Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp vùng có đồng bào dân tộc thiểu số

Văn Thanh

Thứ tư, 03/11/2021 - 10:42

(Thanh tra) - Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa thường xuyên quan tâm đến việc phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên tập trung tái cơ cấu nông nghiệp ở các huyện miền núi, vùng cao, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tặng con giống cho đồng bào xã Tén Tằn, huyện vùng cao Mường Lát. Ảnh: VT

Thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, từ năm 2016 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa đã thực hiện các chính sách sản xuất nông nghiệp nhằm góp phần tái cơ cấu nông nghiệp ở khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và xóa đói, giảm nghèo.

Theo đó, trên địa bàn các huyện miền núi, vùng cao đã thực hiện hỗ trợ kiên cố hóa được 108,5km kênh mương nội đồng, 109,8km đường giao thông nội đồng, mua 35 máy cấy và 43 máy thu hoạch lúa, với tổng kinh phí thực hiện hơn 50,7 tỷ đồng. Hỗ trợ phát triển vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các huyện miền núi, với tổng diện tích 8.563 ha góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả vùng lúa thâm canh, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện miền núi, vùng cao ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Đối với sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với UBND các huyện miền núi, vùng cao tổ chức đánh giá, lựa chọn, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Qua đó, đã thực hiện hỗ trợ, xây dựng và xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn cho sản phẩm mật ong tại huyện Thường Xuân và chuỗi sản xuất lúa gạo tại huyện vùng Quan Hóa. Tổ chức hướng dẫn xây dựng, đánh giá chứng nhận quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP trong trồng trọt đối với sản phẩm khoai mán vàng huyện Ngọc Lặc; vịt Cổ Lũng, huyện Bá Thước và các vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Thường Xuân... Từ đây, giúp đồng bào các DTTS nhân rộng các mô hình để trồng trọt, chăn nuôi, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, tăng thêm thu nhập.

Trong quá trình sản xuất, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đã tích cực chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho đồng bào các DTTS vào sản xuất lâm nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình nuôi cấy, ghép, giâm hom một số loài cây, như keo lai, phi lao và giâm hom thành công cây giổi ăn hạt, cây dược liệu khôi tía từ rừng tự nhiên; lưu giữ và phát triển các nguồn gen phong lan quý phục vụ nghiên cứu và sản xuất hoa lan thương mại. Thực hiện nhân giống thành công cây keo lai BV10, BV16, BV32 và xây dựng được 15 nguồn giống, hàng năm sản xuất được 500.000 giống cây keo lai... phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực miền núi nói riêng. Ứng dụng kỹ thuật lâm sinh phát triển rừng tự nhiên có đa cây, cải tạo rừng nghèo kiệt thành rừng có sinh khối giàu đáp ứng nhu cầu phát triển rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.

Tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân đang duy trì mô hình chăn nuôi trâu, bò tập trung liên gia đình. Để khuyến khích mô hình phát triển, Sở NN&PTNT, huyện Như Xuân và xã Thanh Quân hỗ trợ mỗi trang trại 100 triệu đồng để xây dựng chuồng nuôi, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn của ngân hàng để đầu tư con giống. Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh... Từ cách làm này, đến nay mô hình đã thu hút 19 hộ trên địa bàn xã tham gia với 9 trang trại, trong đó có 6 trang trại nuôi trâu bò tập trung liên gia đình. Mỗi hộ góp từ 2 đến 3 con trâu, bò để tạo thành các trang trại quy mô từ 20 con trở lên...

Với lợi thế địa hình có nhiều bãi chăn thả thuận lợi cho chăn nuôi, nhất là đại gia súc, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Như Xuân luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nnhân dân phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đồng bào các DTTS. Nhiều hộ đồng bào trên địa bàn huyện đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại, nhờ vậy đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Điển hình, hộ gia đình ông Đinh Đình Vinh, thôn Xuân Lương, xã Bình Lương xây dựng trang trại chăn nuôi bò gần 100 con, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Hay gia đình anh Hoàng Văn Tuấn, thôn Vân Tiến, xã Cát Vân với mô hình trang trại tổng hợp, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả, trồng cao su, lát, keo, luồng... dưới tán rừng nuôi bò sinh sản, lợn, dê... Tổng thu nhập của gia đình khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 40 lao động với mức lương từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Việc hỗ trợ, xây dựng các mô hình áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi đã góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc miền núi. Người dân từ sản xuất nông nghiệp lạc hậu, thủ công dần thay bằng tập quán canh tác hiện đại, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Từng bước nâng cao tính chủ động cho đồn bào DTTS miền núi, giảm dần phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở các huyện miền núi kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp tuy đã được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới trong thời gian qua, song vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên rất khó khăn trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và cơ giới hóa, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích còn thấp. Tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp đã làm thiệt hại đáng kể tới cây trồng, vật nuôi. Đồng bào ở một số huyện miền núi còn chăn nuôi trâu, bò thả rông nên rất dễ lây lan dịch bệnh và chết khi có rét đậm, rét hại xảy ra. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, do địa bàn rộng, xa quốc lộ và các điểm buôn bán tập trung, mặt khác sản phẩm nông nghiệp phần lớn là hàng tươi sống khó bảo quản. Việc huy động đồng bào đóng góp kinh phí xây dựng các công trình phục vụ nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn do đời sống đồng bào còn thấp, trong khi đó nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.

Do vậy, để đảm bảo cho đồng bào ở các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Thanh Hóa ổn định đời sống, phát triển sản xuất, cần có các chính sách mới phù hợp theo hướng cắt bỏ các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không mà tập trung nguồn lực thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu, cung cấp trực tiếp cây, con, giống theo từng địa bàn, thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai. Có như thế, tập tục, tập quán của đồng bào DTTS ở các huyện miền núi, vùng cao mới dần được thay đổi.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm