Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tình yêu là sự sống!

Thứ bảy, 21/02/2015 - 06:36

(Thanh tra)- Vào Xuân Ất Mùi 2015 này, bài thơ “Tình em” tôi viết trong sổ tay ở chiến trường Gia Lai, Quân khu V mùa Thu 1962 đã sống cùng thời gian tròn 53 năm.

Tuy bài “Tình em” đã được tặng Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965, đưa vào nghiên cứu, bình giảng văn học cách mạng miền Nam của các nhà trường, nhưng rất chân thật thưa cùng bạn đọc, tôi không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp.

Bài thơ “Tình em” nổi tiếng là nhờ nhạc sỹ Huy Du với hoàn cảnh sống và tâm hồn đồng điệu đã phổ nhạc vào cuối năm 1962, làm nên một bản tình ca rung động trái tim hàng triệu người, chắp cánh cho bài thơ bay xa, vang vọng mãi đến hôm nay…

Do vậy, mỗi lần tiếng hát “Tình em” được cất lên trên vô tuyến truyền hình và đài phát thanh, khiến tôi bồi hồi xúc động nhớ lại những vui, buồn của thời trai trẻ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhất là cuộc chia tay người yêu lên đường ra chiến trường vào mùa Thu 1961.

Sau ngày cưới, sống bên nhau vẻn vẹn chỉ có 5 ngày, tôi được lệnh trở về miền Nam chiến đấu. Bấy giờ việc giữ bí mật là một yêu cầu tuyệt đối, không do bất cứ một người nào, dù thân thiết nhất, được biết.

Theo yêu cầu của tổ chức, tôi viết thư báo tin cho vợ được chọn đi học ở Liên Xô và vì “bí mật quân sự” nên khi nào được phép mới có thư cho nhau. Vợ tôi vui mừng lắm, xem đây là một niềm vinh dự của gia đình.

Song, điều gì đã định tất sẽ đến. Trước ngày lên đường, tổ chức sắp xếp rất chu đáo cho chúng tôi gặp nhau một tuần lễ. Đến đây thì không thể giấu được nữa, vợ tôi nhận biết, tôi trở về Nam chiến đấu. Và, chiến tranh, chiến tranh! Nào, ai có thể biết được điều gì sẽ đến với con người.

Trước lúc chia tay, tôi đưa cho vợ một vài vật kỷ niệm cần lưu giữ và một gói quần áo cũ gửi tặng anh vợ. Vợ tôi bưng mặt khóc, tôi cũng vội quay đi để tránh vợ tôi thấy đôi mắt tôi cũng đang đỏ hoe và muốn rưng rưng…

Ngày ấy, tôi là đại đội trưởng một đại đội pháo binh Quân Giải phóng Quân khu V. Đơn vị đóng quân trong một khu rừng già giữa đại ngàn Tây Nguyên thâm u, xa vắng bóng người. Cách mạng miền Nam giai đoạn này xem như làm lại từ đầu, gặp vô vàn gian khổ, thiếu thốn ngoài sức tưởng tượng, có lúc tưởng chứng không vượt qua nổi. Ngoài việc phải tiêu diệt những cứ điểm nhỏ lẻ để có chỗ đứng chân, mở rộng căn cứ địa, thường xuyên đánh đổi bọn biệt kích sơn cước, chống càn quét để bảo vệ vững chắc chiến khu, còn phải phát nương, làm rẫy tự nuôi sống đơn vị 6 tháng mỗi năm. Cấp trên chỉ lo được 6 tháng gạo mỗi năm với tiêu chuẩn 5 lạng/ngày và 30g muối/ngày. Chỉ có thế thôi, không có gì khác. Tất cả đều phải tự lực làm nên để tồn tại chiến đấu và chiến thắng.

Đó là chưa kể mỗi người phải trồng được thêm 1.500 gốc sắn/năm theo chỉ tiêu của trên giao nhằm chuẩn bị cho đại quân ở miền Bắc tiến vào khi thời cơ đến, tính ra mỗi mùa rẫy đơn vị tôi phải trồng 6 vạn gốc sắn, bạt đồi, bạt núi.

Tôi không làm sao quên được những ngày đầu đến chiến trường ăn những “bữa cơm gạo đắng”. Không biết đồng bào Tây Nguyên tích trữ gạo trong những kho ở trong rừng sâu từ bao giờ. Lĩnh một kg gạo về đem vo chỉ còn chừng vài ba lạng hạt chắc, còn thì thành cám hết. Nấu lên không thành cơm mà thành một loại bánh đúc nhão sền sệt, ăn đắng không chịu nổi. Nhiều anh em phải nhai ớt ở rừng cho cay xé miệng lên để đưa “cơm đắng” vào bụng.

Thương nhất là anh em bị sốt rét và cũng quý báu nhất là tình đồng đội trong lúc này. Theo chỉ dẫn của đồng bào, một số anh em leo 2 tiếng đồng hồ lên núi cao, đào sắn trong rẫy cũ của một đơn vị du kích tập trung đã bỏ, mót được 2 gùi sắn mang về. Tất cả số sắn rẫy chỉ ưu tiên dành nấu cháo với gạo đắng cho anh em bị sốt rét mới có thể nuốt được miếng ăn vào bụng.

Khủng khiếp nhất là hạt muối. Đơn vị tôi lạt muối nửa tháng liền. Trời ơi, lạt muối mắt nhìn cái gì cũng vàng ệch ra, đi đứng lảo đảo, liêu xiêu, mang cái gì nằng nặng cũng có cảm giác như con kiến mang khối sắt trên lưng. Vào chiến trường mới 1 năm mà người nào cũng sút 5 - 6kg.

Mặc dù vậy, gian khổ gì cũng chịu đựng được, sức trẻ đều có thể vượt qua, nhưng thiếu thốn day dứt nhất là về tinh thần. Sống giữa đại ngàn xa vắng bóng người, không có báo chí, đài, người thân; không biết bao giờ mới xuống được đồng bằng? lâu dài đến bao giờ mới giải phóng được miền Nam, quê hương? Mới gặp lại người thân? Ôi, tất cả hãy còn xa lăng lắc.

Nên những ngày sống trên đất Bắc, tâm trạng chúng tôi là “ngày Bắc, đêm Nam”, thì giờ đây lại là “ngày Nam, đêm Bắc”. Mọi anh em cũng như tôi, tất cả đều tự động viên, an ủi mình phải chịu đựng, phải vững lòng tin ở chính mình, cấp trên và tương lai, phải yêu đời và cười vui trong gian khổ…

Thật bất ngờ và mừng vui vô kể! Vào mùa Thu 1962, tình hình chiến trường bỗng chuyển biến mau lẹ. Chúng tôi được thông báo hòm thư đơn vị, được phép gửi thư liên lạc với người thân ở hậu phương lớn.

Một hôm, trên đường giao, chỉ huy đơn vị đi nhận đạn chuẩn bị cho một trận đánh lớn, tôi gặp một anh thương binh quê ở Quảng Bình đang được cáng đưa ra Bắc. Sau khi trò chuyện, thăm hỏi nhau, tôi bóc mảnh giấy ghi ký hiệu trên vỏ đạn, viết nghệch ngoạc mấy dòng: “Anh vẫn mạnh khỏe. Nhớ em nhiều lắm! Hòm thư và địa chỉ của anh… Hôn em nhiều lần. Mong nhận được thư em”. Tôi nhờ anh ta chuyển thư.

Vì vui sướng và nhớ vợ quá mà gửi liền, chứ thực lòng tôi không tin thư sẽ đến người nhận. Vậy mà, anh thương binh quê Quảng Bình chưa từng quen biết và tốt bụng ấy đã tìm đến Nhà máy Đường Sông Lam Nghệ An để đưa thư. Đến nơi, được tin vợ tôi được đi học trường Bổ túc Công nông T.Ư ở Giáp Bát, Hà Nội, anh lặn lội ra Hà Nội đến trường để đưa thư. Đến nơi, được tin vợ tôi đã vào học Đại học Bách Khoa, anh lại tìm đến nơi đưa thư tận tay. Nhận được thư, vợ tôi òa khóc nức nở; không kịp hỏi tên, địa chỉ, gửi lời cảm ơn, anh thương binh đã vội chào ra về.

Ba tháng sau, tức cuối Thu 1962, trên đường rời Kon Tum hành quân về Gia Lai chiến đấu, do nóng ruột hay linh tính, tôi tạt vào trạm giao liên xem có thư từ gì không? Tình cờ gặp nét chữ thân quen của vợ tôi ghi trên phong bì thư gửi. Tôi bàng hoàng sửng sốt đứng như trời trồng, mừng đến run lên.

Trong thư có đoạn vợ tôi viết: “Em vẫn cố gắng đấu tranh tư tưởng, học tập và công tác tốt. Anh yên tâm. Chỉ khổ tâm nhất là những tối thứ bảy ở Thủ đô, đôi bạn trẻ dắt tay nhau đi chơi, còn mình em ở trong căn phòng trống vắng, nhớ anh buồn tủi đến khóc thầm. Giá mà chúng mình sớm có một đứa con, giữ lại cho nhau một kỷ niệm đẹp nhất của tình yêu thì dù anh ở phương trời nào, đi xa bao lâu, em cũng đành lòng. Thôi, đành chịu vậy. Em hứa sẽ chung thủy chờ anh. Anh nhớ giữ sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ mong sao anh không ngã xuống chiến trường. Nếu anh có mệnh hệ nào thì phần đời còn lại không biết em sẽ sống ra sao…”.

Đọc xong thư, tôi thấy lòng bùi ngùi xót xa khó tả. Tôi bước đi trong im lặng. Đường hành quân trong gió nhẹ, nắng hanh. Cây le (loại cây cùng giống với tre, nứa), lá vàng rơi nhiều lắm…

Đêm đó, dừng quân bên suối, nằm trên võng ngắm trăng, tôi thao thức không làm sao ngủ được. Trong tôi dấy lên và dằn vặt với biết bao ý nghĩ giữa nợ nước và tình nhà, Tổ quốc và tình riêng, sống và chết, hạnh phúc và đau thương; chiến thắng vinh quang và gian khổ chờ đợi… Những chiếc lá vàng rơi, cứ hiện ra trước mắt tôi. Tôi chợt nhớ nhà thơ Xuân Diệu có câu: “Yêu là chết ở trong lòng một ít…”. Rồi, tôi tự hỏi: “Nhưng tình yêu của người đang ra trận phải thế nào đây?”. Cuộc chiến đấu một mất, một còn này không cho phép người lính lùi bước hoặc quay về hậu phương. Có buồn đau nhưng không được bi quan. Phải lạc quan và tiến lên phía trước.

Lần đầu tiên tôi rất cảm kích trước tấm lòng chung thủy của những cô gái ở hậu phương chờ chồng dài năm tháng cũng cao cả, quý giá như sự hy sinh của người lính trên chiến trường. Cái đẹp nhất của tình yêu là lòng chung thủy. Tình yêu chung thủy là nguồn động viên người lính làm nên sức mạnh đạp lên cái chết để làm nên sự sống. Phải tiếp tục hy sinh chiến đấu để dành lại sự sống cho Tổ quốc và cho chính mình. Phải xây đắp cho nhau một tình yêu chung thủy để đi đến cùng cuộc chiến đấu tràn đầy gian khổ hy sinh này.

Tự nhiên tôi thấy nhẹ lòng như giải đáp được chừng nào câu hỏi cho chính mình. Tờ mớ sáng hôm sau, tôi ghi vội vào sổ tay:

Tình em, gửi H (H là Hiên, tên vợ tôi)
Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh,
Đời vẫn xanh rời rợi?
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng…

Hành quân trong rừng thường gắp những thác ghềnh, vách đá, chướng ngại chắn ngang không thể nào vượt qua, phải lội qua lại rất nhiều lần qua con suối. Tôi cảm nghĩ con suối theo chân anh bộ đội như tình yêu của người vợ đi theo anh. Khi đi qua bao nương rẫy, tôi cứ nghĩ như tình yêu của người vợ đang hành quân dài theo ta. Tôi tiếp tục ghi:

Anh đi xa bao núi
Tình em như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương
Chảy theo anh khắp rừng
Anh đi xa, càng xa…
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha
Theo anh dài nương rẫy.

Chiến tranh ngày càng mở rộng, càng gian khổ ác liệt, còn dài lắm, chỉ mong sao giữ được trọn niềm thủy chung, son sắt. Tôi viết tiếp:

Anh còn đi xa mãi
Đường giải phóng gian nan
Tình em là buồm căng
Qua bão bùng, sóng lộng
Tình em là lửa hồng
Rực cháy giữa đêm Đông.

Từ sau ngày nhận được thư vợ tôi, tôi càng yêu thương vợ tôi đang chờ chồng ở hậu phương, không biết đến bao giờ mới gặp lại. Và, việc chúng tôi ngã xuống chiến trường là hoàn toàn có thể xảy ra. Trừ những khi đang trực tiếp chiến đấu hoặc vùi mình vào phát nương rẫy cho kịp thời vụ, còn lúc nào rảnh rỗi, hầu như tôi đều thương nhớ vợ. Nhìn mặt trời lên buổi sáng, buổi trưa, chiều trên nương rẫy, đêm đêm nhìn sao trời, một cánh chim bay thấp thoáng, hành quân theo những con sông dài vô tận… tôi đều nghĩ đến vợ, cứ mong sao giữ được một tình yêu chung thủy lâu dài cho nhau:

Mặt trời lên đỏ mọng
Như môi em tươi hồng
Vì sao khuya đỉnh đồi
Là mắt em xa xôi
Làm cánh gió em ơi
Làm cánh chim em ơi
Chắp cánh ta yêu nhau
Trọn đường đời chiến đấu
Dù anh biệt tháng ngày
Tình em như sông dài…

Ngày ấy, nghĩ thế nào, liên tưởng như thế nào đều ghi rất thật vào thơ, chỉ cốt động viên chính mình. Cần phải sống, yêu sự sống mà làm thơ để thêm yêu đời, tăng thêm quyết tâm chiến đấu, không có tham vọng gí khác. Sau 4 ngày hành quân, tôi ghi xong bài thơ vào sổ tay.

Cho đến hôm nay, tôi cũng không biết ai, hoặc người bạn thân nào đã gửi 2 bài thơ đầu tay của tôi ra miền Bắc, trong đó có bài “Tình em”.

Cuối năm 1962, nhạc sỹ Huy Du tình cờ đọc được bài thơ “Tình em” đăng trên báo, đã phổ nhạc và bản tình ca được đông đảo nhân dân đón nhận nồng nhiệt, nhanh chóng lan xa.

Lúc bấy giờ, một bức thư từ Tây Nguyên gửi ra Hà Nội phải mất 3 - 4 tháng mới đến người nhận và mất thư nhiều lắm. Tôi phải viết thư hàng tuần để khỏi đứt tin tức và mất cái này còn cái khác.

Đầu năm 1963, tôi nhận được thư vợ hỏi: “Em nghe trên đài hát bài “Tình em”, nói lời thơ của Ngọc Sơn - một chiến sỹ giải phóng quân miền Nam. Có phải của anh không? Trường em, các bạn sinh viên hát bài này nhiều lắm…”.

Một tuần sau khi gửi thư đi, vợ tôi nhận được thư do tôi gửi cuối Thu 1962 trong đó có chép tặng bài “Tình em”. Vợ tôi xúc động lắm.

Bài thơ “Tình em” - cũng bài tình ca nổi tiếng của Huy Du phổ nhạc - đã trở thành nguồn động viên tôi lạc quan trên các nẻo đường ra trận và vợ tôi vui vẻ chịu đựng vượt qua những yếu mềm của người con gái để chung thủy chờ chồng trong chiến tranh.

Năm 1973, Hiệp định Paris ký kết, sau 12 năm đằng đẵng xa nhau, tôi được ra miền Bắc chữa bệnh, thăm nhà thời gian ngắn và trở lại chiến trường. Ơn trời phù hộ! Chờ chồng từ tuổi 23 đến năm 38 tuổi, vợ tôi mới sinh được một cháu gái đầu lòng. Đời sống nhân dân ta lúc bấy giờ vô cùng thiếu thốn, cực khổ. Vợ tôi lại nén mọi đau thương, ôm con vào lòng, nuốt nước mắt tiễn tôi lên đường…

Năm 1978, nước nhà đã hòa bình thống nhất, chúng tôi chưa lại sức đã phải sang Campuchia chiến đấu, tiêu diệt bọn phản động Pôn pốt-Yêng-Xary của nhân dân bạn thoát nạn diệt chủng và bảo vệ Tổ quốc ta. Tôi đi trên xe M113 mở đầu tấn công, bị trúng mìn đứt tung xích. Hai chiến sỹ bị thương nặng phải đưa về hậu cứ. Tin dữ đến với vợ tôi rất sớm. Nhưng rất may là tôi bị văng ra khỏi xe và chỉ xây xát nhẹ. Vợ tôi đã ôm con và khóc rất nhiều. Dần dần về sau, biết rõ tin tôi, vợ tôi mới yên tâm. Dù sao, mỗi lần nghe tin chiến đấu ở Campuchia, vợ tôi không tránh khỏi bồn chồn, lo lắng, cố giấu đi những giọt nước mắt đang lăn. Mỗi lần như vậy, các cô cùng ở chung phòng tập thể lại động viên: “Chị Hiên ơi, thôi đừng buồn nữa, mở đài nghe họ họ đang hát bài thơ của anh ấy gửi chị kìa…”. Vợ tôi gượng cười và cố gắng vui lên.

Sau 20 năm đi xa biền biệt, “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”, cuộc đời gắn liền với cánh võng, mùa Thu năm 1981 tôi được điều về ở Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng). Từ đây, mới bắt đầu có khái niệm về cuộc sống gia đình.

Vợ tôi ốm nặng, phải nghỉ việc năm 1986, trước tuổi 50. Tôi đã dốc hết sức lực để nuôi vợ thọ đến tuổi 76. Và, sau cơn tai biến não quái ác lần 2, vợ tôi đã từ trần. Chúng tôi cưới nhau năm 1960, sống chung thủy cùng nhau 52 năm. Khi tôi đặt bút viết bài báo này, bài thơ “Tình em” cũng 52 tuổi. Bài “Tình em” vẫn còn sống với người còn ở lại để thương nhớ mãi người đã đi xa về cõi vĩnh hằng biết bao giờ cho nguôi.

Đại tá Hồ Ngọc Sơn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm