cộng hòa dân chủ Việt Nam”, “Cộng hòa nhân dân Việt Nam”, “Cộng hòa dân chủ nhân dân Việt Nam”, “Cộng hòa dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Cộng hòa Việt Nam” hoặc “Cộng hòa Đại Việt”....

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến này, Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã chọn phương án duy nhất đưa vào dự thảo là giữ nguyên tên nước “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Việc giữ nguyên tên nước nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Thảo luận về quyết định trên của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đa số đại biểu bày tỏ đồng tình với lập luận của cơ quan này.

Theo Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, đa số người dân Thành phố này nhất trí với tên nước hiện nay. Yếu tố Xã hội chủ nghĩa là đường lối nhất quán mà chúng ta đang xây dựng, phù hợp với mong muốn và nguyện vọng thực tế của nhân dân.

Tên nước hiện tại phản ánh đúng định hướng mà Việt Nam đang thực hiện để  đạt được cũng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khác. Đại biểu Đào Văn Bình (đoàn Hà Nội) cho rằng nếu sử dụng tên “Việt  Nam Dân chủ cộng hoà” thì dễ gây ra hiểu nhầm chúng ta không kiên trì con đường Xã hội chủ nghĩa.

Cũng theo đại biểu này và đại biểu cùng đoàn là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đổi tên nước sẽ gây tốn kém tiền của trong thay đổi quốc huy, quốc hiệu, đổi tiền, giấy tờ cá nhân,…  “Cần phải giữ ổn định xã hội, tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế, chăm lo tốt cho đời sống nhân dân”, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường nói.

Ở khía cạnh đối ngoại, đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công Thương Việt Nam) cho biết tên nước hiện tại không gây cản trở đến sự phát triển, hội nhập của Việt Nam với thế giới mà đã đi vào cuộc sống, quen thuộc với người dân và bạn bè thế giới  nên không có lý gì phải thay đổi tên nước.

Tuy nhiên, đại biểu Hồ Thị Thuỷ (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết tại các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương, nhiều ý kiến cử tri đề cập đến nội dung này với các đại biểu Quốc hội và có ý kiến mong muốn lấy lại tên “Việt Nam dân chủ cộng hoà”.

Đại biểu Hồ Thị Thuỷ cho rằng nếu lý giải rằng để tránh tốn kém thì không sửa tên nước thì chưa thuyết phục vì nếu cần thiết thì vẫn phải sửa. Tuy nhiên theo đại biểu, nếu giữ tên nước như hiện nay thì cần giải thích thoả đáng, cặn kẽ hơn cho cử tri.


(Theo Chinhphu.vn)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm