Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sớm hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Thứ ba, 18/09/2018 - 06:33

(Thanh tra)- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, tình hình mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, tình trạng mua bán người có chiều hướng gia tăng.

Nạn nhân mua bán người đa phần thuộc các dân tộc thiểu số. Ảnh: Internet

Trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trong thực tế, đã nảy sinh những bất cập về cơ chế, chính sách dẫn đến việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Trên 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em

Các đối tượng tội phạm hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường phổ thông, đại học; thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) các đối tượng tiếp cận, rủ rê, giả vờ làm người yêu, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… để lừa bán làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 đến hết năm 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người. Qua điều tra, rà soát cho thấy, trên 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em, trên 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, nhận thức, tiếp cận thông tin ít hơn và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; hơn 70% nạn nhân làm nông nghiệp hoặc không có việc làm, 37,2% không biết chữ và khoảng 6,8% nạn nhân là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên.

Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (gần 80%). 100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận, xác minh đều được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; 50% (khoảng trên 3.500 nạn nhân) được ngành LĐTB&XH thực hiện các chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định.

Cơ chế hỗ trợ nạn nhân trở về còn bất cập

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác phòng, chống mua bán người nói chung và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng. 

Từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã ban hành hệ thống các văn bản, chính sách cơ bản đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trong thực tế, đã nảy sinh những bất cập về cơ chế, chính sách dẫn đến việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân đã được xây dựng, làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác này ở các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay công tác này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức về cơ chế chính sách, để có cơ sở cho việc sửa đổi bổ sung chính sách, chế độ hỗ trợ cho nạn nhân. Đặc biệt là vấn đề hỗ trợ dịch vụ, đáp ứng kịp thời các nhu cầu tối thiểu của nạn nhân trong quá trình hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Do vậy, theo ông Hiền, cần sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật. Đáng chú ý là việc sửa đổi nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội năm 2005 theo hướng miễn trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân bị mua bán trong một số trường hợp như bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép...

Ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình IOM (Tổ chức Di cư quốc tế) tại Việt Nam cho biết, IOM đánh giá cao sự hợp tác với các bộ ngành để đảm bảo cuộc sống bình yên của các nạn nhân bị mua bán trở về. Theo ông Paul Priest, mỗi năm có hàng triệu người di cư bị mua bán trong nội địa và xuyên biên giới để rồi cuối cùng trở thành nạn nhân của lao động cưỡng bức. Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 20 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức bao gồm cả các nạn bị mua bán vì mục đích bóc lột tình dục và lao động.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết nghiêm túc trong đấu tranh chống nạn mua bán người trong đó nổi bật là việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người và hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia về vấn đề này. Ngoài ra, Chính phủ cũng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ nạn nhân, tăng cường nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống và hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người… Tuy nhiên, ông Paul Priest cho rằng các khung pháp lý cần được rà soát chỉnh sửa để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nạn nhân mua bán người trở về.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm