Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Với văn hóa, con người sẽ không trở thành nô lệ cho nền công nghệ 4.0

Thái Hải

Thứ sáu, 11/09/2020 - 16:17

(Thanh tra) - Ngày 11/9, Báo Văn hóa, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu”.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Văn hóa doanh nghiệp phải xem như một triết lý sống còn

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, khi cách mạnh công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra rất nhanh, đang thúc đẩy cạnh tranh và làm mờ ranh giới giữa các ngành, văn hóa doanh nghiệp cũng phải thay đổi cho phù hợp với nhịp tiến vũ bão của cuộc cách mạng này. Việc chậm thay đổi văn hóa doanh nghiệp sẽ tương đồng với hiệu quả âm trong kinh tế.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Việt Nam cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là cái neo nhân văn trong thời CMCN 4.0 đang diễn ra như vũ bão, thiếu cái neo nhân bản thì sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ có thể dẫn đến thảm họa cho con người, doanh nghiệp và xã hội. Chính các doanh nhân sẽ là người thắp lửa và lo phần hồn và cốt cách cho doanh nghiệp, chăm lo cho các giá trị đạo đức.

Còn bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn hóa  nhấn mạnh: Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thị trường luôn là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Nhiều bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp đã khẳng định, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức kinh doanh thì chính các doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi.

“Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng; nhiều doanh nghiệp từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc “lặn mất tăm”... Những bài học đó một lần nữa cho thấy vấn đề văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh đã không thể chỉ là khẩu hiệu mà phải luôn được các doanh nghiệp, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình”, Tổng Biên tập Báo Văn hóa khẳng định.

Đừng nghĩ khi có tiền mới làm thương hiệu

Năm nay, trong bối cảnh không ít doanh nghiệp lao đao vì dịch bệnh, văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu càng cho thấy ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự tồn tại bền vững của mỗi doanh nghiệp. Môi trường văn hoá của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó, hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp.

Bà Hằng cho biết thêm, tại Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh năm 2018”, câu chuyện xây dựng thương hiệu đã được các chuyên gia đề cập dưới những góc nhìn thực tế. Làm sao để văn hóa doanh nghiệp không còn là khẩu hiệu? Trả lời câu hỏi này, theo nhiều doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp chính là sức mạnh để mỗi doanh nghiệp có thể lớn mạnh, trưởng thành và vượt qua sóng gió.

Tuy nhiên, đối với không ít doanh nghiệp hiện nay, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh lại là vấn đề không đơn giản. Theo bà Hằng, đừng nghĩ khi có tiền mới làm thương hiệu. Trên thực tế, có đến hơn 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp nghĩ rằng họ chưa có tiền nên chưa làm thương hiệu.

Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hằng ngày, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng.

Thương hiệu được hình thành từ cách hành xử, ứng xử

Ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn chiến lược CSCI Indochina cho rằng, thương hiệu được hình thành từ cách hành xử, ứng xử của con người trong công ty. Cách hành xử, ứng xử phụ thuộc vào cách những con người ấy tư duy. Cách tư duy phụ thuộc vào văn hóa của công ty, của đất nước ấy. Vì thế, văn hóa là nền tảng của thương hiệu và ảnh hưởng sâu sắc tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo ông Thành, điều quan trọng với người làm marketing là phải đảm bảo và lên kế hoạch để khách hàng trở thành một bộ phận chủ động trong chiến lược chứ không phải là những cá thể bị động chỉ biết đón nhận những hoạt động truyền thông hay tài trợ. Không phải là một thương hiệu nào đó, không phải những con robot hiện đại mà chính những con người trong công ty là đối tượng mang sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng. Chính họ sẽ tạo nên “định vị thương hiệu”, tương tác với khách hàng ở mọi điểm chạm, với sự xóa nhòa về khoảng cách không gian, thời gian nhờ vào không gian mạng. Mỗi nhân viên thực sự là một đại sứ thương hiệu, dù muốn hay không, của công ty.

Ngay trong bối cảnh có nhiều khó khăn vì dịch bệnh, sự chung tay gánh vác trách nhiệm với cộng đồng của nhiều doanh nghiệp chính là một cách khẳng định thương hiệu, chinh phục niềm tin từ phía khách hàng.

Đề cập vấn đề văn hóa doanh nghiệp thời Covid, ông Lê Quang Vũ, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Phát triển nội dung Blue C dẫn những câu chuyện thực tế về hành động ứng xử của các doanh nghiệp lớn giữa thời Covid-19.

Đó là Vietnam Airlines với tinh thần các chiến binh Sen vàng xung phong tham gia hàng chục các chuyến bay giải cứu khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán, Mỹ, Guinea...; đồng hành giảm lương, giãn việc, tiếp động lực ở các khu cách ly... Đó là Vingroup với những đóng góp chống dịch nổi bật nhất châu Á; tặng 3.200 máy thở và các sinh phẩm, bộ test (trị giá 100 tỉ đồng); sẵn sàng cho mượn trang thiết bị và điều động nhân lực từ hệ thống y tế Vinmec; 300 tỉ cho các đối tác bị ảnh hưởng...

Văn hóa tạo nên bản sắc riêng của doanh nghiệp

PGS.TS Dương Thị Liễu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh đề cập vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0. Bà Liễu cho rằng, khi công nghệ phát triển nhảy vọt, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế sức người trên nhiều lĩnh vực, nhưng không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối… Với văn hóa, con người sẽ không trở thành nô lệ cho robot.

“Công nghệ đang dần phổ biến và trở thành một phần quan trọng trong công việc cũng như cuộc sống. Bởi vậy, các ứng dụng trong doanh nghiệp như ứng dụng xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ ngày càng cần thiết. Đây là một cách thức xây dựng văn hóa công ty đạt hiệu quả cao với chi phí thấp” - bà Dương Thị Liễu chia sẻ.

Bà Liễu cũng nhấn mạnh: Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi của doanh nghiệp, chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được chia sẻ bởi các thành viên và tạo nên bản sắc riêng của doanh nghiệp

Xây dựng văn hóa công ty bằng ứng dụng công nghệ có nhiều ưu điểm như: Việc kết hợp nhiều tính năng trong một ứng dụng vừa giúp công ty dễ dàng quản lý nhân sự, vừa phổ cập văn hóa doanh nghiệp tiếp cận nhân viên trọn vẹn nhất.

Ngày nay, việc sử dụng công nghệ và giao tiếp trực tuyến cũng là một cách gắn kết nhân viên trong doanh nghiệp, giúp nhân viên luôn có thể gắn kết với công việc bất kể họ đang ở đâu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm