Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Trí tuệ nhân tạo có thay thế được phóng viên?

Thứ ba, 22/06/2021 - 13:32

(Thanh tra) - Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ, nhiều tờ báo, hãng tin đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) vào hoạt động báo chí. Vấn đề đặt ra là trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lực lượng lao động trong lĩnh vực báo chí và liệu rằng robot có thể thay thế hoàn toàn phóng viên?

Robot làm tốt những công việc được lặp đi lặp lại, chưa thực hiện được công việc cần giao tiếp phức tạp, tư duy chuyên gia... Ảnh minh họa: Internet

Sử dụng robot để viết báo

Từ nhiều năm nay, AI được phát triển và ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực báo chí ở nhiều nước trên thế giới, giúp nâng cao chất lượng báo chí, hỗ trợ rất nhiều cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên và cả độc giả.

Vào năm 2016, Báo The Washington Post của Mỹ đã sử dụng phần mềm AI có tên Heliograf để tạo ra bài viết đầu tiên về sự kiện Thế vận hội mùa Hè Rio 2016. Tính đến thời điểm này, Heliograf đã tạo ra và xuất bản hàng ngàn bài viết cho tờ The Washington Post, bằng cách phân tích dữ liệu được nhập vào và sau đó sẽ bổ sung thêm các thông tin để tạo ra một bài báo hoàn chỉnh.

Ngoài hệ thống Heliograf, The Washington Post còn phát triển thêm một hệ thống AI khác có tên là ModBot để lọc bình luận. Hệ thống này sẽ xác định những bình luận của độc giả có chứa nội dung không phù hợp để xóa đi mà không cần sự can thiệp của con người thông qua việc sử dụng tính năng máy học.

Năm 2018, Hãng Thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cũng đã giới thiệu một hệ thống đưa tin tự động để sản xuất tin tức cho sự kiện Thế vận hội mùa Đông ở PyeongChang. Hệ thống đưa tin này có tên Olympicbot, được trang bị thuật toán giúp nó có thể viết những bản tin dựa trên dữ liệu được thu thập từ Uỷ ban Olympic. Thời gian để phần mềm Olympicbot sản xuất ra một bài báo và đăng tải nó trên trang web của hãng sau khi mỗi môn thi đấu kết thúc rất nhanh chóng, chỉ mất khoảng từ 1 - 2 giây.

Ngoài The Washington Post và Hãng Thông tấn Yonhap, nhiều tờ báo, hãng tin khác trên thế giới cũng đã ứng dụng hoặc thử nghiệm AI vào hoạt động báo chí. Cụ thể, BBC đã sử dụng một công cụ AI với tên gọi Juicer để tổng hợp và trích xuất thông tin từ các nguồn tin tức trên internet; Hãng AP sử dụng AI để tạo nội dung tin tức, chủ yếu là các tin về thể thao và báo cáo tài chính; còn Bloomberg thì sử dụng chương trình nội dung tự động hóa Cyborg để sản xuất nội dung và quản lý; Hãng tin AFP đã ứng dụng AI trong việc phát hiện ảnh đã bị chỉnh sửa…

Tại Việt Nam, nhiều tờ báo điện tử đã tích hợp thêm công cụ báo nói để tăng trải nghiệm cho độc giả. Theo đó, độc giả có thể nghe nội dung của các bài báo thay vì phải đọc chữ như trước đây. Với việc sử dụng công cụ AI này, độc giả có thể tùy chọn giọng đọc là nam hoặc nữ, giọng nói miền Nam hay miền Bắc để giúp nghe rõ và chính xác hơn về nội dung của bài báo, phù hợp với sở thích và vùng miền.

Rõ ràng, với sự phát triển của khoa học - công nghệ thì vai trò của AI trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực báo chí là rất quan trọng, khi mà robot có thể sản xuất được hàng loạt bản tin với độ chính xác cao và chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn.

Robot không thể thay thế con người

Tốc độ phát triển và việc ứng dụng AI trong hoạt động báo chí ngày càng mạnh mẽ. Một trong những chủ đề bàn luận về vai trò của AI trong hoạt động báo chí hiện nay là liệu rằng một lúc nào đó “phóng viên robot” có tể thay thế hoàn toàn con người viết bài không? Điều này hoàn toàn có cơ sở khi vào hồi tháng 5/2020, Công ty OpenAI (Mỹ) đã giới thiệu công cụ tạo văn bản GPT-3 dựa trên AI. Màn trình diễn của GPT-3 trong buổi giới thiệu đã gây kinh ngạc cho giới chuyên môn với khả năng tạo ra văn bản không khác gì con người.

Hay như thông tin Microsoft sa thải các nhân viên truyền thông làm việc cho trang tin MSN và trình duyệt Internet Edge vào tháng 6/2020 đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của công chúng. Công việc của những nhân viên này sẽ được giao cho phần mềm AI, được thiết kế có chức năng lựa chọn những bản tin phù hợp nhất với thị hiếu của độc giả. Theo Kênh Truyền hình RT (Nga), Microsoft khẳng định việc sa thải các nhân viên không liên quan trực tiếp đến đại dịch Covid-19. Microsoft News đã dần chuyển sang sử dụng AI vào những tháng gần đây để quét nội dung, sau đó xử lý và lọc những nội dung đó.

Trước sự phát triển của AI, nhiều ý kiến tỏ ra quan tâm về mức độ hiệu quả của các giải pháp mà AI mang lại so với nhân lực con người khi được triển khai trên thực tế trong lĩnh vực báo chí. Theo ước tính của Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, trình độ công nghệ AI hiện tại chỉ có thể tự động hóa khoảng 15% công việc của phóng viên và 9% công việc biên tập viên.

Một điều không thể phủ nhận là ngành Báo chí hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy AI mới chỉ làm tốt những công việc đơn giản, được lặp đi lặp lại. Các bài viết do “phóng viên robot” tạo ra cần phải có bài mẫu và phụ thuộc vào các thông tin đầu vào. Robot chưa thể thay thế hoàn toàn con người trong các công việc ở một số lĩnh vực cần thiết liên quan đến hoạt động báo chí như giao tiếp phức tạp, tư duy chuyên gia, khả năng thích ứng và sáng tạo…

Đại diện một số hãng tin đã ứng dụng công nghệ AI cho rằng, dù mang lại rất nhiều lợi ích để nâng cao chất lượng trong hoạt động báo chí, nhưng robot không thể thay thế lực lượng phóng viên. Hay nói cách khác, “phóng viên robot” không phải là mối đe dọa cho các phóng viên con người, mà việc sử dụng “phóng viên robot” sẽ hỗ trợ tốt hơn, làm giảm bớt khối lượng công việc cho đội ngũ phóng viên. Qua đó, giúp các phóng viên có nhiều thời gian hơn cho những bài viết có tính chuyên sâu và quan trọng.

Theo ông Jeremy Gilbert, Giám đốc Phụ trách các sáng kiến chiến lược của Báo The Washington Post, việc sử dụng AI sẽ có ích với các nhà báo, nó giống như khi họ bắt đầu biết tới máy tính cá nhân và điện thoại thông minh. AI sẽ là công cụ hỗ trợ cho các nhà báo làm tốt công việc của mình. Hơn thế nữa, nó còn mang đến cho độc giả những tin tức mà họ muốn một cách nhanh nhất, với nhiều chủ đề hấp dẫn.

Nhật Huyền

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm