Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những câu chuyện khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên ở Văn Yên, Yên Bái

Thứ hai, 21/03/2022 - 10:40

(Thanh tra) - Dám nghĩ, dám làm, lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp để "khởi nghiệp", đoàn viên thanh niên nơi đây không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bản thân mà góp sức xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn, ấm no, hạnh phúc hơn trên chính mảnh đất quê hương.

Đoàn viên thanh niên HTX Thanh Sơn

Anh Hoàng Văn Vĩnh ở thôn Đại Thắng, xã Đại Phác trước đây kinh tế gia đình chỉ dựa vào trồng lúa, trồng ngô và trồng rừng, thu nhập cũng chỉ tạm ổn.

Khi có Nghị quyết 69 triển khai đến thôn bản, Vĩnh đã nghĩ ngay đến phương thức chăn nuôi hàng hóa, tạo ra thực phẩm sạch hữu cơ, riêng có với sản phẩm dê quế. Vĩnh đã chủ động đăng ký phát triển mô hình nuôi dê địa phương dưới tán quế với quy mô từ 30 con trở lên, tiến hành quy hoạch lại khu vực chăn nuôi, xây dựng chuồng trại và nhân số lượng đầu đàn dê.

Hiện tại Hoàng Văn Vĩnh luôn duy trì đàn dê thương phẩn từ 30 - 40 con. Anh vui mừng chia sẻ: “Mới đây gia đình đã bán ra thị trường được 2 con dê giống và 2 con dê thịt, thu về khoảng 30 triệu đồng. Việc chăn nuôi dê dưới tán quế cũng khá phù hợp với tiềm lực của gia đình. Mô hình hiện đang phát triển rất tốt và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, cải thiện được thu nhập cho bản thân. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhân lên số lượng đầu đàn, duy trì đàn dê thương phẩm  từ 40 - 50 con.”

Mô hình nuôi dê dưới tán quế của anh Hoàng Văn Vĩnh

Cũng từ những lợi ích thiết thực của Nghị quyết 69, đoàn viên thanh niên Trần Văn Giang ở thôn Cầu Vải, xã Mậu Đông xác định rõ đây chính là điểm tựa, là đòn bẩy để Giang khởi nghiệp và lập nghiệp. Với sự trợ giúp từ gia đình Giang đã mạnh dạn đầu tư một khoản tiền làm chuồng trại và mua bò giống về chăn nuôi theo phương thức bán chăn thả với quy mô đầu đàn từ 10 con trở lên.

Anh Trần Văn Giang cho biết: “Bản thân tôi cũng như gia đình mình rất phấn khởi bởi từ sự trợ lực của tỉnh sẽ giúp cho gia đình hình thành và phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc một cách bền vững, từng bước tăng về quy mô, số lượng đàn vật nuôi và quan trọng là giúp bản thân và các thành viên trong gia đình có một hướng đi mới, tạo thêm được việc làm ổn định, cải thiện thu nhập, nâng cao cuộc sống.”

Nhận thấy triển vọng của cây cà gai leo, đoàn viên thanh niên Phạm Văn Chiến và các thành viên Hợp tác xã (HTX) Thanh Sơn đã quyết định khởi nghiệp từ cây trồng này. Mục tiêu hướng đến của bản thân Chiến và HTX là tạo ra vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn do chính người dân canh tác và thu hái. Cũng thông qua đó để tạo ra việc làm, tạo thêm nguồn thu nhập, chuyển đổi phương thức, cách thức làm ăn của các hộ nông dân, tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp của Phạm Văn Chiến cũng có nhiều vui buồn….

Giám đốc HTX Thanh Sơn Phạm Văn Chiến tâm sự: “Hiện tại, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu với diện tích 10 ha. Vùng nguyên liệu này hoàn toàn do người dân tự chủ canh tác, chăm sóc với sự hỗ trợ một phần giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc của HTX. HTX bao tiêu, thu mua toàn bộ số được liệu của người dân. Để gia tăng giá trị của cây cà gai leo, khẳng định thương hiệu của mình, HTX đã liên kết tạo ra sản phẩm riêng cho mình. HTX hiện đang có 2 sản phẩm được chế biến từ cây cà gai leo là: Cao đặc cà gai leo và cao bột cà gai leo, đều đã được chứng nhận bản quyền, truy suất nguồn gốc rõ ràng, được người tiêu dùng đánh giá cao và có mặt trên thị trường. Đặc biệt, sản phẩm cao đặc cà gai leo của HTX là 1 sản phẩm dược liệu duy nhất đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2021 của huyện Văn Yên năm 2021”.

Điều này chứng tỏ rằng, với những nông sản không quá đặc biệt, nếu biết sáng tạo thì việc gia tăng giá trị là hoàn toàn có thể. Đồng thời, đây cũng là động lực để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn tích cực trong thời gian tới.

Mô hình nuôi cá lồng của đoàn viên thanh niên Nguyễn Tuấn Anh

Còn đoàn viên thanh niên Nguyễn Tuấn Anh ở thôn Khe Dứa, xã Yên Phú bắt tay vào khởi nghiệp chỉ với 2 bàn tay và khối óc của mình.

Tuấn Anh đã biết phát huy lợi thế sẵn có tại địa phương đó là tận dụng nguồn nước tự nhiên, diện tích mặt nước trên đập thủy lợi để thực hiện mô hình nuôi cá lồng.

Từ năm 2015, Tuấn Anh đã bắt tay vào nuôi cá lồng với quy mô chỉ 5 lồng với các giống cá thông thường như trắm cỏ, chép, rô phi đơn tính… giá trị kinh tế đem lại mỗi năm trừ tất cả các khoản chi phí là gần 100 triệu đồng.

Không bằng lòng với thành quả bước đầu, lợi nhuận thu được, Nguyễn Tuấn Anh lại tiếp tục đầu tư tái sản xuất, nhân thêm số lồng cá, mở rộng diện tích mặt nước chăn nuôi. Mặc dù trong quá trình khởi nghiệp và lập nghiệp, Tuấn Anh cũng gặp phải không ít khó khăn do những yếu tố khách quan cũng như chủ quan mang lại, đặc biệt là trong các năm 2019, 2020, 2021 việc nuôi cá bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh Covid - 19. Tuy nhiên Nguyễn Tuấn Anh đã biết biến khó khăn thách thức thành động lực, thành cơ hội để duy trì và phát triển mô hình nuôi cá lồng của mình, đồng thời hình thành cho mình cách riêng để đảm bảo sản xuất và nguồn thu nhập như lập trang web bán cá, hình thành điểm ẩm thực ngay trên các bè cá để các bạn trẻ, các gia đình đến nghỉ ngơi, câu cá, thưởng thức các món ăn từ cá.

Đoàn viên Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Hiện nay, tôi đã phát triển được 15 lồng cá, trong đó có 2 lồng tôi đã thực hiện nuôi cá lăng và cá chiên, hiệu quả kinh tế cho thấy, nuôi cá lăng và cá chiên lợi nhuận thu về gấp 2 lần cá trắm, 3 - 4 lần cá chép và rô phi đơn tính. Bình quân 15 lồng cá của tôi, mỗi năm trừ tất cả các khoản chi phí cũng cho lợi nhuận từ 250 - 300 triệu đồng.”

Trên thực tế, bằng ý chí và nghị lực của chính bản thân mình, nhiều đoàn viên thanh niên ở Văn Yên đã quyết định lựa chọn các mô hình kinh tế phù hợp cho mình để "khởi nghiệp" và bước đầu mang lại những thành công nhất định. Đến nay, đoàn viên thanh niên Văn Yên đã hình thành được 168 ý tưởng khởi nghiệp, 8 doanh nghiệp, 9 HTX, 58 tổ hợp tác. Đặc biệt đã có 189 mô hình sản xuất và kinh doanh của thanh niên đang phát huy hiệu quả kinh tế với mức thu nhập bình quân đạt từ 100 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 560 lao động. Điều này góp phần từng bước thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng của thanh niên.

Thu Nhài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

(Thanh tra) - Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai đã có chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhờ tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nam Dũng

21:38 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm