Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nguyễn Điểm
Thứ ba, 13/02/2024 - 06:30
(Thanh tra) - Nếu có ai hỏi tôi rằng, Hà Nội có điều gì đặc biệt, tôi sẽ trả lời đó chính là những con ngõ. Vì sao ư? Bởi khi sống ở Hà Nội đủ lâu, người ta sẽ phát hiện ra rằng những thứ thú vị nhất không chắc đã phô bày trên mặt tiền những con phố. Ngõ Hà Nội có nhiều chuyện để kể, dệt ra nét thực của đời sống phố thị với những phận đời, phận người...
Những con ngõ tuy không rộng nhưng lại mở ra cả một không gian sống. Người dân trong ngõ tận dụng từng khoảng không gian ít ỏi để bán nước, vài quán trà nho nhỏ, nơi mọi người thủ thỉ cùng nhau câu chuyện mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Điểm
Những con ngõ đi vào văn chương
Trong những lần lang thang Hà Nội, tôi thường chọn đi với nhà văn Nguyễn Văn Học. Anh là người Hà Nội và cũng rất mực chuyên tâm nghiên cứu về những nét lạ chốn kinh kỳ. Nhà văn Nguyễn Văn Học bảo tôi, phố Hà Nội tua tủa ngõ hai bên, len lỏi đan nhau như xương cá. Tất cả cộng sinh với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Anh cũng quả quyết rằng, mỗi ngõ nhỏ Hà Nội đều lưu giữ hồn xưa trong đó. Sống ở Hà Nội, giữa chốn đô thị phồn hoa nhưng chỉ cần chuyên tâm để ý từng chút một là có thể cảm nhận được sự diệu kỳ song rất đỗi đời thực đó.
Không chỉ nhà văn Nguyễn Văn Học đưa ra góc nhìn như vậy. Nói về các con ngõ nhỏ thân thương của đất Hà thành, nhà văn Băng Sơn, một người cả đời dành những trang viết cho Hà Nội cũng đã từng đưa ra những lời chan chứa tình cảm cho ngõ phố: “Xin một lần ghé thăm để đừng quên là Hà Nội vẫn còn nhiều ngõ nhỏ rất riêng Hà Nội, như tâm hồn ta vẫn còn những khoảng sâu lắng đôi khi mới có dịp lần giở đến...”.
Hoặc như nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cũng từng thống kê, một thứ tìm tòi và kiểm định rất chân thực về ngõ. Ông thống kê được trên phố Bạch Mai có 25 ngõ, trong đó có 22 ngõ có tên và 3 ngõ là số. Phố Khâm Thiên có tới 32 ngõ và chỉ 2 ngõ là số, còn lại là ngõ có tên. Ngõ chợ Khâm Thiên, con ngõ lớn nhất của phố Khâm Thiên bây giờ lại có 23 ngõ với 9 ngõ có tên…
Dĩ nhiên, những thống kê của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chỉ sơ lược ở trên địa bàn nhất định. Nhưng chừng đó cũng đủ để thấy rằng Hà thành chất chứa trong lòng biết bao con ngõ chằng chịt. Và hẳn nhiên, ở nhiều góc độ xem xét thì có thể coi ngõ là một “đặc sản” riêng có của Hà Nội.
Tôi từng có thời điểm đứng tần ngần cả giờ đồng hồ trước ngõ Tạm Thương chỉ vì tên gọi đầy nhấn nhá của ngõ. Từ Hàng Bông nhộn nhịp, rẽ vào ngõ Tạm Thương, tôi chợt có cảm giác như bước vào một thế giới khác khi những âm thanh ồn ào của phố thị dường như được bỏ lại sau lưng. Con ngõ nhỏ mang tên Tạm Thương từng nổi danh vì có đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan và tích truyền miệng về chuyện tình của mấy người lính trạm xa nhà cùng những cô gái hay... thương người. Ngõ chỉ kéo dài vỏn vẹn vài trăm mét, nhưng ở đây tôi như thấy được một thế giới thu nhỏ. Ngõ có chợ, có hàng quán, có người bán nước và có cả những cụ ông mải mê với từng nước đi của cờ tướng để quên bẵng thời gian.
Nhắc đến ngõ Tạm Thương, tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên khi qua đây. Đại ý, nhà thơ khi qua Tạm Thương chỉ nghe đến tên đã không nỡ dằn lòng cất bước. “Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương/Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/Thương một đời đâu phải Tạm Thương”. Đó là ngõ Tạm Thương trong thơ ca, ở đời thực, Tạm Thương trở nên nhộn nhịp từ khoảng 5giờ chiều đến tận 12giờ đêm. Tạm Thương được biết đến như một phố ẩm thực với món ngon trứ danh nhất là nem chua rán và rượu ngâm. Lại nói về nem chua rán, thức quà này được bán ở Tạm Thương khác xa với nem chua đến từ xứ Thanh. Nghe người trong ngõ bảo, tất cả những đặc sản này là họ đặt và tự làm. Nghe đâu công đoạn làm ra nem chua cũng nhiều. Ban đầu, người ta xay thịt và bì lợn, trộn với một ít bột, đem nặn thành hình. Khi nào khách yêu cầu thì mới rán. Nem này không ủ nên không có vị chua chua đậm đà như nem Thanh Hóa, nhưng nó thơm và ngậy hơn.
Là ngõ có nhiều quán ăn, nhưng theo cảm quan của tôi thì Tạm Thương khá văn minh. Bởi nếu như ăn uống là môi trường dễ dẫn đến ứng xử lộn xộn, không đảm bảo văn minh thì ngõ Tạm Thương lại khác. Những quán ăn nơi đây, thực khách vẫn trò chuyện nhưng âm lượng cũng rủ rỉ và mềm mại. Xe cộ để trước ngõ cũng gọn gẽ, hạn chế nhất việc gây ảnh hưởng đến lối đi chung. Mọi thứ trong ngõ như đọng lại với thời gian bởi nhìn con ngõ nhỏ dường như thấy được sự lịch thiệp, bình dị và chậm rãi của người Hà Nội xưa.
Ngõ đâu chỉ là ngõ
Sống ở Hà Nội cũng ngoài chục năm, không biết mọi người ra sao, nhưng riêng tôi lại thích cảm giác được nằm trong căn phòng nhỏ xíu trên tầng gác để dõi mắt theo ánh nắng chiếu rọi và để lắng nghe những tiếng rao từ ngõ. Tiếng rao lơ lớ “ai bánh rán, bánh mỳ, bánh ngọt đây”, “ai ngô luộc đây”... như một bản thanh âm dịu dàng được cất lên từ cuộc sống. Ít ai biết, những tiếng rao khắp những con ngõ nhỏ ấy đã nuôi sống bao phận đời, phận người.
Tôi biết bà Nguyễn Thị Hòa, quê ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa - một vùng ngoại thành xa của Hà Nội cũng được 3-4 năm nay. Bà Hòa mưu sinh bằng nghề bán ngô luộc. Quanh năm suốt tháng, chỉ với chiếc xe đạp, chất sau là một thúng đầy những bắp ngô nếp thơm ngọt được bọc kỹ, bà Hòa len lỏi rao bán ngô bên những con ngõ nhỏ. Nhìn người phụ nữ ấy, tôi đoán bà tuổi ngoài 50, trông hiền lành và lam lũ. Ban đầu tưởng khó gần, nhưng khi trò chuyện mới biết, đó là người phụ nữ vui tính. Bà bảo, nhờ những thúng ngô luộc, nhờ sự chăm chỉ đi quanh các con ngõ mà bà nuôi dạy được 4 người con ăn học nên người, rồi còn dựng vợ, gả chồng tươm tất. Giờ con cái có công việc, gia đình đàng hoàng, gánh nặng cơm áo cũng ít hơn, các con cũng không muốn bà phải bươn trải nhiều nữa, thay vào đó là ở nhà vui vầy. Các con nói thì đành nghe, nhưng như một thú vui, bà Hòa vẫn bán ngô mỗi sớm. Bà bảo tôi rằng, bản thân làm cho vui chứ không nặng về tiền bạc. Không được đạp xe đi các ngõ, được làm việc mình thích là bà thấy nhớ. Cuộc sống thật kỳ lạ. Ngõ nuôi sống biết bao con người và cũng khiến người ta nhớ da diết.
Lang thang qua những ngõ nhỏ, tôi phát hiện ra rằng ngõ tuy không rộng nhưng lại mở ra cả một không gian sống. Người dân trong ngõ tận dụng từng khoảng không gian ít ỏi để bán nước, vài quán trà nho nhỏ, nơi mọi người thủ thỉ cùng nhau câu chuyện mỗi ngày. Ngồi đây, lặng ngắm nhìn phố phường xe cộ ngược xuôi để thấy chính ngõ gọi về những xúc cảm dịu dàng, lắng đọng. Nét ẩm thực trong ngõ cũng là câu chuyện thú vị. Hà Nội còn vô số những con ngõ ẩm thực. Chẳng hạn, muốn ăn nem chua rán thì có thể ghé tới ngõ Tạm Thương; muốn ăn bún cá thì tới ngõ 10, số 8 Nguyễn Trung Trực; hoặc ai thích thưởng thức món bún ốc tóp mỡ thì có thể ngang qua ngõ Mai Hương (Bạch Mai); ăn bánh cuốn thì ghé ngõ Cấm Chỉ... Mỗi con ngõ lại được gắn định danh với một món đặc trưng rất Hà Nội.
Trong vô số những ngõ đáp ứng được tiêu chí “ngon-bổ-rẻ” thì tôi thấy ấn tượng hơn cả với ngõ Đồng Xuân. Vì sao ư? Bởi chỉ là con ngõ nhỏ, nhưng khi ghé đến đây, dắt lưng 100.000 đồng là chiếc bụng đói có thể thỏa thuê tận hưởng vô vàn món ăn ngon. Ngõ nhỏ này được nối từ chợ Đồng Xuân sang phố Hàng Chiếu. Con ngõ nhỏ, hẹp dài chỉ chừng 200m, thế nhưng nơi đây hàng quán san sát nhau, bán đủ thứ và đủ món. Cứ tầm trưa đến chiều là ngõ không khi nào là ngơi khách. Mỗi ngày ngõ thu hút cả ngàn lượt khách tây lẫn khách ta, từ người dễ chiều đến khó tính. Đến ngõ Đồng Xuân, tôi ấn tượng hơn cả là món bún ốc Thúy. Ngay từ đầu ngõ, nếu nhắc đến quán này hẳn ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn, bởi bún ốc ở đây đặc biệt ngon. Vị ngon không chỉ bởi ốc béo giòn và thứ nước dùng nấu dấm bỗng thanh chua nhẹ nhàng, mà còn đặc trưng với món chuối đậu ăn kèm. Có một điểm dễ nhận ra là dù kinh doanh trong ngõ nhỏ nhưng người bán đều “ăn nên làm ra”. Ở trong ngõ, không cần quảng cáo nhiều, những nếp ăn được lan tỏa theo đúng kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, ăn ngon thì thực khách tự tìm đến.
Rời ngõ, tôi hòa mình vào dòng người hối hả với nhịp mưu sinh, chợt nghĩ đến câu nói của nhà văn Nguyễn Văn Học, anh bảo rằng, nếu nhìn phố phường rực rỡ ánh đèn, nhà cao tầng san sát chen lấn, người ta mới chỉ thấy hình ảnh hào nhoáng bên ngoài của Hà Nội. Còn muốn lắng nghe những ân tình, muốn thu nhận lời thì thầm của hồn cốt Hà thành, hãy đến và hòa vào từng con ngõ nhỏ, phố nhỏ. Phải chăng đúng, hồn người Hà Nội trong ngõ.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
T.Thanh
13:44 12/12/2024(Thanh tra) - Hà Nội sẽ hạn chế hoặc cấm lưu thông với nhiều phương tiện chạy bằng xăng dầu gây ô nhiễm cao vào vùng phát thải thấp. Thí điểm trước tiên ở 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.
Hải Hà
12:08 12/12/2024Trần Lê
10:32 12/12/2024Thu Nga
21:26 11/12/2024Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024N. Phó
Thu Huyền
Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh