Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Huy Minh

Thứ năm, 04/11/2021 - 14:30

(Thanh tra) - Là tỉnh vùng cao, biên giới, Lào Cai có 25 dân tộc cùng chung sống; đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh, trong đó có 114 xã thuộc vùng khó khăn, DTTS.

Giúp đồng bào phát triển kinh tế là góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Những năm qua, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại đã để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe, tinh thần, môi trường giáo dục, kinh tế xã hội. Đặc biệt là làm suy giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS nói riêng và sự phát triển bền vững của tỉnh nói chung.

Mặc dù, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Lào Cai đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm trên 5%/năm. Các chính sách về an sinh xã hội, các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc được bảo tồn và phát huy; những tập quán lạc hậu trong đồng bào DTTS từng bước được cải tạo…

Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS vẫn là vùng khó khăn so với các vùng khác trong tỉnh; kết cấu hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển; mức sống và trình độ nhận thức của một bộ phận cư dân vùng đồng bào DTTS còn thấp; việc cải tạo các hủ tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc chưa triệt để. Trong đó có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Từ thực trạng này, Tỉnh uỷ đã quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU ngày 30/10/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

100% cấp ủy trực thuộc đã tổ chức quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; đồng thời cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với thực tế của từng địa phương, đơn vị. Hàng năm cấp ủy các cấp đều đưa nội dung công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Các địa phương đã xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nội dung quan trọng của công tác vận động quần chúng trong vùng đồng bào DTTS; qua đó góp phần từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông trên địa bàn.

Từ cấp tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gồm 26 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh là Phó ban Chỉ đạo. 9/9 huyện, thị, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo, 100% các xã đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Theo đó, triển khai ký cam kết việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cân huyết thống đối với chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; ký cam kết với ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng, các thôn, bản không xem ngày cưới, không tham gia tổ chức cho các cặp nam - nữ chưa đủ tuổi về ở với nhau như vợ chồng, không hôn nhân cận huyết thống; tăng cường công tác tuyên truyền cho các đối tượng, thành phần, từ đó lan tỏa trong các gia đình và trong cộng đồng dân cư.

Các bé gái ngày càng được quan tâm, chăm sóc

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành phối hợp triển khai xây dựng các “mô hình điểm” về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 05 xã của các huyện, thị xã, thành phố. Thông qua đó đã giúp cho các thành phần tham gia được chia sẻ, giao lưu, học hỏi nhiều kinh nghiệm hay để tuyên truyền, vận động nhân dân về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm trong việc thực hiện công tác này.

Trong thời gian qua, với các biện pháp cụ thể, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, phát hiện và xử lý 318 vụ, trong đó 313 vụ liên quan đến tảo hôn, 05 vụ liên quan đến hôn nhân cận huyết thống, xử lý hình sự 3 vụ về giao cấu với trẻ em. Tổ chức xét xử lưu động 53 vụ án liên quan đến hôn nhân và gia đình, trong đó có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Xác định nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS là một trong những giải pháp căn bản để đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Lào Cai đã quan tâm dành 60 - 65% nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc. Hạ tầng kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư nâng cấp; diện mạo nông thôn mới thay đổi với 61/127 xã hoàn thành nông thôn mới.

Công tác giáo dục tiếp tục được tăng cường và đạt được nhiều kết quả. Duy trì phổ cập giáo dục ở 100% xã, phường, thị trấn; 100% xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS được quan tâm, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng đồng bào DTTS. Các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào tiếp tục được bảo tồn và phát huy; việc cải tạo tập quán lạc hậu trong đồng bào đạt được kết quả tích cực.

Từ qua việc triển khai đồng bộ các chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 5%/năm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên rõ rệt, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy, tình trạng hôn nhân cận huyết thống của Lào Cai đã giảm đáng kể so với trước khi ban hành Chỉ thị 33. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn tiếp tục xảy ra và có chiều hướng gia tăng, chủ yếu ở đồng bào dân tộc Mông. Tình trạng phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con đã gây ra nhiều hậu quả lâu dài và nghiêm trọng cho cả gia đình, dòng họ và cả xã hội, là trở lực ngăn cản sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ thực tế đó, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ công tác này vào Nghị quyết của các cấp ủy đảng, chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của các cấp chính quyền và các đoàn thể chính trị- xã hội tại địa phương; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Nghiên cứu, rà soát toàn diện các chế tài xử lý đối với việc phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và có tính răn đe. Triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Chỉ đạo các tổ chức hội cơ sở tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các uy ước, hương ước của thôn, bản, dòng hộ trong vùng đồng bào DTTS. Xây dựng hệ thống người có uy tín, già làng, trưởng bản, thầy mo, thầy cúng, đội ngũ cán bộ tuyên truyền… nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức và cải tạo tập quán lạc hậu trong các dân tộc, dòng họ. Đây cũng được xác định là quá trình bền bỉ, lâu dài để cùng nhau xây dựng nếp sống mới, nâng cao chất lượng sống.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm