Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tinh thần đại đoàn kết của người Việt tạo thành sức mạnh đẩy lùi dịch bệnh

Thanh Thanh

Thứ bảy, 16/10/2021 - 16:48

(Thanh tra) - Lúc đất nước khó khăn là lúc tinh thần đại đoàn kết của người Việt lại càng thêm tỏa sáng. Minh chứng ấy càng thêm rõ nét khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hàng nghìn tỷ đồng được vận động hỗ trợ, hàng vạn tình nguyện viên lên đường chống dịch.

Các tình nguyện viên là tăng, ni, Phật tử xung phong hỗ trợ phòng, chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19. Ảnh: N.Thanh

Nhiều chủ trương, biện pháp được triển khai kịp thời

Với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng nhân dân cả nước hướng về tâm dịch TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... nhiều chủ trương, biện pháp được triển khai kịp thời đã từng bước khống chế được dịch bệnh.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, tính đến ngày 7/10, số tiền vận động được qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 11.731 tỷ đồng, trong đó, tiền mặt là 5.048 tỷ đồng và hiện vật quy ra tiền là 6.683 tỷ đồng, đã phân bổ, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố và chi mua vắc xin phòng Covid-19; tặng phần quà đại đoàn kết, túi quà an sinh và hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch.

Ông Lê Tiến Châu cho rằng, việc cần làm ngay trong thời điểm này, để có thể hỗ trợ nhiều người dân trở về quê hương từ các vùng dịch, là tập trung nắm tình hình để có hướng dẫn triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Các tổ chức thành viên tiếp tục triển khai các chương trình, phong trào đã phát động như: “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19”; "Cả nước đoàn kết chung sức, đồng lòng phòng, chống, chiến thắng đại dịch Covid-19”...

Trên cơ sở đó, Tiểu ban Vận động và Huy động xã hội tiến hành rà soát, xem xét phân bổ nguồn lực cho một số địa phương để hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi trở về quê hương gặp khó khăn trong đời sống.

Các tổ chức tôn giáo tiếp tục ủng hộ nguồn lực kinh phí, vật chất; vận động chức sắc, tu sĩ tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, từ đó có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả rất đáng được biểu dương và khen ngợi, ông Lê Tiến Châu chia sẻ.

Chung tay để giúp đỡ người dân trở về từ vùng dịch

Mới đây, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam ban hành Công văn số 241 ngày 4/10 gửi Ban Trị sự GHPG Việt Nam các tỉnh, thành phố; các chùa, cơ sở tự viện về việc tiếp tục đăng ký làm điểm cách ly Covid-19 và chung tay cùng chính quyền địa phương đón người về từ vùng dịch.

Công văn do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam ấn ký nêu rõ: Sau thời gian dài thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19, các tỉnh, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai áp dụng chiến lược chống dịch mới: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Từ sau ngày 30/9, hàng triệu công nhân, người lao động và người dân đang sinh sống, làm việc ở các tỉnh, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai… có nguyện vọng trở về quê hương. Với khả năng cách ly tập trung và điều kiện y tế có hạn, nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên rất cần sự chung tay để giúp đỡ người dân trở về từ vùng dịch.

Chỉ tính từ ngày 22/7 đến nay, Phật giáo TP Hồ Chí Minh đã có 4 đợt tăng, ni, Phật tử tham gia hỗ trợ tại các các bệnh viện dã chiến TP Hồ Chí Minh với con số hàng trăm người.

Ngày 8/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh và Ban Trị sự GHPG Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ xuất quân đợt thứ 5 cho 50 tình nguyện viên là tăng, ni, Phật tử tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19.

Đại đức Thích Đức Thành, một tình nguyện viên chia sẻ, xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình phụng sự nhân sinh, bản thân đăng ký tham gia tình nguyện để chung tay chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 nhằm xoa dịu nỗi đau của những số phận bất hạnh.

Hòa thượng Thích Thiện Đức, Ban Trị sự GHPG Việt Nam TP Hồ Chí Minh động viên các tình nguyện viên yên tâm phục vụ ở tuyến đầu. Giáo hội trân trọng sự tình nguyện của tăng, ni, Phật tử đã có tâm tình nguyện xung phong phục vụ nơi tuyến đầu chống dịch.

Với tấm lòng nhân ái, chung tay cùng chính quyền địa phương các cấp chăm lo đến người dân lao động cơ nhỡ từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê hương sớm ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trong những tháng qua, ngày 9/10, Thượng tọa Danh Phản, Trụ trì chùa Sóc Xoài đã trao tặng 200 phần quà cho các bà con công nhân lao động từ ngoài tỉnh và TP Hồ Chí Minh trở về địa phương tại thị trấn Sóc Sơn và xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Hòa thượng Thích Trí Minh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Trà Vinh cũng đã trao tặng 1.000 phần quà gồm gạo, mì và nhu yếu phẩm, 5.000 quyển tập và 20 chiếc xe đạp hỗ trợ cho các hộ gia đình và học sinh trên địa bàn các huyện Cầu Kè, Cầu Ngang, Châu Thành, Càng Long và Duyên Hải, với tổng trị giá 400 triệu đồng.

Hòa thượng Thích Trí Minh cho biết thêm, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Trà Vinh đã vận động, quyên góp và tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và người dân trong tỉnh gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, với tổng giá trị gần 1,6 tỷ đồng.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” và “không để bất kỳ người dân nào thiếu đói do đại dịch”, MTTQ các cấp trong tỉnh Đồng Nai và đoàn thể các cấp trong việc nỗ lực chăm lo cho nhân dân vượt qua khó khăn do đại dịch.

Ông Đào Văn Tý, người đồng bào dân tộc Chơro ở xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai chia sẻ, trong đại dịch Covid-19, đồng bào đoàn kết, thực hiện tốt các nguyên tắc phòng dịch, chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết và đều tuân thủ các biện pháp phòng dịch nên giữ vững “vùng xanh” Xuân Mỹ an toàn.

Già làng Điểu Phiểm, người dân tộc S’tiêng ở xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, Đồng Nai cho biết, những hộ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đều được Đảng ủy, chính quyền, MTTQ cơ sở quan tâm, tặng nhiều phần quà, giúp đồng bào yên tâm thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch.

Được biết, ở Đồng Nai, cùng với việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch như thăm, tặng các túi quà an sinh, quà đại đoàn kết, Ủy ban MTTQ còn phối hợp với các ngành quan tâm đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, các tôn giáo và đối tượng yếu thế. Việc làm này vừa động viên đồng bào tiếp tục đoàn kết, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, vừa củng cố niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền các cấp.

Trong thư Tổng Giám mục Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh Giuse Nguyễn Năng gửi tới gia đình Tổng Giáo phận có đoạn viết: “Đại dịch như cơn lũ càn quét thành phố suốt 5 tháng. Mặc dù lũ chưa qua hẳn, nhưng những mất mát thiệt hại đang lộ ra trước mắt; biết bao người nhiễm bệnh, người chết vì bệnh, người nghèo đói, người rời thành phố về quê…

Trong thời gian qua, các giáo xứ và dòng tu đã rất quảng đại phân phát lương thực và hỗ trợ tài chánh cho người nghèo trong các khu xóm, đồng thời phối hợp với Văn phòng Hội đồng Giám mục, với Ban Caritas và Giới Doanh nhân Công giáo để thực hiện Chương trình “Thương quá, Sài Gòn ơi”. Xin cám ơn anh chị em. Hãy tiếp tục nâng đỡ người nghèo vượt qua khó khăn.

Một vấn đề cần quan tâm lúc này, là các em mồ côi... Ngoài sự trợ giúp của các tổ chức xã hội, tôi mời gọi quí cha, các dòng tu, các hội đồng mục vụ giáo xứ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, tích cực tham gia “mục vụ chăm sóc các em mồ côi”. Đây là điều quan trọng cho tương lai của các em cũng như cho sự ổn định của xã hội sau này”.

Tại hội nghị thường niên kỳ II năm 2021, được Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức vào ngày 12/10, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, đại diện Toà thánh đã nhận định, trong thời điểm khó khăn, Giáo hội vẫn có nhiều hoạt động sáng tạo và bác ái. Tất cả các hoạt động của 27 giáo phận đều góp phần chung tay với Hội đồng Giám mục để thực hiện Chương trình “Thương quá, Sài Gòn ơi”, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại khu cách ly tập trung, bệnh viện điều trị Covid-19, bếp ăn cho lực lượng tuyến đầu và người nghèo, phát thuốc và nhu yếu phẩm, thực phẩm tại nhà và trên các nẻo đường.

Tiếp nhận số tiền 20 triệu đồng từ Giáo xứ Phú Lâm, Mỹ Bằng, tỉnh Tuyên Quang ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Hưng Vượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng, hoạt động của Giáo xứ Phú Lâm có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự sẻ chia, đồng cảm cả về vật chất và tinh thần, với tấm lòng yêu nước cao cả, cùng chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh.

Phải khẳng định rằng, những đóng góp tích cực, tiêu biểu của các tôn giáo trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay càng khẳng định truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của các tôn giáo Việt Nam. Những kết quả đạt được trong phòng, chống dịch bệnh thời gian qua là rất đáng trân trọng. Từ đó góp phần tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...

Văn Thanh

12:44 22/11/2024
Điện Biên: Mường Ảng phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giúp dân giảm nghèo

Điện Biên: Mường Ảng phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giúp dân giảm nghèo

(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.

Trần Trung

11:43 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm