Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năng suất lao động 3 ngành “lõi” Việt Nam xếp sau Campuchia

Thứ ba, 08/05/2018 - 17:12

(Thanh tra) - Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam vẫn rất thấp, thậm chí, 3 ngành “lõi” là “công nghiệp chế biến chế tạo”, “xây dựng”, “vận tải, kho bãi, truyền thông” cũng xếp sau Campuchia…

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TN

Sáng 8/5, diễn ra Hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế năm 2018 “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất”.

11 năm, năng suất tăng hơn 22 triệu đồng/lao động

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - PGS.TS Nguyễn Đức Thành, (thành viên nhóm tác giả báo cáo) cho hay, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng NSLĐ.

NSLĐ bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017.

Tính trung bình giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế có NSLĐ ở mức cao là các ngành “Khai khoáng, Sản xuất và phân phối điện, khí”, “Hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm”, “Hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ”, “Hoạt động kinh doanh bất động sản”, “Cung cấp nước”.

“Công nghiệp chế biến chế tạo” có NSLĐ chưa cao và ngành “Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản” vẫn nằm trong số các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.

Đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia), NSLĐ của Việt Nam thấp nhất trong các nước so sánh, kể cả Campuchia, ở 3 ngành “Công nghiệp chế biến chế tạo”, “Xây dựng”, “Vận tải, kho bãi, truyền thông”.

“Các ngành lõi của nền kinh tế Việt Nam có NSLĐ thấp nhất, đây là điều rất đáng lo ngại”, ông Thành nhấn mạnh.

NSLĐ của Việt Nam xếp gần cuối, chỉ cao hơn Campuchia ở các nhóm ngành: “Nông nghiệp,” “Điện, nước, khí đốt”, “Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa”.

Ngược lại, Việt Nam có NSLĐ cao hơn một số nước trong ba nhóm ngành: “Khai mỏ và khai khoáng”, “Tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng”, “Dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân”.

Theo các chuyên gia, để tăng NSLĐ, cần có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là lao động trong nhóm ngành Nông nghiệp và Công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo việc lao động dịch chuyển từ nhóm ngành có NSLĐ thấp (Nông nghiệp) sang nhóm ngành có NSLĐ cao hơn (Công nghiệp chế biến, chế tạo, Dịch vụ) có thể đảm nhiệm công việc tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn.

Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao NSLĐ trong các ngành.

“Nếu không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Campuchia về NSLĐ nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện NSLĐ của các ngành kinh tế”, ông Thành nhận định.

Lương tăng nhanh hơn năng suất lao động

Báo cáo thường niên cũng đưa ra nhận định, tốc độ tăng lương trung bình năm (6,7%) vẫn vượt quá tốc độ tăng năng suất lao động (5%) trong giai đoạn 2004-2015 (đặc biệt sau năm 2009).

Theo loại hình sở hữu, tăng trưởng tiền lương đã vượt mức tăng NSLĐ của các doanh nghiệp FDI, nhưng thấp hơn mức tăng NSLĐ của các doanh nghiệp Nhà nước. Đối với doanh nghiệp tư nhân, tăng trưởng lương trung bình khá sát với mức tăng NSLĐ.

Theo quy mô doanh nghiệp thì lương trung bình tăng nhanh hơn NSLĐ trên tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp.

“Việc tiền lương tăng nhanh hơn tăng trưởng NSLĐ nhìn chung làm giảm tỷ lệ lợi nhuận, kéo lùi tốc độ tích lũy vốn của khu vực doanh nghiệp, và tương ứng với đó là mức tạo việc làm. Đồng thời, sức cạnh tranh của nền kinh tế giảm cả trên phương diện thị trường lao động và của khu vực doanh nghiệp nội địa”, Viện trưởng VEPR nói.

Nói chung, khi lương tối thiểu tăng, khu vực tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó. Các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và đồ nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc.

Đáng lưu ý, một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động khác như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư vào trang thiết bị, cho thấy có thể nhà đầu tư lo ngại giá lao động tăng trong dài hạn có thể khiến các ngành này mất sức cạnh tranh và do đó đã bắt đầu thoái lui đầu tư…

Khuyến nghị từ các tác giả báo cáo là điều chỉnh lương tối thiểu cần được thực hiện phù hợp với tăng trưởng NSLĐ. Và Chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy NSLĐ như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kết hoạch trung và dài hạn.

Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở NSLĐ. "Nếu không có sự cải thiện vững chắc của NSLĐ mà chỉ nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn", nhóm tác giả báo cáo nhấn mạnh.

NSLĐ của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng khoảng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan.

Theo các chuyên gia, nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao NSLĐ trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.

Lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm