Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xe buýt Hà Nội: Cần thay đổi để “hút” khách

Hải Hà

Thứ ba, 16/07/2024 - 18:04

(Thanh tra) - Theo Đề án “Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội” từ năm 2025, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Để hiện thực hoá mục tiêu này, Hà Nội phải phát triển hệ thống giao thông công cộng, trong đó có xe buýt...

Điểm xe buýt trong khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) thành nơi kinh doanh, buôn bán. Ảnh: HH

Nhiều bất cập

Không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội đã có những bước chuyển mình. Tuy nhiên, để tiến tới mục tiêu dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 thì TP cần ưu tiên hơn nữa để phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện nay TP có 156 tuyến xe buýt, kết nối đến tất cả quận, huyện trên địa bàn TP. Theo tính toán, xe buýt có thể đáp ứng được trên 34% nhu cầu đi lại của người dân ở Hà Nội. Việc xóa “vùng trắng” xe buýt trên địa bàn Thủ đô đến nay đã được hoàn thành.

Mặc dù vậy, hiện nay vận tải hành khách công cộng của Thủ đô mới đạt được 19,5%. Điều này có nhiều lý do như: Xe buýt không có đường dành riêng, tốc độ di chuyển chậm hơn xe máy, điểm đón, trả xe buýt chưa thuận tiện, một số nơi chưa an toàn...

Ngay trong nội đô, nhiều khu vực người dân vẫn phải đi bộ trên 500 - 1.000m mới tiếp cận được xe buýt. Cá biệt có khu vực khoảng cách tiếp cận lên đến 1,5km.

Toàn TP Hà Nội có 4.405 điểm dừng xe buýt nhưng chỉ 8% điểm dừng có nhà chờ, chủ yếu tập trung trong nội thành và đã xuống cấp.

Trạm xe buýt quá xa và bất tiện cũng là cảm nhận chung của rất nhiều người dân chọn di chuyển bằng loại hình phương tiện này.

Hàng ngày di chuyển đến trường bằng xe buýt, bạn Lê Khánh Huyền - sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ, bản thân chọn phương tiện xe buýt vì giá vé rẻ, từ nhà đến trường có nhiều tuyến xe buýt chạy qua nên không phải chờ quá lâu.

Tuy nhiên, sinh viên này cũng bày tỏ, vào giờ cao điểm hành khách trên xe đông, thường xuyên không có chỗ ngồi, chiều đi - về thường bị muộn do tắc đường. Nhiều điểm chờ xe buýt tạm bợ, không có mái che, vào những hôm mưa bão hay nắng to, người dân phải đứng đón xe ở điểm dừng không có mái che rất khổ…

Cần thay đổi

Điểm chờ xe buýt trên đường 70 tạm bợ, không có mái che, vào những hôm mưa người dân phải đứng đón xe rất khổ… Ảnh: HH

Hà Nội có hơn 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động, việc phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt được coi là một trong những giải pháp khả thi, bền vững để từng bước giảm ùn tắc giao thông.

Các chuyên gia cho rằng, để xe buýt phát huy tối đa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Hà Nội cần phải thay đổi đồng bộ nhiều giải pháp.

PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu - Trường Đại học GTVT chia sẻ, thực tế xe buýt hiện nay vẫn thiếu không gian lưu thông dành riêng, thời gian di chuyển lâu, khiến loại hình này kém hấp dẫn.

Để “hút” khách, Hà Nội phải ưu tiên cải thiện điều kiện vận hành để xe buýt đi nhanh hơn, đúng giờ hơn. Cần có giải pháp nhanh chóng cải thiện hạ tầng của hệ thống xe buýt.

Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu nhấn mạnh: Để phát huy tối đa hiệu quả của xe buýt, phải tăng khả năng kết nối ngay trong mạng lưới tuyến và với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác. Phát triển các tuyến buýt trên nền tuyến BRT, đường sắt đô thị trong quy hoạch sẽ từng bước hình thành nhu cầu sử dụng vận tải hành khách công cộng của người dân.

Là người hàng ngày di chuyển bằng xe buýt, chị Nguyễn Quỳnh Anh (Yên Xá, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: Hàng ngày di chuyển từ nhà ở CT5 Yên Xá đến chỗ làm ở Khách sạn Daewoo, tôi phải đi 2 chặng xe buýt, mỗi lần chờ đợi xe rất lâu. Tôi rất mong TP có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, để thu hút người dân đi học, đi làm đến 10km có thể sẵn sàng sử dụng.

Một trong những giải pháp có thể kể đến như tăng cường hệ thống buýt nhánh và buýt gom để mật độ bao phủ dày đặc hơn và bất kỳ người dân đô thị nào cũng có thể tiếp cận đến xe buýt gần nhất, nhanh nhất.

Bên cạnh đó, các bến xe buýt cần tiếp cận phần lớn các trường học, bệnh viện, các trung tâm thương mại, các điểm du lịch. Đặc biệt, TP cũng cần hoàn thiện mạng lưới tìm kiếm buýt để người dân có thể xem và đặt lộ trình, thậm chí đặt và thanh toán vé một cách thuận lợi, như vậy sẽ thu hút được giới trẻ đi xe buýt nhiều hơn.

Cho ý kiến về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: Sở GTVT đã xây dựng điểm trung chuyển xe buýt kết hợp nhà ga đường sắt đô thị tại Cầu Giấy. Đây sẽ là hình mẫu để rút kinh nghiệm, áp dụng cho các điểm trung chuyển đa phương thức khác trong hệ thống xe buýt Thủ đô.

Việc xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho người đi bộ tiếp cận với các trạm, bến xe buýt cũng được TP quan tâm hơn nữa. Hiện nay, rất nhiều vỉa hè trên địa bàn Thủ đô đang bị lấn chiếm, sử dụng với các mục đích khác khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, đi cùng xe máy, ô tô, rất mất an toàn giao thông.

Thạc sĩ Vũ Thị Hường - Trường Đại học GTVT cho rằng: Cần nâng cao chất lượng và phát triển hệ thống điểm dừng đỗ, nhà chờ để tạo sự thuận lợi, thoải mái cho người dân khi sử dụng xe buýt. Hệ thống nhà chờ xe buýt cần được đồng bộ, hiện đại.

Hiện nay, nhà chờ xe buýt bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500m/điểm, ngoại thành là 1,1 điểm/km2. Vì vậy, tại khu vực ngoại thành, cần xem xét đầu tư bổ sung hệ thống nhà chờ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận của hành khách. Từ đó, nâng tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt.

Theo các chuyên gia, để “hút” người dân sử dụng xe buýt trong thời đại 4.0, Hà Nội cũng cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với xe buýt...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm