Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sao đại gia xây chùa nhiều hơn xây trường?

Thứ tư, 09/04/2014 - 07:40

(Thanh tra)- Dọc nước Việt Nam, có rất nhiều chùa được các đại gia Phật tử phát tâm kiến lập hoặc cung tiến tiền bạc xây mới, trùng tu, nâng cấp... Song, có những câu hỏi lớn đang được quần chúng nhân dân đặt ra: Tại sao các đại gia tập trung xây chùa, trong khi rất nhiều địa phương nơi học của trò vẫn là những gian nhà tranh tre dột nát?

Chùa Bái Đính - một trong những địa danh nổi tiếng về tâm linh được các Phật tử tìm về. Ảnh: Thế Lữ

Đại gia xây chùa

Khoảng chục năm về trước, đại gia Phạm Nhật Vượng khi còn là doanh nhân ở Cộng hòa Ucraina đã phát tâm kiến lập xây chùa Trúc Lâm Kharcov. Đây là ngôi chùa thuần Việt nằm trên hàng chục hecta đất ngoại ô thành phố Kharcov và dân cư của vùng bản địa là những tín đồ của dòng Tin Lành chính thống. Chùa Trúc Lâm Kharcov được xây dựng hầu hết bằng các nguyên liệu gỗ, ngói, tượng, hoành phi câu đối... được chuyển sang từ Việt Nam. Chùa phục vụ cho hàng vạn người Việt ở Kharcov nói riêng và Ucraina nói chung. Chi phí cho việc xây dựng chùa lên tới cả trăm tỉ đồng. 

Ở quê hương tại xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ông Phạm Nhật Vượng cũng phát tâm phục dựng, nâng cấp chùa Trúc Lâm Thanh Lương (ngôi chùa cổ) với chi phí cả trăm tỉ đồng. 

Ngoài hệ thống chùa Trúc Lâm ở trong và ngoài nước, ông Vượng là đại gia có nhiều công trình xây dựng ấn tượng nhất ở Việt Nam. Ông tâm sự: “Tôi muốn để lại một thứ gì đó cho thế hệ mai sau. Bạn không thể mang tiền theo khi bạn chết”.

Cũng trong khoảng thời gian này, đại gia Nguyễn Văn Trường, Tổng Giám đốc Doanh nghiệp Xuân Trường bắt tay xây dựng quần thể chùa Bái Đính - Tràng An (Hoa Lư, Ninh Bình) với chi phí lên cả ngàn tỉ đồng. Đây là quần thể chùa bề thế nhất Đông Nam Á. Đại gia Trường là một Phật tử, sống rất giản dị, ăn chay trường từ nhiều năm nay. 

Chưa hết, đại gia Xuân Thành còn tài trợ xây dựng một nhà thờ Thiên Chúa giáo ở TP Ninh Bình với giá trị công đức hàng tỉ đồng.

Ông Trần Bê, đại gia Ngân hàng Phương Nam, là người Việt gốc Hoa, sống tại tỉnh Trà Vinh đã phát tâm xây dựng, nâng cấp gần một chục ngôi chùa trên tỉnh Trà Vinh và ở Campuchia với tổng chi phí ước tính lên đến trên trăm tỉ đồng, trong đó ngôi chùa Vàm Ray ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú có mức đầu tư tới 50 tỉ đồng.

Đại gia Huỳnh Uy Dũng, chủ nhân khu du lịch Đại Nam tại Bình Dương, có ý tưởng xây dựng một hệ thống chùa trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam với số lượng ước tính 18 chùa. Bước đầu, chùa Kim Điện được xây xong và dát vàng với tổng mức đầu tư cả trăm tỉ đồng, nằm trong khu du lịch Đại Nam. Từ đầu tháng 5 tới, Kim Điện sẽ mở cửa đón các Phật tử và khách tham quan. 

Đại gia Huỳnh Uy Dũng có ý định sẽ tiếp tục xây dựng 17 ngôi chùa còn lại trên 3 miền với chi phí khoảng gần 2.000 tỉ đồng. Phật tử này cũng chia sẻ: “Khi chết đi không ai mang theo được thứ gì trên này”. 

Đại gia Vũ Quang Huy, chủ thương hiệu nước khoáng Vital tỉnh Thái Bình đã ủng hộ 20 tỉ đồng xây dựng chùa Hưng Long nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. 

Đại gia xây trường học 

Ngay trên quê hương xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ông Phạm Nhật Vượng đã đầu tư xây dựng Trường Trung cấp Dạy nghề Phạm Dương và Trường Mầm non xã Phù Lưu với chi phí 18,5 tỷ đồng (giá trị tiền năm 2007). Ngoài ra, còn có quỹ học bổng mang tên Phạm Dương có giá trị hàng tỷ đồng giúp con em huyện Can Lộc vượt khó học giỏi. 

Chưa hết, Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng còn đã và đang đầu tư hệ thống trường học liên cấp chất lượng cao từ mầm non đến trung học phổ thông mang thương hiệu Vinschool xây dựng tại các khu đô thị tiêu chuẩn của Vingroup trên toàn quốc, khởi đầu tại Hà Nội. 

Đại gia Trần Xuân Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đức Thắng đã chi 30 tỷ đồng để xây dựng Trường Mầm non Trung Kiên ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh phục vụ học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa. 

Ngay trên vùng quê lúa Thái Bình, tại làng Mẹo, đại gia Vũ Quang Huy đã đầu tư 7 tỷ đồng để xây trường tiểu học và mầm non phục vụ các cháu tại quê nhà.

Sở dĩ các đại gia công đức xây chùa nhiều hơn tài trợ xây trường là do lớp doanh nhân giàu có chỉ mới xuất hiện trong khoảng 20 năm lại đây, khi kinh tế thị trường mở cửa. Hầu hết những người này đều xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn, chính vì vậy khi trở nên giàu có họ thường nghĩ tới việc trả ơn Trời, Phật. 

Ở một khía cạnh khác, xây chùa không chỉ nhiều người hiện tại biết đến mà nhiều thế hệ sau người ta vẫn mang ơn những người phát tâm công đức. Mặt khác, nếu một đại gia tài trợ xây trường thì chỉ có trong xã, trong huyện, trong tỉnh biết đến. Còn xây chùa thì khách thập phương tìm về tiếng lành đồn xa hơn. Học sinh nghĩ về trường cũ, các thầy cô giáo, bạn bè trang lứa là nỗi nhớ đầu tiên chứ ít người nhớ tới mái trường xưa đã được ai xây cất nên. Và, trong sâu thẳm, người công đức xây chùa là để lòng mình được thanh thoát hơn khi áp lực công việc hiện tại cũng như những va đập trong cuộc đời đầy thăng trầm, biến động mà họ đã đạt được đỉnh cao tiền bạc và danh vọng. 

Dẫu biết rằng giáo dục là sự nghiệp của quần chúng và là đối tượng được ưu tiên, đầu tư hàng đầu. Song trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, nhiều nơi trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp thì chút hảo tâm của người giàu cũng san sẻ ít nhiều gánh nặng cho ngành Giáo dục. Mong rằng, ở những nơi như thế này là địa chỉ đến của các đại gia.


   Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm