Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát huy, bảo tồn các loại nhạc cụ của đồng bào Chăm

Khoa Lê

Thứ hai, 04/10/2021 - 18:02

(Thanh tra) - Những loại nhạc cụ như: Trống Ghi-năng, trống Paranưng, lục lạc, chiêng, kèn Saranai, đàn Kanhi… được đồng bào Chăm Ninh Thuận chế tác rất độc đáo. Nhiều nghệ nhân đã dành cả đời của mình để chế tác hàng trăm chiếc trống và truyền dạy cho con cháu giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá để góp vào “vườn hoa âm nhạc” Việt Nam.

Các nghệ nhân biểu diễn trống Ghi-năng, trống Paranưng, kèn Saranai và các nhạc cụ khác trong lễ hội Ka tê hàng năm của đồng bào Chăm. Ảnh: Khoa Lê

Trong các nghi lễ, lễ hội của đồng bào Chăm Ninh Thuận thì bộ nhạc cụ chính không thể thiếu là trống Ghi-năng, trống Paranưng và kèn Saranai.

Đối với chiếc kèn Saranai tượng trưng cho cái đầu người, có 7 lỗ tương ứng với hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng của con người. Còn trống Paranưng tượng trưng cho thân người, 12 cái chốt tang trống tượng trưng cho 12 con giáp. Về đôi trống Ghi-năng tượng trưng cho hai chân, hai cái dùi trống Ghi-năng tượng trưng cho hai cánh tay, tang của trống có 16 dây ở hai đầu tương ứng cho 32 cái răng. Vì thế, những người vừa biết chơi, vừa biết chế tác nhạc cụ trong cộng đồng người Chăm không nhiều. Họ được xem là “báu vật” của cộng đồng.

Nghệ nhân Nại Ngọc ở thôn Hoài Trung, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước cho biết: “Đối với trống Ghi-năng phải đục một khúc gỗ dài 75cm, rộng từ 30-40cm thành hình trụ và rỗng bên trong, còn trống Paranưng rộng 40-45cm, cao 20cm. Tiếp đó là kéo dây, công đoạn này phải khéo léo, tỉ mỉ, kéo thật căng dây thì âm thanh mới hay. Cuối cùng là bịt da trâu hay da dê vào hai mặt trống (mặt âm và dương). Hoàn thành một chiếc trống Ghi-năng, ít nhất là cả tháng; trống Paranưng khoảng 10 ngày nên đòi hỏi người làm phải đam mê, yêu thích”.

Nhiều năm qua, nhiều thế hệ trẻ của cộng đồng Chăm được được truyền dạy cách chơi trống Ghi-năng, từ đó nhiều người đã nổi tiếng như: Thiên Sanh Minh, đang công tác tại Đoàn Ca múa nhạc dân gian Chăm Ninh Thuận; Thiên Sanh Vũ, công tác tại Đoàn Ca múa nhạc dân gian tỉnh Quảng Nam; Kiều Thị Kim Tuyến, Lưu Văn Phính… được biết đến với tài năng độc diễn thành thục trống Ghi-năng và hát các ca khúc dân gian Chăm phục vụ lễ hội, phục vụ du khách tham quan khi đến các làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc. Dĩ nhiên, du khách bị hút hồn bởi tiếng hát trữ tình đầm ấm ngân vang trên nền nhạc đệm trống Ghi-năng và các loại nhạc cụ khác của người Chăm.

Những năm qua, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Nhà nước đã hỗ trợ cho các khu dân cư người Chăm hàng chục tỷ đồng để mua sắm nhạc cụ, thiết bị âm thanh, dụng cụ…

Tại Ninh Phước, UBND huyện đã quan tâm, khuyến khích đồng bào Chăm thành lập nhiều câu lạc bộ phổ biến truyền nghề nhạc cụ dân tộc Chăm, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Chăm cũng như cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.

Theo thống kê, toàn huyện Ninh Phước có 20 thôn, mỗi thôn đều thành lập một đội văn nghệ khoảng 20 diễn viên, nhạc công.

Nhạc điệu hòa quyện với vũ điệu Chăm hấp dẫn, thu hút du khách tại lễ hội của đồng bào Chăm Ninh Thuận. Ảnh: Khoa Lê

Nghệ nhân Vạn Sổ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhạc cụ Chăm thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước là một trong những người tiên phong thành lập câu lạc bộ nhạc cụ Chăm đầu tiên ở Ninh Thuận chia sẻ: “Năm 2013, khi câu lạc bộ được UBND xã Phước Hậu cho phép thành lập, ban đầu chỉ có 10 thành viên, hiện nay đã tăng lên 19 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ chúng tôi đã tham gia biểu diễn hàng năm với hàng chục tiết mục đặc sắc của nhạc cụ Chăm trong các lễ hội truyền thống, trong các nghi lễ của người Chăm.

Những năm qua, câu lạc bộ đã đào tạo được 12 học viên biểu diễn thành thạo trống Ghi-năng và trở thành nhạc công chính thức trong các chương trình văn nghệ và các hoạt động lễ hội trong cộng đồng dân cư, được cộng đồng người Chăm quý mến, tin yêu”.

Ngoài ra, nghệ nhân Vạn Sổ cho biết, "hiện nay chúng tôi đã thành lập 2 đội múa truyền thống gồm 20 thành viên nữ thường xuyên phục vụ các hoạt động văn hóa của địa phương, tham gia các hội thi văn nghệ, cung cấp tư liệu sinh động cho các nhà nghiên cứu về âm nhạc dân gian Chăm".

Nhiều năm qua, âm nhạc cổ truyền của dân tộc Chăm không chỉ phô diễn tại các lễ hội của riêng cộng đồng Chăm, mà tiếng trống Paranưng, trống Ghi-năng, kèn Saranai… đã luôn ngân vang, hòa chung với âm nhạc của các dân tộc anh em, lan tỏa đến mọi miền đất nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

(Thanh tra) - Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai đã có chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhờ tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nam Dũng

21:38 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm