Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều thách thức đối với mạng lưới an sinh xã hội

Thứ tư, 19/09/2018 - 15:06

(Thanh tra)- Với những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ, cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 được xem là cơ hội cho việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

Ở chiều ngược lại, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển chung, cuộc cách mạng này có thể khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực, đặc biệt là những tác động không mong muốn đối với thị trường lao động, ảnh hưởng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội (ASXH)…

Đây là những chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo “Cơ hội và thách thức của các hệ thống ASXH khu vực ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0 và tự do dịch chuyển lao động”, tổ chức ngày 18/9. 

Theo TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thế giới đang đứng trước một cuộc cách mạng công nghệ, vì vậy, Việt Nam cần nhanh nhạy nhận diện tốt thách thức và cơ hội đó, trong đó có lĩnh vực ASXH. 

Theo TS.Thiên, ở Việt Nam, khi số hoá chưa phổ biến, chúng ta đã có khái niệm mang tính cách mạng, coi công nghệ thông tin (CNTT) là hạ tầng của hạ tầng, phải thiết kế được điều này mới phát triển.

Hiện nay, công nghệ số diễn ra ồ ạt, mọi lĩnh vực hầu hết liên quan đến nền tảng công nghệ số và có tác động to lớn đến đời sống. Công nghệ số đòi hỏi năng lực mới, nhu cầu mới, phương thức mới, gắn với năng lực sáng tạo vô tận của trí não, mở ra không gian phát triển vô tận. Qua đó, cũng làm thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc và quan hệ với nhau. Điều này thể hiện qua cấu trúc việc làm, cấu trúc thu nhập; công nghệ nano trí tuệ nhân tạo, người máy internet kết nối vạn vật…

Từ góc độ tiêu dùng và giá cả, mọi người đều được hưởng lợi nhờ tiếp cận được nhiều sản phẩm và dịch vụ mới chất lượng cao, chi phí thấp hơn. CMCN 4.0 đã tác động tích cực đến lạm phát toàn cầu nhờ các đột phá về công nghệ, giúp tiết kiệm đáng kể các yếu tố đầu vào và giúp giảm mạnh áp lực chi phí. 

Song song đó cũng phải đối mặt với phân hóa xã hội, bất bình đẳng kinh tế, rủi ro tăng. Đặc biệt, rủi ro an ninh mạng và thách thức trong lĩnh vực ASXH là 2 vấn đề lớn - khi nhiều ngành cũ mất đi, kéo theo việc làm mất đi, thu nhập lao động giảm và nhiều ngành mới xuất hiện, tạo cơ hội việc làm và thu nhập mới, nhưng cũng đòi hỏi những năng lực mới.

Theo dự báo, trong 2 thập niên tới, 56% lao động tại 5 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) sẽ đối mặt nguy cơ mất việc làm. Có 86% lao động dệt may và giày dép ở Việt Nam có nguy cơ mất việc vì robot… Do đó, việc nhanh chóng tận dụng cơ hội, vượt lên những thách thức đòi hỏi sự nhạy bén, bản lĩnh. Nếu đi đúng hướng và bắt đúng nhịp, CMCN 4.0 sẽ tạo cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển.
Theo ông Jens Schremmer,Trưởng Văn phòng Tổng Thư ký Hiệp hội ASXH Quốc tế, trong bối cảnh CMCN 4.0 có quy mô và tốc độ phát triển rất nhanh sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy ASXH, như mở rộng diện bao phủ BHXH… Nền kinh tế số cũng làm phát sinh nhiều công việc, tác động đến lao động truyền thống, tạo khoảng trống về bao phủ ASXH cũng như việc bảo mật dữ liệu, an ninh mạng… 

“Đây không còn là vấn đề mang tính tương lai nữa, mà nó đang hiện hữu ở trước mắt”, ông Jens Schremmer nhấn mạnh.

Vì vậy, theo ông Jens Schremmer, trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa hợp tác đào tạo và học hỏi lẫn nhau trong Hiệp hội ASXH ASEAN - thông qua chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên với các tổ chức ASXH trong khu vực và thế giới. Hướng tới việc sử dụng công nghệ để thực hiện ASXH tốt hơn, đáp ứng kỳ vọng công chúng, nhất là mở rộng diện bao phủ, giảm gian lận và nâng cao tính hiệu quả của hệ thống ASXH.

Theo ông Robert Palacios, chuyên gia trưởng toàn cầu về hưu trí và BHXH (WB), CMCN 4.0 đang đặt ra hai thách thức cho các quốc gia khi tác động mạnh mẽ lên thị trường lao động và già hóa dân số. Sự thay đổi của thị trường lao động là điều được dự báo rất nhiều, nhưng hiện chưa xác định được cụ thể ngành nghề nào mất đi, ngành nghề nào tồn tại. Điều này đòi hỏi người lao động phải tăng cường rất nhiều kỹ năng để đáp ứng sự thay đổi.

Từ đó, đặt ra bài toán về đào tạo nguồn nhân lực và thiết kế lại chính sách ASXH, để tăng độ bao phủ, theo hướng tăng mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, giữa Chính phủ với nền kinh tế phi chính thức. “Đây là một cuộc đua giữa nền ASXH và những thay đổi của thị trường lao động”, ông Robert Palacios nhấn mạnh.

Với vấn đề già hóa dân số, ông Robert Palacios cho rằng, nếu như các nước phương Tây mất 50 năm để từ thời kỳ dân số vàng tiến sang giai đoạn già hóa dân số, thì ở các nước châu Á chỉ mất 20 năm. Và, với Việt Nam, tốc độ này có thể còn nhanh hơn, sẽ tác động lớn đến thị trường lao động và đối tượng của hệ thống ASXH.

Vì vậy, ông Robert Palacios dự báo, bảo hiểm xã hội truyền thống dựa trên khoản khấu trừ thuế hay từ lương của người lao động sẽ không bắt kịp với tốc độ già hóa dân số. Bài toán đặt ra, là các quốc gia phải nhanh chóng tăng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội bằng cách thức quản lý hiện đại, hiệu quả hơn, như: Ứng dụng các công nghệ mới (chứng minh nhân dân kỹ thuật số có sinh trắc học; chi trả, đóng nộp qua kỹ thuật số, các phần mềm…). 

Quan trọng hơn, mỗi quốc gia cần xây dựng để tất cả người dân có 1 mã số ID duy nhất trong cơ sở ASXH để thuận lợi trong việc quản lý, tiếp cận, phát triển đối tượng. Cơ sở dữ liệu về ASXH cần được kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Với người lao động có thu nhập thấp, cần có những chính sách trợ cấp để tăng diện bao phủ…

Chia sẻ kinh nghiệm của New Zealand trong việc tiếp cận và giải quyết nhu cầu đào tạo trong CMCN 4.0, GS.Neil Quigley, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ New Zealand, Hiệu trưởng ĐH Waikato cho biết, hiện nay trên thế giới đang ở trong một nền giáo dục và công nghệ tiên tiến, thay đổi từng ngày để phù hợp với CMCN 4.0 và trẻ em sẽ trở thành những công dân toàn cầu. Trong tương lai, có khoảng 40% những công việc hiện tại mà con người đang làm sẽ không còn, điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục phải thay đổi để phù hợp với xu thế chung toàn cầu.

Tuy nhiên, theo GS.Neil Quigley, hệ thống giáo dục cũng đang có sự thay đổi thấp hơn so với kỳ vọng. Đáng chú ý, bên cạnh lý do từ các chính sách về giáo dục, thì năng lực của giáo viên cũng được coi là rào cản đối với sự đổi mới sáng tạo. Ở các trường đại học của New Zealand, các giảng viên cũng chậm ghi nhận những thay đổi trong chương trình dạy học - là do kế thừa từ quá khứ, làm giảm sự thay đổi tích cực của các học sinh sinh viên. 

GS.Neil Quigley nhấn mạnh, việc dịch chuyển xã hội cũng rất quan trọng đối với sự thay đổi giáo dục. Trong thời đại CMCN 4.0, thách thức của giáo dục là đảm bảo không cho phép những người khó khăn bị ngăn cản trong việc tiếp cận các hệ thống giáo dục trong tương lai, họ phải được trang bị kỹ năng, kiến thức để tránh bị gánh nặng trong hệ thống ASXH. Đồng thời, xã hội cần tìm ra cách giúp đỡ tất cả mọi người tiếp cận được con đường học tập một cách thuận lợi nhất.

Trần Kiên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm