Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đại biểu Quốc hội phải là gương sáng trong thực thi pháp luật

Thứ tư, 23/05/2012 - 15:28

Đó là tâm nguyện của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Điều này càng có ý nghĩa thiết thực khi mà tại kỳ họp này, Quốc hội đang có nhiều dự định và quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, với một đề án quan trọng đã được đặt lên bàn nghị sự.

7 giờ sáng ngày 8/5/1960, nhân dân thủ đô Hà Nội chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu Quốc hội Khóa II nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại phòng bỏ phiếu số 1, số nhà 67 Cửa Bắc, khu phố Ba Đình - Hà Nội. (Ảnh: Mai Nam)

Đại biểu Quốc hội có những tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm gì?

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

Để đại biểu Quốc hội hoàn thành trọng trách lớn lao của mình, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, các quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

Tại Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010 quy định rõ đại biểu Quốc hội phải là người đáp ứng được các tiêu chuẩn sau: 1. Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật. 3. Có trình độ năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. 5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Về thẩm quyền giám sát của Đại biểu Quốc hội, tại điểm đ, Điều 3 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 quy định: “Đại biểu Quốc hội chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”.

Đi kèm với thẩm quyền, tại Điều 4 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là “chịu trách nhiệm và báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ giám sát của mình trước cử tri tại địa phương”.

Luật Tổ chức Quốc hội cũng đã quy định rõ các hành lang pháp lý để đại biểu Quốc hội hoạt động, trong đó tại Điều 46 quy định: “Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri, đồng thời chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Đại biểu Quốc hội phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, động viên nhân dân chấp hành pháp luật và tham gia quản lý nhà nước”; “Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định” (Điều 48); “Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” (Điều 50)...

Soi chiếu vào các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, về quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, có ý kiến của cử tri đã đặt câu hỏi: Đại biểu Quốc hội của Quốc hội nước ta đã hoàn thành trọng trách theo luật định ở mức độ nào?

Những kỳ vọng lớn hơn vào từng đại biểu Quốc hội


Tới thời điểm này, chúng ta chưa có báo cáo tổng thể về chất lượng hoạt động của từng đại biểu Quốc hội, song với khối lượng công việc đồ sộ của Quốc hội được triển khai và hoàn thành cho thấy vai trò và trách nhiệm rất cao của từng đại biểu Quốc hội (mỗi kỳ họp, Quốc hội ban hành khoảng 10- 14 dự án luật, một số nghị quyết và cho ý kiến vào gần 10 dự án luật; đồng thời triển khai nhiều hoạt động giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước...).

Theo đó, đông đảo cử tri và nhân dân đánh giá cao sự tâm huyết của tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội, đồng thời hoan nghênh những đổi mới bước đầu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng việc tiếp xúc cử tri, thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số đại biểu Quốc hội còn hạn chế, mới chỉ tiếp xúc cử tri qua hình thức hội nghị trước và sau mỗi kỳ họp; chưa quan tâm tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng. Vì vậy, không ít đại biểu Quốc hội chưa nắm bắt được đầy đủ những vấn đề nảy sinh, bức xúc trong các tầng lớp nhân dân; việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri giữa hai kỳ họp Quốc hội chưa được quan tâm; việc tham gia giám sát chính quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn hạn chế.

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động của Quốc hội, cử tri và nhân dân còn phàn nàn về một số đại biểu Quốc hội chưa làm tròn vai trò đại diện của cử tri và nhân dân; có không ít đại biểu Quốc hội hoạt động còn mờ nhạt, ít thấy đăng đàn hoặc bày tỏ chính kiến trước khi biểu quyết thông qua luật, hoặc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; cá biệt có đại biểu thiếu gương mẫu, không trung thực trong công tác, thậm chí có biểu hiện vi phạm pháp luật - (Quốc hội khóa XI đã bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của 2 trường hợp vì đã có hành vi vi phạm pháp luật. Và, tại kỳ họp này, theo chương trình làm việc, chiều ngày 23/5 Quốc hội sẽ xem xét Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đoàn Long An)

Nhiều cử tri cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc phát biểu chống tham nhũng, lãng phí của một số đại biểu trong các kỳ họp trước và cử tri mong rằng tại kỳ họp này không nên lặp lại tình trạng đó. Cử tri băn khoăn vì, trong khi Trung ương Đảng, Chính phủ nhận định “tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội là quan chức của các ngành, các cấp khi đăng đàn thường nói việc chống tham nhũng ở đâu đó chứ không hề thấy đại biểu Quốc hội đó nói chống tham nhũng ở ngành, cấp mình; có đại biểu trăn trở về một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, có hành vi tham nhũng, nhưng “bộ phận” đó nằm ở đâu đó chứ không phải nằm ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Theo đó, nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát và chỉ rõ việc vì sao có những tỉnh trong một năm không hề phát hiện ra vụ việc tham nhũng nào, kết quả đó có thực chất không? Vai trò, trách nhiệm chống tham nhũng của Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng của tỉnh đó như thế nào?

Cử tri và nhân dân đồng thời kiến nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, cần tránh việc lực chọn cử tri “chuyên nghiệp”; đồng thời đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân… Trong đó, các đại biểu Quốc hội cần thực hiện tốt chương trình hành động của mình, thực hiện những lời đã hứa trước cử tri; thường xuyên giữ mối liên hệ và dành nhiều thời gian tiếp dân, tiếp xúc với cử tri và nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội. Cử tri và nhân dân mong muốn, trên hết, trước hết đại biểu Quốc hội phải là gương sáng trong thực thi pháp luật, đặc biệt là tuân thủ các đạo luật do chính đại biểu Quốc hội xây dựng nên, trong đó có Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Thiết nghĩ, những kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội là hoàn toàn có cơ sở cả về mặt lý luận và thực tiễn. Chúng tôi cũng đồng ý với nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri mong muốn Quốc hội tiếp tục đổi mới công tác xây dựng pháp luật, đổi mới hoạt động giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thì Quốc hội cũng nên xây dựng cơ chế giám sát ngay chính hoạt động của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Quốc hội cần cụ thể hóa các quy định trong Điều 51 của Luật Tổ chức Quốc hội về các quy định “đại biểu Quốc hội chịu sự giám sát của cử tri”; “cử tri có thể trực tiếp hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc yêu cầu đại biểu báo cáo công tác và có thể nhận xét đối với việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội” và hệ quả pháp lý của việc nhân dân phát hiện ra việc “không hoàn thành nhiệm vụ” và có biểu hiện sai trái của cá nhân đại biểu Quốc hội.

Thực tiễn trong cơ chế hoạt động của Quốc hội nước ta, đại biểu Quốc hội có quyền năng pháp lý rất lớn, nhưng đại biểu Quốc hội cũng chịu sự giám sát của nhân dân và sự điều chỉnh của pháp luật theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Vấn đề là chúng ta cần xây dựng cơ chế cụ thể để nhân dân giám sát, kiểm soát hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhằm tôn vinh các đại biểu Quốc hội gương mẫu, làm việc hiệu quả, đồng thời chỉ ra những đại biểu Quốc hội trong quá trình hoạt động đã phai nhạt lý tưởng cách mạng, vi phạm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội. Qua đó, có hình thức phê bình, thậm chí xử lý kịp thời, đúng pháp luật những vi phạm của đại biểu Quốc hội.

Những vấn đề nêu trên là hoàn toàn đúng với quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người làm Trưởng ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1959. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình” [1].

Cùng với mong muốn đại biểu Quốc hội phải là gương sáng trong thực thi pháp luật, chúng tôi cho rằng, trong giai đoạn hiện nay khi mà cả hệ thống chính trị đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thì đại đa số đại biểu Quốc hội là đảng viên cần phải nêu cao tinh thần gương mẫu thực hiện Nghị quyết của Đảng. Đây vừa là đòi hỏi của cử tri và nhân dân cả nước, nhưng đồng thời cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội, từng đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Dự kiến kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm

Chiều 21/5 vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội (Tờ trình số 143/TTr-UBTVQH13, ngày 18/5/2012). Có 7 nội dung chủ yếu được nêu trong Tờ trình, bao gồm: Hoạt động lập pháp; Hoạt động giám sát; Quyết định các vấn đề quan trọng; Tổ chức kỳ họp Quốc hội; Tổ chức phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; Hoạt động tiếp xúc cử tri và công tác bảo đảm phục vụ hoạt động của Quốc hội.

Riêng về hoạt động giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội phương án: Tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai. Giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012).
 


----------------------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội- 2000, tr. 600.

Theo Hạnh Nguyên (ĐCSVN)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: “Truy vấn” Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư về “gia hạn” các dự án chậm tiến độ

Thanh Hoá: “Truy vấn” Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư về “gia hạn” các dự án chậm tiến độ

(Thanh tra) - Chiều nay 13/12, nhiều đại biểu đã chất vấn tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá tại kỳ họp HĐND thứ 24, khóa XVIII liên quan đến việc gia hạn các dự án chậm tiến độ, có dự án gia hạn đến lần thứ 8 vẫn chưa hoàn thành, gây bức xúc, hoài nghị, dị nghị trong nhân dân.

Văn Thanh

20:01 13/12/2024
Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm