Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Lan tỏa tinh thần chuyển đổi số năm 2024 tại Hà Giang

Bùi Bình

Thứ ba, 08/10/2024 - 12:56

(Thanh tra) - Năm 2024, tỉnh Hà Giang đã thực hiện những bước tiến lớn trong hành trình chuyển đổi số, tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong quản lý hành chính, phát triển kinh tế. Tinh thần chuyển đổi số đã được lan tỏa mạnh mẽ thông qua sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và người dân, biến thách thức thành cơ hội và thúc đẩy quá trình hiện đại hóa trên toàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cùng các đại biểu đã nhấn nút công bố Kiến trúc Chính quyền số phiên bản 3.0 và Nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của tỉnh Hà Giang. Ảnh: Phi Anh

Sáng ngày 8/10, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị Bàn giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số năm 2024, với chủ đề “Lan tỏa tinh thần chuyển đổi số Hà Giang”.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, thời gian qua, chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh, đạt được nhiều kết quả thiết thực, nổi bật trên cả ba trụ cột chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phi Anh

Về chính quyền số được xây dựng dựa trên nền tảng chính quyền điện tử đã và đang phát triển vững chắc. Với việc đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống thông tin, tích hợp dữ liệu và kết nối liên thông, Hà Giang hiện đang đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đã đạt 82%, trong khi tỷ lệ hồ sơ có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt trên 90%.

Việc áp dụng mô hình họp không giấy tờ và hoàn thiện Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 3.0 đã giúp tỉnh nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động cơ quan Nhà nước, đồng thời giảm thiểu thời gian và chi phí cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ công.

Trong lĩnh vực kinh tế, tỉnh Hà Giang đã ghi nhận những thành tựu nổi bật. 100% các hộ sản xuất nông nghiệp đã có tài khoản trên sàn thương mại điện tử, giúp các sản phẩm nông sản đặc trưng như cam sành, mật ong bạc hà... dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Đồng thời, các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được đăng tải và quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, mang lại doanh thu ổn định cho các hộ nông dân.

Tỉnh Hà Giang cũng đã triển khai thành công mô hình chợ 4.0, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trung tâm huyện, xã, giúp minh bạch hóa giao dịch và tạo môi trường kinh doanh hiện đại hơn. Với tỷ lệ dân số trên 15 tuổi có tài khoản giao dịch điện tử đạt trên 80%, Hà Giang đã trở thành một trong những địa phương tiên phong trong chuyển đổi số lĩnh vực kinh tế.

Hà Giang cũng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng xã hội số, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công nghệ và các dịch vụ số. Hiện nay, 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã có cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ thôn được phủ sóng điện thoại di động đạt 98,9%, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ viễn thông hiện đại.

Việc thúc đẩy truyền thông số, đặc biệt là thông qua các nền tảng mạng xã hội, đã giúp tinh thần chuyển đổi số lan tỏa rộng rãi, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của công nghệ. Tỷ lệ người dân trưởng thành sở hữu điện thoại thông minh đạt 90,9% và tỷ lệ có tài khoản định danh và xác thực điện tử đạt 78,6% là minh chứng rõ rệt cho sự thay đổi trong tư duy và lối sống của người dân địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng chỉ ra một số thách thức và hướng đi trong tương lai, trong đó, việc thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin, hạ tầng số chưa đồng bộ, và nguồn lực tài chính hạn chế là những trở ngại lớn. Tuy nhiên, tỉnh đang tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa, phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện hạ tầng số.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao chỉ số chuyển đổi số, đặc biệt là phát triển chính quyền số và các sáng kiến trong lĩnh vực y tế, giáo dục, sản xuất kinh doanh. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh cần xây dựng một mô hình kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính quyền và các chuyên gia nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra toàn diện và sâu rộng hơn.

Ông Trần Minh Tân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược thông tin truyền thông chia sẻ thông tin tại hội nghị. Ảnh: Phi Anh

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Minh Tân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược thông tin truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho hay, Hà Giang là một trong những tỉnh đầu tiên phê duyệt kiến trúc 3.0 với quan điểm “dữ liệu số là tài nguyên, là tư liệu sản xuất mới cần được khai thông, giải phóng tiềm năng để tạo ra giá trị mới, thúc đẩy chuyển đổi số”. Trong phát triển chuyển đổi số, dữ liệu trở thành tài nguyên quan trọng và phải đồng bộ trên cả nước, việc Chính phủ định hướng xây dựng dữ liệu quốc gia hết sức quan trọng.

Qua đó, cho thấy, một trong những nội dung quan trọng của quá trình chuyển đổi số là việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Trong cơ quan Nhà nước, cơ sở dữ liệu gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia; cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương (chuyên ngành/lĩnh vực) và cơ sở dữ liệu khác.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang trình bày kết quả thực hiện Đề án 06. Ảnh: Phi Anh

Phát biểu tham luận, ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho biết, Đề án 06 đã góp phần quan trọng trong việc xác thực, làm sạch dữ liệu, cập nhật dữ liệu các ngành, đoàn thể, phục vụ hiệu quả công tác chuyển đổi số, của cách hành chính và các giao dịch khác. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, triển khai Đề án 06 tỉnh Hà Giang đã hoàn thành 40/83 nhiệm vụ được giao trong năm 2024. Kết quả tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ giải quyết trực tuyến đạt 89,8%, tăng 6,2% so với năm 2023; tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt tỷ lệ 99,1%, tăng 1,4% so với năm 2023…

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang và Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông đã ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Phi Anh

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi về các giải pháp nhằm thu hút nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương; các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nâng cao chỉ số đánh giá chuyển đổi số của tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo; sáng kiến, giải pháp then chốt thực hiện Kiến trúc Chính quyền số tỉnh Hà Giang, phiên bản 3.0; đề xuất cơ chế, mô hình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền, các chuyên gia trong chuyển đổi số…

Tinh thần chuyển đổi số tại Hà Giang trong năm 2024 không chỉ là sự thay đổi trong cách quản lý, sản xuất và sinh hoạt mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân. Với những thành công đã đạt được, Hà Giang đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong công cuộc số hóa, hướng đến mục tiêu xây dựng một tỉnh Hà Giang thông minh, hiện đại và phát triển bền vững trong tương lai.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm