Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không quốc gia nào “hóa rồng, hóa hổ” mà không có ngành công nghiệp điện tử

Hương Giang

Thứ tư, 24/04/2024 - 21:19

(Thanh tra) - Một nghiên cứu gần đây cho thấy, không có bất kỳ quốc gia nào “hóa rồng, hóa hổ” mà không có ngành công nghiệp điện tử, ngành công nghiệp chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: N.Bắc

Chiều 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Nhân lực sẽ như nam châm hút nghiên cứu, sản xuất về Việt Nam

Ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh, theo người đứng đầu Chính phủ.

Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới phân bố và phát triển không đều, tập trung tại một số nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc).

Nhiều lý do khác nhau, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

“Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận và chỉ ra nhân lực là một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam.

Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn, theo Thủ tướng.

Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, với mục tiêu đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư bán dẫn.

Để thực hiện đề án này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có đào tạo nhân lực; thu hút chuyên gia và nhân tài; xây dựng cơ chế đặc thù cho đào tạo nhân lực ngành bán dẫn; đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo…

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: N.Bắc

Phân tích sâu hơn về lộ trình phát triển ngành bán dẫn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh phát triển công nghiệp bán dẫn phải đi cùng phát triển công nghiệp chủ lực và công nghiệp chuyển đổi số.

Theo ông Hùng, chip bán dẫn là đầu vào của ngành công nghiệp điện tử, ai làm chủ thị trường thiết bị điện tử mới thực sự làm chủ công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông dẫn chứng tất cả quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thành công về ngành công nghiệp bán dẫn đều có ngành công nghiệp điện tử phát triển.

“Một nghiên cứu gần đây cho thấy, không có bất kỳ quốc gia nào hóa rồng, hóa hổ mà không có ngành công nghiệp điện tử và gần đây còn có khái niệm về ngành công nghiệp chuyển đổi số. Nếu chúng ta chỉ làm chip bán dẫn sẽ phụ thuộc vào đầu ra, phụ thuộc vào người mua, chính là các doanh nghiệp thiết bị điện tử”, ông Hùng nói.

Ông nhấn mạnh, trước mắt cần xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030. Từ tháp nhân lực này tiến tới ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

“Tháp nhân lực sẽ như nam châm thu hút nghiên cứu, sản xuất về Việt Nam”, ông Hùng ví von.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đào tạo nhân lực cũng phải dựa trên tín hiệu thị trường, đặc biệt có các thỏa thuận doanh nghiệp và thảo thuận của các quốc gia.

Đào tạo nhân lực bán dẫn là “đột phá của đột phá”

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 trụ cột để ngành công nghiệp bán dẫn gồm: Xây dựng hạ tầng; hoàn thiện thể chế; đào tạo nhân lực; huy động nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái phát triển.

Ông cũng chỉ ra nhiều điều kiện, nền tảng, tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể phát triển nhân lực bán dẫn chất lượng cao.

Trong đó, về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Hòa Lạc và nhiều khu công nghệ thông tin tập trung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này (Viettel, VNPT, FPT, CMC…), có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực của những doanh nghiệp này.

Cạnh đó, Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

“Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000 -100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh phải coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Ông yêu cầu hoàn thiện thể chế cho đào tạo nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù; đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực bán dẫn.

Đi cùng với đó, phải đào tạo đội ngũ giáo viên; có phương thức đào tạo cả tiệm cận và đột phá, cả trước mắt và lâu dài; huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp…

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư rà soát, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với cơ chế, chính sách phù hợp; phối hợp với các địa phương trong triển khai; thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trong nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lên kế hoạch đào tạo nhân lực bán dẫn, xây dựng phương án hợp tác, chương trình, giáo trình, hướng dẫn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu mở thêm chuyên ngành…

Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp lĩnh vực chip bán dẫn; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ về ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được giao nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách giấy phép lao động cho người nước ngoài nhằm tạo điều kiện thu hút chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc trong ngành bán dẫn; nghiên cứu thúc đẩy hình thành thị trường lao động bán dẫn trong thị trường lao động nói chung.

Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chính sách xem xét và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về cơ chế tiết kiệm và chuyển tiền thuận lợi cho các chuyên gia quốc tế làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn; chính sách cho vay ưu đãi cho sinh viên để thu hút, khuyến khích học tập, nâng cao kỹ năng trình độ phục vụ công việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2025, tiếp tục xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên

Năm 2025, tiếp tục xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên

(Thanh tra) - Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) vừa quyết định trích 4,9 tỷ đồng từ Quỹ phúc lợi để triển khai chương trình xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa tại 13 tỉnh, TP khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong năm 2025. Mỗi căn nhà được hỗ trợ kinh phí 70 triệu đồng, giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách có nơi ở ổn định và kiên cố hơn.

Ngọc Phó

10:36 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm