Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Nghèo cùng cực” ở Việt Nam giảm mạnh, chỉ còn 2%

Thứ tư, 19/12/2018 - 15:03

(Thanh tra) - Bà Caitlin Wiesen, quyền đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ca ngợi, tiến độ Việt Nam đạt được trong giảm nghèo là “thành công ở tầm thế giới”.

Bà Caitlin Wiesen, quyền đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc

Ngày 19/12, UNDP, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp công bố báo cáo phân tích về nghèo đa chiều ở Việt Nam: "Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để bảo đảm cuộc sống có chất lượng cho mọi người".

Báo cáo cho thấy, Việt Nam đã đạt được những “tiến bộ ấn tượng” trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 1 (SDG 1) "Giảm nghèo ở mọi chiều cạnh và ở mọi nơi".

Tỷ lệ nghèo cùng cực đã giảm mạnh từ 49,2% năm 1992 xuống còn 2% trong năm 2016. Tỷ lệ nghèo đa chiều cũng giảm đáng kể khi có khoảng 6 triệu người thoát nghèo.

“Thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc về chỉ số SDG năm 2018, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017”, bà Caitlin Wiesen thông tin và ca ngợi tiến bộ này là “thành công ở tầm thế giới”.

Theo bà Caitlin Wiesen, những thành công mà Việt Nam đạt được là nhờ tăng trưởng bao trùm giúp tạo công ăn việc làm cho người dân; các dịch vụ xã hội cơ bản được tiếp cận tương đối công bằng.

“Các chương trình mục tiêu, chính sách bảo trợ xã hội đã giúp người nghèo nhất và dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế, chất lượng cuộc sống”, quyền đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định.

Mặc dù vậy, nghèo đói vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Tỷ lệ nghèo đa chiều ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2016 của dân tộc Kinh là 6,4%, tỷ lệ này ở một số nhóm dân tộc thiểu số cao hơn nhiều, ví dụ tỷ lệ của dân tộc H'Mong là 76,2%, Dao 37,5% và Khmer 23,7%.

Khoảng cách nghèo đói theo các chiều về chi tiêu, thu nhập, giáo dục và tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng trong giai đoạn nghiên cứu 2012-2016.

Báo cáo cũng cho thấy các hộ nghèo đa chiều có người khuyết tật được tiếp cận ít hơn so với cơ hội giáo dục và việc làm so với mức trung bình của cả nước.

Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết thêm, tháng 4 vừa qua Ngân hàng Thế giới công bố tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm mạnh, nhưng các kết quả điều tra cũng chỉ ra nhiều thách thức khi vùng dân tộc thiểu số chiếm 14% dân số lại chiếm 50% nghèo cả nước.

Vậy tại sao cùng một chính sách, nơi thực hiện tốt, nơi vẫn nghèo? Theo ông Hùng, vấn đề này cần phải nghiên cứu, suy nghĩ để thiết kế lại chính sách bảo đảm phù hợp để không ai bị bỏ lại phía sau.

Từ góc độ của nhóm nghiên cứu, bà Phạm Minh Thu nhấn mạnh, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường minh bạch, chống tham nhũng để có thêm nguồn lực cho giảm nghèo và kiềm chế gia tăng bất bình đẳng.

Cùng với đó, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để tăng năng suất, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất.

“Cần có sự hỗ trợ chuyên biệt đối với các hộ kinh doanh và người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giúp họ tăng cường kết nối với thị trường quốc tế và trong nước, nhất là các đô thị thông qua các công nghệ số và các nền tảng của thương mại điện tử, du lịch… qua đó có thể bán các sản phẩm, dịch vụ của địa phương có nhiều tiềm năng”, bà Thu nêu.

Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cũng lưu ý, cần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân và áp dụng công nghệ 4.0 vào trong quá trình sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân góp phần xóa đói giảm nghèo.

“Việt Nam có thể tiếp tục giảm nghèo thành công hay không phụ thuộc vào khả năng bảo đảm tăng trưởng bao trùm tạo công ăn việc làm tốt hơn cho người dân và hỗ trợ hiệu quả những người bị bỏ lại xa nhất”, bà Caitlin Wiesen nói.

Quyền đại diện thường trú UNDP tin tưởng, với cam kết của Chính phủ, sự sáng tạo của người dân, Việt Nam sẽ tiếp tục “đi đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo”.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm