Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành sản xuất và công nghệ cao lên ngôi

Thứ năm, 24/01/2013 - 15:28

(Thanh tra) - Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2013, do tình hình kinh tế vẫn còn rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) thu hẹp sản xuất nên nhu cầu nhân lực nhiều ngành sẽ giảm mạnh về số lượng. Thị trường lao động sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều biến động và quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động. Tuy nhiên, ngành sản xuất và công nghệ cao sẽ lên ngôi.

Theo kết quả khảo sát mới công bố của Viện Nhân lực Ngân hàng - Tài chính (TCNH) đưa ra khảo sát về cung - cầu nhân lực của ngành, trong năm 2013 sẽ có khoảng 32.000 sinh viên chuyên ngành TCNH ra trường, nhưng chỉ có khoảng 20.000 sinh viên được các tổ chức TCNH tuyển dụng. 12.000 sinh viên còn lại sẽ phải làm công việc trái với chuyên môn.

Sau TCNH, chứng khoán và bất động sản cũng là 2 ngành được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra tình trạng giảm lương, cắt thưởng, điều chuyển công việc, cắt giảm nhân sự. Riêng ngành bất động sản, nhu cầu tuyển dụng tiếp tục giảm khoảng 50% so năm 2012. Ngành xây dựng cũng không khá hơn với mức giảm 49%. 

Khảo sát lương Việt Nam 2012 đưa ra dự báo: Trong năm 2013, sẽ có 29% DN không có nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới và 3% DN sẽ cắt giảm nhân sự. Bên cạnh đó, chỉ còn 68% DN quyết định tuyển dụng thêm nhân viên so với con số 75% của năm 2012. Tuy nhiên, trong năm 2013, ngành sản xuất và công nghệ cao sẽ tiếp tục dẫn đầu trong việc tăng lương (với mức tăng là 13,7%), kế đến là dược phẩm và hóa chất (13,1%). Đây cũng là những ngành không chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế và vẫn hoạt động khá ổn định trong giai đoạn hiện nay. Do đó, nhiều DN vẫn sẵn sàng trả lương cao để thu hút nhân lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Riêng trong quý I/2013, nhu cầu lao động sẽ tập trung vào lao động phổ thông (43%) cho các ngành sản xuất, chế biến như: Dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, nhựa - bao bì, xây dựng.

Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giao dịch việc làm (GDVL) Hà Nội cho biết, năm 2012, khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tới các DN Việt Nam, nhất là các DN sản xuất, gia công hàng xuất khẩu do bị giảm đơn hàng đã buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động giảm đáng kể. Bên cạnh đó, hiệu quả kết nối cung - cầu lao động tại phiên GDVL thể hiện qua tỷ lệ lao động được tuyển dụng năm 2012 là 22,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ này không ổn định và phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN.

Còn, tại TP HCM, năm nay, nhu cầu tuyển lao động phổ thông của dệt may - giày da, chế biến thực phẩm, nhựa - bao bì, xây dựng, cơ khí, điện tử… tăng, nhưng không nhiều như các năm trước. Marketing - kinh doanh - bán hàng và du lịch - nhà hàng - khách sạn - dịch vụ là 2 lĩnh vực có nhu cầu nhân lực nhiều nhất. Ngành tài chính đứng thứ 6, khi nhu cầu chỉ có 6,5%. TP HCM cần khoảng 65.000 việc làm trong quý I/2013, trong đó có khoảng 43% nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông. Sang tháng 2/2013 là thời điểm bắt đầu năm làm việc mới sau Tết Nguyên đán, thông thường đây là thời điểm biến động nhân sự rất lớn do một lượng lớn lao động về quê ăn Tết và không trở lại TP. Nhưng, theo nhận định chung, lực lượng lao động TP sẽ ổn định, không thiếu hụt nghiêm trọng như các năm trước.

Được biết, Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như huy động sự tham gia của tất cả các ngành, đoàn thể xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước, DN, trường đào tạo và xã hội vào công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hạn chế nghịch lý mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ, phát triển DN vừa và nhỏ, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống để thu hút nhiều lao động.


Thanh Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm