Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hướng đi mới cho lao động bị thu hồi đất

Thứ sáu, 07/06/2013 - 07:20

(Thanh tra)- Triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 2 năm trở lại đây, huyện Hoài Đức đã tổ chức 45 lớp đào tạo nghề cho 1.339 LĐNT. Nhờ nắm bắt và đào tạo theo nhu cầu nghề làm két bạc và nấu ăn mà đa số học viên qua đào tạo đã có việc làm và thu nhâp ổn định.

Xưởng sản xuất két bạc của anh Đinh Văn Đích. Ảnh: Tràng An

Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, hầu hết các xã như: La Phù, An Khánh, Đức Thượng, Kim Chung… đều bị thu hồi một lượng lớn diện tích đất nông nghiệp phục vụ cho các dự án phát triển cụm công nghiệp, khu đô thị. Vì vậy, nhu cầu học nghề, tìm việc làm của LĐNT sau khi bị thu hồi đất trên địa bàn các xã khá cao.

Anh Đinh Văn Đích, thôn Đại Tự, xã Kim Chung, sau khi tốt nghiệp THPT đã đi làm thuê để nuôi sống bản thân và gia đình, song thu nhập bấp bênh, không ổn định. Từ năm 2011, khi Hội Phụ nữ xã mở lớp đào tạo nghề sản xuất két bạc trên địa bàn theo chủ trương của Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, anh Đích đã đăng ký tham gia. Sau khi hoàn thành khóa học, anh Đích mạnh dạn vay vốn mở xưởng sản xuất rộng 1.200m2, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo công ăn việc làm cho 15 lao động với mức lương khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo lãnh đạo huyện Hoài Đức, cùng với 60 học viên lớp sản xuất két bạc được đào tạo trong năm 2012, xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Hoài Đức mở nhiều lớp đào tạo như: Nghề may công nghiệp, thêu... giúp đào tạo hàng trăm lao động có việc làm tại địa phương. Đầu năm 2013 đến nay, xã tiếp tục nắm bắt nhu cầu và thị trường lao động địa phương để tổ chức lớp đào tạo dạy nghề chế biến món ăn.

Đến nay, sau 2 năm, huyện Hoài Đức đã tổ chức được 45 lớp đào tạo nghề cho 1.339 LĐNT. Đa số học viên qua đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng.

Theo ước tính, từ năm 2005 đến nay, huyện Hoài Đức có 1.437ha đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ cho 90 dự án kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Số hộ bị thu hồi đất nông nghiệp là 16.340 hộ nên lao động dôi dư rất lớn. Thế nhưng, "việc nắm bắt được nhu cầu nghề và mở các lớp đào tạo nghề phù hợp tập trung vào các nhóm nghề trồng nấm, trồng cây ăn quả, nấu ăn và một số ngành nghề cơ khí, tiểu thủ công nghiệp - vốn là những nghề gắn bó và phục vụ trực tiếp cho sản xuất của đa số người dân nên học viên không chỉ hào hứng theo học mà nghề đào tạo ra có việc làm ngay", bà Nguyễn Thị Kim Thư, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hoài Đức nói.

Tuy vậy, hiện nay, việc triển khai đào tạo nghề cho LĐNT còn gặp nhiều khó khăn vì thời gian đạo tạo 3 tháng quá ngắn để thành nghề. Hơn nữa, đầu ra cho lao động vẫn còn hạn chế và một số ngành nghề thu nhập thấp nên chưa thu hút được nhiều học viên.

 Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, các làng nghề cần có chính sách khuyến khích đội ngũ thợ giỏi, người lao động, doanh nhân trong các làng nghề truyền thống lập công ty, hợp tác xã để tổ chức sản xuất, xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, nhân cấy nghề mới ở các làng lân cận với các làng có nghề có khả năng mở rộng thị trường. "Có thị trường, tất yếu sẽ tạo ra nhu cầu cung cấp các sản phẩm và để có sản phẩm tốt, bên cạnh yếu tố khoa học, công nghệ, vai trò của nguồn nhân lực là quyết định của sự thành công. Đây là hướng đi của Hà Nội và sắp tới đào tạo nguồn nhân lực chắc chắn sẽ có khởi sắc mới", lãnh đạo Phòng Quản lý Đào tạo nghề khẳng định.

Tràng An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm