Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sắc màu thổ cẩm trên quê mới

Chủ nhật, 10/08/2014 - 06:31

(Thanh tra) - Đến xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An hôm nay, chứng kiến những điều mắt thấy tai nghe, vui thay cùng bà con về sức sống của thổ cẩm trên vùng quê mới. Bên cạnh tình yêu của các mẹ, các chị dành cho nghề dệt, còn có sự quan tâm của chính quyền và các đoàn thể địa phương.

Niềm đam mê dệt thổ cẩm được gìn giữ, bảo tồn bằng bàn tay của các mẹ, các chị. Ảnh: Thái Hải

Ngay từ khi mới chuyển về vùng tái định cư, sắp xếp nơi ăn chốn ở ổn định, những chiếc khung cửi lại được bày ra dưới mái nhà quen thuộc, để chị em tiếp tục công việc dệt vải ngày nào. Tuy đã mai một so với trước kia, nhưng thổ cẩm là bản sắc văn hóa, gắn bó máu thịt với người dân tự bao đời, nên vẫn được bà con gìn giữ, bảo tồn nghề cổ, bằng cả sự nâng niu, yêu quý.

Hiện nay, 14 bản trong xã, bản nào cũng có từ 25 - 30 hộ duy trì khung cửi, dệt thường xuyên hoặc tranh thủ lúc nông nhàn. Trong đó, bản Lạp, Tạ Xiêng, bản Hiển là những bản có nhiều khung cửi nhất.

Mặc dù sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu ít ỏi của gia đình, làm của hồi môn cho con gái, làm quà để đón dâu mới, ngay cả trang phục thổ cẩm cũng chỉ được bà con người Thái mặc vào những đêm văn nghệ, những ngày lễ, tết, cưới hỏi truyền thống, nhưng nghề dệt thổ cẩm vẫn “sống” và gắn bó thân thiết với mọi người như nương rẫy, như dòng Mạn Tác, Khe Tròn, Khe Máng quê hương.

Vượt lên những khó khăn đang tồn tại nơi bản mới, phụ nữ Ngọc Lâm vẫn ngày đêm chuyên cần đẩy “phưm” đan sợi. Nghề dệt thổ cẩm được gìn giữ, bảo tồn chính bằng ý thức, tấm lòng và bàn tay của các mẹ, các chị. Chị Lô Thị Cúc cho biết, dệt thổ cẩm là để ôn lại nghề xưa, phụ nữ phải thuần thục để dạy cho con em và hơn nữa là để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Qua tiếp xúc, chúng tôi được biết những người dệt thổ cẩm giàu kinh nghiệm hiện nay trong xã, đều đã thành “thợ dệt” từ thời con gái. Tuổi tác, thời gian không làm họ suy giảm tình yêu đối với thổ cẩm.

Bà Lương Thị Khăm Hương (80 tuổi, bản Muộng) hàng ngày ngoài việc lên rừng tìm cây thuốc chữa bệnh, còn bao nhiêu thời gian là ngồi bên khung cửi. Hơn 60 năm trong nghề, mặc dù tuổi cao, bà vẫn say sưa với thổ cẩm như thời còn trẻ. Nhìn bàn tay thoăn thoắt quay guồng, nghe giọng nói sang sảng của bà, mới hiểu được phần nào sự dẻo dai của một người “giữ lửa”, gần trọn đời gắn bó với dệt, thêu truyền thống. Mang ra khoe cùng người lạ những sản phẩm mới hoàn thành như váy, khăn, thắt lưng, vải trắng… chỉ cho khách từng bộ phận trên khung cửi, bà nói: “Dệt như thế này, nhiều công đoạn lắm, tôi quen rồi nên thích, còn khỏe thì còn làm, khi nào không làm được nữa thì thôi”.

Mỗi chiếc váy thổ cẩm trọn bộ, gồm cả thắt lưng, được bà con bán với giá từ 1 triệu đồng. Thường thì, các lái buôn hay đến tận nhà dân, mang theo hàng dệt may công nghiệp của Lào, để đổi lấy hàng thổ cẩm dệt thủ công chính hiệu. Hơn 30 năm trong nghề, chị Lương Thị Hoa, bản Khe Tròn tâm nguyện “dù khó khăn thế nào vẫn gắn bó suốt đời với khung cửi, với dệt thêu, nhưng giá như thổ cẩm bán chạy hơn”.

Trong những năm qua, Sở Công thương Nghệ An, Phòng Công thương huyện Thanh Chương phối hợp với Hội Phụ nữ xã Ngọc Lâm đã triển khai đào tạo nghề dệt thổ cẩm tại xã cho các hội viên, với 2 lớp tập huấn được mở vào các năm 2011, 2013. Chương trình dạy nghề đã thu được những kết quả nhất định, Hợp tác xã Hải Vân, huyện Con Cuông từng đến đặt hàng trực tiếp cho các hội viên, nhiều lần giao nhận hàng thành công, đã mở ra hướng đi mới cho nghề truyền thống.

Chị Lô Thị Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Lâm cho biết, những năm qua, hội đã tích cực tuyên truyền cho chị em, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; quy định rõ việc mang mặc trang phục thổ cẩm bắt buộc đối với tất cả các chị em, trong những ngày hội họp tại xã, biến việc này thành một tiêu chí để đánh giá nhận xét, xếp loại hội viên. Thời gian tới, hội dự định, kêu gọi các cán bộ cấp xã, bản, ủng hộ, động viên chị em sản xuất trang phục thổ cẩm dành cho nam giới, nhằm tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm, làm giàu thêm bản sắc.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Lương Thanh Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết, xã rất quan tâm tới nghề dệt thổ cẩm và đã nhiều lần kiến nghị với huyện trong việc chỉ đạo, đề xuất các biện pháp, phối hợp cùng bà con dân bản tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống này.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm