Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 13/11/2020 - 06:34
(Thanh tra)- Đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn cho ngành Du lịch, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay lao động nghề du lịch vừa thiếu về lượng, yếu về chất, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành.
Lao động nghề du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Ảnh minh họa: Internet
Thiếu và yếu đủ thứ
Những năm gần đây, du lịch Việt Nam có bước tiến ngoạn mục, được ghi nhận trên bản đồ du lịch thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16% so với năm 2018; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6% so với năm 2018). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỉ đồng (tăng trên 16% so với năm 2018).
Cũng trong năm 2019, Việt Nam còn nhận được nhiều giải thưởng du lịch toàn cầu như: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, điểm đến golf tốt nhất thế giới 2019, điểm đến hàng đầu châu Á, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.
Các chuyên gia kinh tế và du lịch nhận định, trong những tháng đầu năm 2020, du lịch Việt Nam gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song chắc chắn sau khi dịch bệnh kết thúc, ngành Du lịch sẽ có bước phục hồi nhanh chóng. Chính vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập là rất cần thiết.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mỗi năm ngành Du lịch cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên, học viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm. Trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng cho biết, du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực và bày tỏ lo ngại nếu không nhanh chóng cải thiện, nhân sự sẽ trở thành nút thắt lớn của ngành Du lịch trong quá trình phát triển sắp tới.
Đặc biệt, lao động Việt Nam còn thiếu và yếu về ngoại ngữ, các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong. Chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là lao động nghề du lịch - nguồn nhân lực tạo nên chất lượng của sản phẩm/dịch vụ đã, luôn và cần là mối quan tâm của ngành cũng như của toàn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển của nền kinh tế tri thức, hội nhập và định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết, theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, số lượng lao động ngành Du lịch cần năm 2020 là trên 3 triệu người, trong đó hơn 1 triệu là lao động trực tiếp.
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030, ngành du lịch sẽ tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp. Như vậy, thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục cần lượng lớn lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp dịch vụ lĩnh vực du lịch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, con số này khó có thể khả thi và cần có chiến lược phát triển phù hợp. Bên cạnh thiệt hại nặng nề về kinh tế và sự giảm sút số lượng rõ rệt của nguồn nhân lực du lịch mà khả năng phục hồi trong tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chất lượng lao động nghề du lịch cũng rất đáng lo ngại
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, chất lượng lao động nghề du lịch ở Việt Nam cũng rất đáng lo ngại. Trong giai đoạn 2015- 2019, chỉ có 45% lao động nghề đã qua đào tạo, chưa kể trong số đó sẽ còn những số lượng lao động nhất định chưa đạt yêu cầu, đủ để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp du lịch; 55% lao động còn lại thiếu kỹ năng, nghiệp vụ dẫn đến hiện trạng tất yếu là chất lượng lao động trong nhóm này không đáp ứng được yêu cầu của nghề.
Từ thực tế sử dụng lao động, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải - Vietravel cho biết, một trong những điểm yếu lớn nhất của nhân lực lao động trong ngành du lịch Việt Nam hiện nay là thiếu và yếu kỹ năng nghề. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ yếu là nhược điểm lớn cần khắc phục.
Trong đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch đang tồn tại nghịch lý, sinh viên mới ra trường thiếu kinh nghiệm nên không được doanh nghiệp kí hợp đồng lao động, để có việc làm họ phải làm “chui” trong khi đó HDV có kinh nghiệm được các công ty lữ hành tranh nhau mời gọi thì họ lại không muốn kí hợp đồng lao động vì sợ bị trói buộc về thời gian và mối quan hệ.
Mặt khác, các HDV này lại không đạt được trình độ đại học nên họ không được cấp thẻ HDV… khiến cho nguồn nhân lực tuy đông về số lượng nhưng thiếu chất lượng.
Mặt khác, công tác đào tạo hiện nay vẫn chủ yếu đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường mà chưa theo quy chuẩn chung của tiêu chuẩn nghề du lịch (VTOS) đã được ban hành. Chỉ có 8/500 chương trình đào tạo của Việt Nam liên kết nước ngoài liên quan đến du lịch.
Đa phần HDV chỉ được đào tạo chuyên về tiếng Anh, mà thiếu trầm trọng các thứ tiếng hiếm. Điều này bắt buộc các doanh nghiệp lữ hành phải lựa chọn giải pháp cho du khách nghe thuyết trình bằng tiếng Anh hoặc dùng máy phiên dịch với chi phí đắt đỏ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lữ hành còn chọn thuê các HDV “chui” tiếng hiếm từ nước ngoài để giảm chi phí.
Chuẩn hóa hệ thống đào tạo nghề du lịch
Trước thực trạng trên, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, việc đào tạo lao động nghề du lịch gặp nhiều khó khăn do thiếu chính sách, tuyển sinh cũng khó vì tâm lý của người dân vẫn là thích học đại học hơn là học nghề.
Để giải quyết vấn đề này, ngành Du lịch cũng đã tiến hành xây dựng, chuẩn hóa hệ thống đào tạo nghề du lịch đáp ứng tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia tương đương văn bằng để triển khai thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP). Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án châu Âu (EU) - ESRT, hệ thống đào tạo nghề du lịch bao gồm hệ thống tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) được duy trì bền vững và bao trùm toàn ngành Du lịch.
Cần phải liên kết “3 nhà” gồm Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo cần thay đổi, bổ sung vào giáo án, giáo trình các món ăn của các nước mà thị trường đang cần, để đáp ứng phục vụ đón khách quốc tế đa dạng hơn.
Đặc biệt, ngay từ khâu đào tạo nhân lực du lịch cần khắc phục không xảy ra tình trạng có HDV du lịch còn chưa thuộc bài, chưa hiểu rõ về lịch sử một vùng đất, diễn biến một sự kiện, điểm hấp dẫn của một đặc sản địa phương để giới thiệu đến du khách.
Bên cạnh đó tăng cường đào tạo về ngoại ngữ, tin học đáp ứng cho môi trường mới, kinh doanh online hậu Covid-19.
Đồng thời, các trường đại học cần nghiên cứu xây dựng giáo trình/giáo án dựa trên tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo du lịch phù hợp với yêu cầu tại Việt Nam; các trường cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp đang hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch để tạo ra môi trường cho sinh viên có cơ hội thực hành nhiều hơn, khi ra trường các sinh viên có thêm kinh nghiệm trong công việc.
Ngoài ra, các trường đào tạo ngành Du lịch cần chú trọng thực hành và đầu tư hơn về ngoại ngữ cho sinh viên, nhất là các ngoại ngữ hiếm như: Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Indonesia... Bởi khi sinh viên được tiếp cận nhiều ngôn ngữ trong nhà trường, khi ra trường, các em sẽ không còn bỡ ngỡ với các ngôn ngữ hiếm.
Mặt khác, đề xuất Tổng cục Du lịch và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp nhanh chóng xây dựng và ban hành các chuẩn kiến thức kỹ năng cho tất cả các ngành nghề trong du lịch, tương ứng với trình độ đào tạo, đảm bảo tiếp cận chuẩn khu vực ASEAN để thực hiện thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP).
Đồng thời cần xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho từng nghề. Ban hành quy định về hệ thống đảm bảo chất lượng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, cần chuẩn hoá và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giảng dạy nghề du lịch, xây dựng giáo trình đầy đủ và chuẩn mực, cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, vận dụng công nghệ thông tin (cách mạng 4.0) trong giáo dục nghề du lịch…
Thái Hải
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chiều 13/12/2024, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn đã đi thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở thành phố Nam Định và huyện Nam Trực.
Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024N. Phê
10:24 13/12/2024Trần Quý
Lê Hữu Chính
Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn