Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Cần phát huy "tinh thần Park Hang Seo" vào phát triển công nghiệp hỗ trợ

Thứ tư, 19/12/2018 - 22:21

(Thanh tra) - Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cần có tinh thần như đội bóng đá quốc gia Việt Nam do HLV Hàn Quốc Park Hang-Seo dẫn dắt với tầm nhìn chiến lược về bố trí đội hình, dành nguồn lực, cả thể lực và trí lực...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Sáng 19/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng chủ trì hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam.

“Bánh đà” của nền công nghiệp nhưng…

Theo báo cáo của Bộ Công thương, quy mô, năng lực của doanh nghiệp CNHT còn nhiều hạn chế khi số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp.

Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện, chi tiết đơn giản với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khái quát, CNHT là “bánh đà” của nền công nghiệp. Nhưng cả nước hiện chỉ có trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong CNHT, chiếm 4,5% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo. Đặc biệt, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực CNHT phát triển.

“Nếu doanh nghiệp đầu tàu không tha thiết phát triển CNHT trong nước, họ sẽ tìm những nhà cung ứng quốc tế giá rẻ hơn, trong khi chúng ta đi sau, thiếu năng lực, sẽ vô cùng khó khăn”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, xác định vai trò của ngành này, những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy CNHT phát triển. Tuy vậy, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện và vẫn còn khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn.

“Cần coi CNHT là ngành trọng yếu, là nền tảng cho ngành Công nghiệp Việt Nam phát triển; cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý “nói thẳng, nói trúng” những điểm yếu kém nhất, vướng mắc nhất cần tháo gỡ cho lĩnh vực sản xuất này cũng như chia sẻ kinh nghiệm thành công của các nước, đặc biệt là những nước đi trước, những nước có điều kiện tương tự, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Tại hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương chia sẻ, công nghiệp ô tô là động lực kéo theo sự phát triển của các ngành CNHT khác như cơ khí, điện, điện tử, nhựa, cao su, kính, thiết bị tự động hoá…. Những ngành CNHT này phát triển sẽ tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế đất nước, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động…

“Cũng như việc xây nhà mà mọi loại vật liệu đều phải nhập, chỉ cát, đá, xi măng có thể tự cung cấp thì không hiệu quả, CNHT chính là cơ hội mang lại những sản phẩm mang giá trị Việt”, ông Dương nói.

Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Nguyễn Văn Tuấn nêu thực tế, Việt Nam có ngành Dệt may lớn nhưng không mạnh, giá trị không cao mà “nút thắt” nằm ở lĩnh vực… phụ trợ là dệt vải, cụ thể hơn là khâu nhuộm.

“Không có vải nên ngành Dệt may dễ tổn thương vì phụ thuộc hoàn toàn nguồn nguyên liệu nước ngoài”, ông Tuấn phân tích, giá trị mỗi kg bông chỉ là 2 USD, làm ra được sợi, giá trị tăng lên 3,5 USD/kg và ra được tới vải thì mức giá tới 10USD/kg.

Theo ông Tuấn, giá trị gia tăng mang lại từ khâu này cao hơn nhiều so với giá gia công chỉ một vài USD/kg đồ may ra được.

“Bình bình thì làm sao thành công được”

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, CNHT trong nước dần được cải thiện, đáp ứng một bước tiến trình nội địa hóa của các ngành sản xuất. Cụ thể là 40-45% cho ngành dệt may, da giầy, 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% điện tử tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao.

Toàn cảnh hội nghị

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.  Nguyên nhân được xác định là do thiếu chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch, ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

“Công tác xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển mới có 23 giấy xác nhận ưu đãi. Thấp quá!”, Thủ tướng nói và yêu cầu, “Bộ Công thương cần rà lại xem đã sát chưa, đúng chưa để làm cơ sở giải quyết chính sách đối với CNHT”.

Thêm vào đó, doanh nghiệp trong nước chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu; thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

“Vì sao Trường Hải Ô tô phát triển được, vì có trường đào tạo có quy mô, chất lượng tốt, ngay trong Tập đoàn của mình”, Thủ tướng nêu.

Nêu chủ trương thời gian tới, Thủ tướng bày tỏ mong muốn, Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để Việt Nam thành một công xưởng sản xuất, có thể của châu Á, của thế giới hay của ASEAN.

“Tinh thần là làm sao để Việt Nam thành một cứ điểm cho sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý, phát triển CNHT cần có tinh thần như đội bóng quốc gia Việt Nam do HLV Hàn Quốc Park Hang-Seo dẫn dắt với tầm nhìn chiến lược về bố trí đội hình, dành nguồn lực, cả thể lực và trí lực, “chứ bình bình thì làm sao thành công được”.

“Các bộ, ngành, địa phương có tinh thần làm việc đó không. Các doanh nghiệp Việt Nam ngồi đây đã thành công và tiếp tục hàng vạn doanh nghiệp khác có muốn làm với tinh thần đó không”, người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi.

Theo Thủ tướng, phải đưa tinh thần thể thao như thành công của đội tuyển Việt Nam vào kinh tế, cũng như học hỏi tinh thần của người Nhật Bản, Hàn Quốc trong phát triển CNHT của Việt Nam.

Thủ tướng còn nhấn mạnh phải nghiên cứu phát triển, áp dụng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số vào thực tế ở Việt Nam, trong CNHT.

“Chúng ta không thể làm hết tất cả các phụ tùng, chi tiết liên quan nhưng nếu ô tô anh làm được 40-45% chi tiết phụ tùng thành công thì đã thành công căn bản CNHT”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Nêu một số giải pháp lớn, theo Thủ tướng, cần phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân; đào tạo nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ.

Ông cũng lưu ý cần, cần làm tốt công tác quy hoạch bảo đảm hạ tầng, mặt bằng, môi trường để phát triển các ngành công nghiệp nói chung và đặc biệt là CNHT.

“Phải quy hoạch khu công nghiệp đủ tiêu chuẩn, bây giờ nhuộm may như thế thì địa phương nào cũng từ chối, sợ môi trường, anh phải quy hoạch riêng ra hay xử lý tiêu chuẩn chứ không có làm sao được”, Thủ tướng nói.

Đối với mục tiêu phát triển CNHT, Thủ tướng nhấn mạnh, đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm CNHT có khả năng canh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm