Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiệm vụ để quá hạn 4 tháng mà “không đẻ được thì hỏng”!

Thứ ba, 22/11/2016 - 06:23

(Thanh tra)- Ngày 21/11, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT). Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, nhiệm vụ để quá hạn 4 tháng rồi mà "không đẻ được thì hỏng”!

Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tại Bộ NN&PTNT. Ảnh: Thảo Nguyên

Chậm do anh hay do ả, bao giờ thì xong?

Tính đến ngày 10/11/2016, Bộ NN&PTNT nhận được 503 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ đã hoàn thành 352 nhiệm vụ; 23 nhiệm vụ thường xuyên đã và đang được Bộ chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 128 nhiệm vụ đang giải quyết, trong đó có 14 nhiệm vụ quá hạn.

Báo cáo về việc Đề án Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở một số nước quá hạn 4 tháng 21 ngày tính đến thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nêu một số khó khăn: Năm 2016, Tổng cục Thủy sản tập trung mọi nguồn lực giải quyết hậu quả sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung và xâm ngập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… Dự kiến hết năm 2016 sản xuất thủy sản sẽ đạt và vượt kế hoạch, khoảng 7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Ông Oai cho rằng, đây là đề án khó. Để bảo đảm tính khả thi cao cần có thời gian, như cần thêm thời gian nghiên cứu quy định của các nước sở tại mà Việt Nam dự định hợp tác như Malaysia, Indonesia… cơ chế chính sách về vốn hỗ trợ ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Ngắt lời Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: Tổ Công tác đi kiểm tra nhiệm vụ quá hạn, Bộ nêu nguyên nhân chậm, lý do chậm.  “Chậm do anh hay do ả, tới bao giờ thì xong, chứ Tổ Công tác không đi kiểm tra và nghe giải trình nội dung”, Bộ trưởng Dũng nói và lưu ý, những đề án chậm đều là do Bộ NN&PTNT đề xuất chứ không phải từ phía Chính phủ, nên trong tư duy đều phải chuẩn bị hết.

Đề án này chậm 4 tháng 21 ngày, rồi Đề án Xây dựng hệ thống thông tin nghề cá chậm 2 tháng 21 ngày, Nghị định thay thế Nghị định 53/2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về lĩnh vực thủy sản chậm 1 tháng 21 ngày.

Chậm thêm 1 năm là không được

Ông Oai tiếp tục giải trình: “Đề án xin chậm lại tới tháng 6/2017 và đã báo cáo Bộ trưởng và Bộ trưởng đã báo cáo Văn phòng Chính phủ”.

“Như thế là chậm 8 tháng nữa. Không ổn. Giao tháng 6/2016 phải báo cáo, trình, mà xin chậm thêm 1 năm là không được”, Tổ trưởng Tổ Công tác Mai Tiến Dũng không hài lòng.

Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản giải thích lại, đây là đề án rất khó, các nước xây dựng cũng phải 2 - 3 năm. Do đề xuất ban đầu chưa tính toán hết mức độ phức tạp của đề án này, sau khi xem xét lại thì để đảm bảo khả thi cần thêm thời gian nghiên cứu.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, chúng ta không thể ngồi đây quy định tàu này sang Indonesia, tàu này đi Malaysia được. Có kéo dài thêm thời gian cũng không giải quyết được. Không thể để việc ban hành đề án này đóng khung các vấn đề khác.

Theo ông Mai Tiến Dũng, cần tính toán lại thời gian đẩy nhanh tiến độ lên. Nếu báo cáo Chính phủ nhiệm vụ này kéo dài thêm 1 năm thì chắc chắn không được đồng thuận. Còn có vướng gì, khó gì, Văn phòng Chính phủ giúp Bộ đôn đốc các bộ, ngành góp ý, thẩm định để hoàn thành sớm.

“Người ta 9 tháng 10 ngày đẻ rồi, mình đã quá hạn hơn 4 tháng rồi mà không đẻ được thì hỏng”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Ông Oai hứa nghiên cứu nhưng vẫn nói đây là đề án rất khó và xin tới cuối tháng 6/2017 hoàn thành.

Nghe vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gay gắt nói: “Nhiệm vụ này Chính phủ giao từ 26/11/2015, còn vài ngày nữa là tròn 1 năm mà vẫn chưa hoàn thành. Cái này là do trách nhiệm của anh, tại sao các vụ khác không tồn đọng, chắc chắn là có vấn đề. Anh để sót trong tủ không làm, chứng tỏ anh không quan tâm đến cái này”.

Cuối cùng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chốt là cuối quý I/2017 phải xong đề án này.

Sẽ khởi tố vụ làm giả hơn 800 giấy lưu hành

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ truyền đạt 7 vấn đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý, yêu cầu Bộ NN&PTNT giải trình, làm rõ thêm. Đó là, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Liên quan đến việc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản làm giả hơn 800 giấy lưu hành sản phẩm thức ăn chăn nuôi và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường… Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu Bộ làm rõ, nếu vi phạm pháp luật phải khởi tố, chứ không phải xử lý nội bộ.

Giải trình vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã phát hiện và chủ động chỉ đạo các đơn vị xử lý quyết liệt. “Chúng tôi đã chủ động chứ không phải khi báo chí phản ánh thì mới vào cuộc xử lý vụ việc này”, Chánh Thanh tra Bộ khẳng định.

Theo Chánh Thanh tra Bộ, hiện Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng và trong thời gian gần nhất sẽ khởi tố vụ án này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh thêm, 7 vấn đề Thủ tướng đặt ra là những nhiệm vụ rất lớn, cả hệ thống cần phối hợp thực hiện, riêng ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục, triển khai quyết liệt đầu tiên để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Còn 14 nhiệm vụ quá hạn, chiếm 2,9% tổng số nhiệm vụ được giao, Bộ sẽ tập trung đôn đốc. Rút kinh nghiệm, từ năm 2017 sẽ lựa, việc gì thiết thực, có điều kiện thì Bộ đề xuất còn "nhờ nhờ" thì không đề xuất, tránh “dọc đường lại lúng túng”.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm