Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 25/09/2018 - 06:25
(Thanh tra)- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", cho thấy tiềm lực kinh tế biển của nước ta đang được khai thác một cách hiệu quả góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, qua thực tế vẫn còn một số bất cập cần được tháo gỡ để thu hút nguồn lực trong phát triển kinh tế du lịch biển nói riêng.
Cần làm rõ thẩm quyền giao khu vực biển, giao đất có mặt nước biển cho dự án du lịch trong khu vực 160ha của vịnh Nha Trang. Ảnh: GT
Những điểm sáng
Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang, để triển khai Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X thì các cơ quan chuyên môn của địa phương này đã xây dựng được nhiều mô hình khả thi. Cụ thể, tỉnh Quảng Nam đã định hướng hai vùng phát triển kinh tế biển là: Phía Bắc lấy Hội An - Điện Bàn làm trung tâm; phía Nam lấy Khu kinh tế mở Chu Lai, TP Tam Kỳ làm trung tâm. Trong đó, tập trung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển trở thành một trong những Khu kinh tế trọng điểm vùng ven biển của cả nước. Hiệu quả của sự phát triển đúng hướng này chính là đời sống của nhân dân vùng ven biển, đảo được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành giảm nhanh. Nhiều khu vực bờ biển ngày xưa chỉ là cát trắng, cây bụi đã chốc lát trở thành các khu du lịch, khu đô thị thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn và là điểm đến của khách du lịch nhiều nước trên thế giới.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm lại chia sẻ về đặc thù đầu mối vận tải biển khi vùng biển của TP mang tên Bác có chiều dài khoảng 15km, diện tích mặt biển khoảng 900km2, chủ yếu nằm ở phía Đông Nam. Hiện nay, cảng Tân Cảng - Cát Lái đang là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam, còn cảng Tân Cảng - Hiệp Phước, đóng vai trò kết nối các tuyến đường vành đai cùng với hàng loạt khu công nghiệp là nơi tập trung hàng hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tận dụng lợi thế của rừng ngập mặn Cần Giờ, nhiều năm qua UBND TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh chương trình phát triển du lịch sinh thái, với hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh để khai thác tốt dự án Xây dựng Khu Đô thị lấn biển Cần Giờ với qui mô 600ha và đang mở rộng thành 1.048ha.
Là một trong những địa phương có bờ biển dài tại khu vực miền Trung, đặc biệt là có vịnh Nha Trang với tiềm năng du lịch chất lượng cao, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện có hiệu quả chiến lược biển với nhiều mô hình khai thác đa dạng, thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước. Điều này càng có ý nghĩa khi vị trí địa lý của địa phương có nhiều thuận lợi để trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước.
Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa tổ chức giữa tháng 4/2018 đánh giá về kết quả thực hiện với nhiều điểm sáng. Đó là kinh tế biển đã góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa phát triển mạnh mẽ và bền vững: Kết cấu hạ tầng vùng biển và đô thị ven biển từng bước được đầu tư. Hệ thống điện lưới quốc gia ven biển được chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Công tác bảo vệ môi trường thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tài nguyên và môi trường biển ổn định. Điều kiện sống của người dân vùng biển từng bước được cải thiện. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo, an ninh, quốc phòng biển đảo được giữ vững.
Cần thêm cơ chế mềm
Đối với khu vực Tây Nam Bộ, nhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng các mô hình phát triển kinh tế biển, trong đó đảo Phú Quốc đã được xây dựng thành trung tâm du lịch và đô thị biển để khai thác các tiềm năng thiên nhiên biển. Theo đó, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được đầu tư để đảo Phú Quốc chuyển mình thành đảo ngọc, là điểm đến được nhiều hãng lữ hành quốc tế lựa chọn. Tuy vậy, quá trình phát triển quá nhanh của hàng trăm dự án dọc 20 khu vực biển của đảo Phú Quốc cũng đã phát sinh hiện tượng xung đột với hàng loạt quy định pháp luật về môi trường biển, hành lang bảo vệ bờ biển.
Dù UBND tỉnh Kiên Giang đã nhiều lần kiến nghị về cơ chế phù hợp để bảo đảm sự phát triển hài hòa với công tác bảo tồn biển nhưng nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ đúng thẩm quyền khi Khoản 1 - Điều 79 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chưa được sửa đổi. Vì vậy, khi sự kiện công trình khách sạn hình con tàu cao 8 tầng tại khu vực trung tâm đảo ngọc bị phát hiện vi phạm xây dựng trong hành lang bảo vệ bờ biển thì nỗi lo của hàng trăm nhà đầu tư khác đã trở thành câu chuyện thời sự.
Khách sạn hình con tàu, đối diện trụ sở huyện ủy Phú Quốc vẫn là sự kiện gây tranh cãi về xây dựng công trình tư nhân trong hành lang bảo vệ bờ biển. Ảnh: GT
Lý do là các dự án đều được cơ quan quản lý cấp địa phương cho phép thực hiện. Nói cụ thể là Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc đã ký hàng loạt giấy phép cho hàng loạt dự án tại 20 khu vực biển sau khi kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang là không cần thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Điều này là trái thẩm quyền và đi ngược lại quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại cho hàng loạt doanh nghiệp. Vấn đề này sẽ được Thanh tra Chính phủ công bố ngay sau khi kết luận thanh tra được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Gần đây nhất, nỗi lo của các chủ đầu tư càng lớn hơn khi đầu tháng 9/2018, bản quy hoạch mới nhất về khu trung tâm đảo Phú Quốc đã được UBND tỉnh Kiên Giang công bố với hai con đường ven biển được triển khai với quy mô giải tỏa từ điểm mốc thủy triều trung bình vào phía trong bờ sẽ là “cơn ác mộng có thật” đối với hàng loạt công trình xây dựng đã tồn tại theo các giấy phép cấp địa phương.
Điều đó đang là trăn trở buộc chính quyền một số địa phương có biển sẽ phải nhanh chóng giải quyết. Điển hình như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì áp dụng cơ chế một cách rõ ràng rằng, nếu khu vực biển đã có kè biển kiên cố thì không thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển. Hay khác như tỉnh Phú Yên lại triển khai cắm mốc tại khu vực biển chưa có dự án xây dựng kiên cố.
Riêng tại tỉnh Khánh Hòa với 400km bờ biển thì Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ các ý kiến còn khác nhau về thực tế thực hiện pháp luật biển và hải đảo để kiến nghị bộ, ngành Trung ương ban hành cơ chế phù hợp hơn. Cụ thể là làm rõ chồng chéo giữa Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Biển, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, làm rõ thẩm quyền giao khu vực biển, giao đất có mặt nước biển cho doanh nghiệp thực hiện dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt trong khu vực 160ha của vịnh Nha Trang.
Việt Nam có một vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, có bờ biển dài 3.260km, với 28 tỉnh, thành có biển. Để phát triển du lịch biển, nhiều địa phương đang đề nghị hướng dẫn cụ thể việc giao, cho thuê đất có mặt nước ven biển theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/1/2015 và giao khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo quy định tại Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ. |
Giáng Thăng
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền