Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 09/02/2019 - 12:24
(Thanh tra)- Về thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động, Hưng Yên) tìm gặp anh Ngô Đức Thắng - “thủ lĩnh chăn vịt” đúng ngày anh đang chuẩn bị xuất lứa vịt giống. Nhìn cảnh anh Thắng cùng các anh em miệng nói tay làm vui vẻ khiến hình dung ban đầu của chúng tôi về hình ảnh doanh nhân thành đạt lắng xuống, thay vào đó là hình ảnh một anh nông dân chăn vịt chân chất, gần gũi với những chia sẻ rất bình dị về quá trình đi lên từ bàn tay trắng tới thành công của ngày hôm nay.
Anh Ngô Đức Thắng nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Ảnh: Phương Anh
Từ hai bàn tay trắng
Chia sẻ với chúng tôi về công việc của mình, anh Thắng kể, cũng như nhiều thanh niên nông thôn khác, xuất thân trong gia đình nông dân nghèo quanh năm với nghề làm ruộng. Vì gia đình nghèo nên việc học hành không được tới nơi, tới chốn. Đến tuổi lập gia đình, kinh tế của cả nhà chỉ trông vào vài sào ruộng cấy lúa và ngày công làm thuê ít ỏi nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Vợ chồng anh phải bươn chải các nơi để kiếm sống. Song anh lại nghĩ “tại sao đất ruộng quê nhà nhiều mà mình không biết tận dụng mà chăn nuôi để thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương?”.
Từ suy nghĩ đó, anh về quê, tận dụng vùng đất trũng quê mình để cày cấy và bắt đầu hình thành ý tưởng nuôi vịt đẻ. Ban đầu, anh vay vốn nuôi 300 con vịt đẻ. Sau một năm, nhờ sự tìm tòi và chăm sóc, lứa vịt đẻ đầu tiên mang lại hiệu quả tốt. Năm 2002, chính quyền địa phương có chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vợ chồng anh mạnh dạn đề nghị lãnh đạo xã Phạm Ngũ Lão cho thuê lại vùng đất trũng nhất của Cốc Khê (khoảng hơn 2 mẫu).
Nhiều người bảo anh liều lĩnh vì thời điểm đó, nhiều người dân có tư tưởng chán ruộng, đi làm cho doanh nghiệp nhưng được sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là được chính quyền tạo điều kiện, Hội Nông dân cho vay vốn ưu đãi nên anh quyết tâm làm.
Dù thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nhưng do mạnh dạn làm ăn, tích cực học hỏi, anh Thắng đã cố gắng khắc phục và tự nhủ mình rằng “mỗi lần vấp ngã là một lần phải quyết tâm”. Năm 2007, trang trại gia đình anh đã bước đầu thu lãi và có uy tín với người dân trong thôn cũng như các xã, vùng lân cận.
Chăn nuôi có lãi, từ một trang trại nhỏ, đến nay, anh Thắng đã mở rộng trang trại của mình lên 13ha, trong đó có 7ha trồng các loại cây ăn quả (nhãn, cam Vinh, bưởi các loại, na...), 5 mẫu ao thả cá, còn lại là diện tích chăn nuôi vịt. Từ 300 con vịt ban đầu, đến nay trong chuồng nuôi của gia đình anh thường xuyên có khoảng 7.000 con vịt bố mẹ.
Để chủ động cung cấp đủ vịt giống cho nông dân, anh đầu tư mua 15 máy ấp trứng. Ngoài trứng vịt thu được trong trang trại của nhà, anh còn nhập thêm trứng vịt của người dân địa phương và còn nhận bao tiêu đầu ra vịt giống cho hàng chục hộ chăn nuôi, ấp nở trứng trong xã.
Sau thời gian thấy công việc thuận lợi và có hiệu quả, anh Thắng mạnh dạn rủ anh em địa phương cùng tham gia chăn nuôi, sản xuất, hỗ trợ vốn và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong địa phương có nhu cầu chăn nuôi vịt. Đến nay, cả xã Phạm Ngũ Lão đã hình thành một “liên minh” chuyên nuôi vịt ấp trứng với khoảng 70 hộ tham gia. Năm 2017, mô hình chăn nuôi của anh Thắng được Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên chọn là mô hình điểm về chăn nuôi. Cũng trong năm này, anh tiếp tục được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp xã Phạm Ngũ Lão.
Đến “thủ lĩnh chăn vịt”
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp xã Phạm Ngũ Lão, anh luôn quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho các hội viên của chi hội. Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các hội viên, Chi hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Động giúp các hội viên vay nguồn vốn “Quỹ Hỗ trợ nông dân” với lãi suất thấp để mở rộng quy mô trang trại.
Ngoài ra, anh Thắng còn phối hợp với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, mời các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tổ chức các buổi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế trong nước để hội viên có cơ hội học tập, nâng cao kiến thức.
Để chủ động “đầu vào” chăn nuôi vịt, anh Thắng đã vận động các hội viên liên kết lại cùng nhau góp vốn trực tiếp mua nguyên liệu, thuê nhà máy gia công thức ăn cám để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, sản lượng tiêu thụ mỗi ngày của cả Chi hội là 24 tấn cám, chất lượng ổn định, giá thành đã giảm từ 10 - 15% so với trước đây mua nhỏ lẻ của các công ty cám.
Bên cạnh đó, hàng năm anh đều cung cấp khoảng 50.000 con vịt giống (trị giá khoảng 250 triệu đồng) cho 10 hộ gia đình khó khăn trong xã để giúp họ phát triển chăn nuôi. Anh Thắng cũng cam kết bao tiêu toàn bộ số lượng vịt giống của các hội viên trong Chi hội.
Nhớ lại thời điểm đầu năm 2017, anh Thắng cho biết, lúc đó tình hình hình chăn nuôi trong cả nước gặp nhiều khó khăn, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp, anh vận động hội viên giảm đàn để tránh thua lỗ. Đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, nhận định được khả năng thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực, anh bàn với các thành viên chuẩn bị đủ vốn, nguồn lực để vào vụ mới. Nhờ đó, đầu năm 2018, những người chăn nuôi vịt Cốc Khê thắng lớn, giá vịt giống lên gấp 4 - 4,5 lần thời điểm trước đó.
“Dám nghĩ, dám làm” - chìa khóa thành công
Là người đầu tiên đưa vịt về Cốc Khê, góp phần hình thành nên nghề nuôi vịt giống của vùng quê này, giúp nhiều nông dân đổi đời. Đến nay, vịt giống Cốc Khê đã đi đến khắp cả nước, sự bài bản, chuyên nghiệp và uy tín tạo dựng trong bao nhiêu năm của anh Ngô Đức Thắng đã giúp tạo nên thương hiệu. Thu nhập bình quân một năm của gia đình anh vào khoảng 5 tỷ đồng. Với những thành viên trong Chi hội Nghề nghiệp, thu nhập bình quân mỗi hộ cũng tầm 500 - 600 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về thành công trong chăn nuôi của mình, anh Thắng cho biết, với nghề chăn nuôi, không phải chỉ cần có vốn là đủ, mà kiến thức, kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm mới chính là “chìa khóa” không thể thiếu. Bên cạnh đó, phải không ngừng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để khắc phục tồn tại và áp dụng tiến bộ khoa học để từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Trong nghề này, không chỉ phòng bệnh tốt, chủ động về con giống mà phải đoán được nhu cầu thị trường để quyết định thời điểm sản xuất phù hợp. Thời gian tới, tôi và Chi hội Nghề nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo việc làm cho thêm nhiều lao động và phấn đấu giữ vững là một địa chỉ uy tín, tin cậy cung cấp vịt giống đồng thời chia sẻ kinh nghiệm để nhiều nông dân có cơ hội làm giàu, góp phần phát triển kinh tế nông thôn mới”, anh Thắng khẳng định.
Lứa vịt giống chuẩn bị được đưa đi giao cho khách hàng. Ảnh: Phương Anha
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, hàng năm mô hình chăn nuôi của gia đình anh Ngô Đức Thắng còn tạo việc làm ổn định cho 15 - 20 lao động với thu nhập từ 5 - 15 triệu đồng/tháng tùy theo công việc được giao. Không những thế, gia đình anh Thắng giúp đỡ nhiều hộ nghèo, khó khăn về khoa học kỹ thuật, nhất là trong xây dựng bể sử dụng khí bi-ô-ga hợp vệ sinh, kinh nghiệm sản xuất hay việc đầu tư con giống cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, có những hộ đã thoát nghèo.
Ngoài sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Thắng còn là người gương mẫu trong các phong trào của địa phương, tuyên truyền vận động người dân trong thôn thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Với những thành tích trong lao động, sản xuất, anh Thắng vinh dự được vinh danh tại Hội nghị Đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 5 (giai đoạn 2012 - 2017) do Trung ương Hội Nông dân tổ chức.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ cộng đồng, năm 2017, “thủ lĩnh chăn vịt” Ngô Đức Thắng, thôn Cốc Khê (Kim Động, Hưng Yên) vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Anh cũng là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn.
Phương Anh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 12/12, đã diễn ra họp báo về Lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia, một sự kiện có ý nghĩa nhằm tôn vinh những doanh nghiệp tiêu biểu, xuất sắc trong việc nâng cao năng suất – chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
T.Thanh
18:48 12/12/2024(Thanh tra) - Ngày 12/12, UBND quận Kiến An (Hải Phòng), tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2024; phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
Kim Thành
18:39 12/12/2024Nam Dũng
17:59 12/12/2024T.Thanh
13:44 12/12/2024Hải Hà
12:08 12/12/2024Trần Lê
10:32 12/12/2024Lâm Ánh
Trần Kiên
Lâm Ánh
Trọng Tài
Thái Hải
T.Thanh
Văn Thanh
Kim Thành
PV
Nam Dũng
Chu Tuấn
Trần Quý