Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Giã từ hệ lụy đắng cay

Đức Tuyền

Thứ ba, 18/10/2022 - 15:29

(Thanh tra)- Đồng bào dân tộc ở tỉnh Nghệ An đến nay vẫn chưa thể quên được câu chuyện đầy ám ảnh về một người bố vì quá cần tiền mà đã bán con sang biên giới hay bạn thân sẵn sàng bán bạn mình…

Tuyên truyền cho trẻ em nữ dân tộc thiểu số về pháp luật liên quan đến buôn bán người

Hoàn cảnh sống khó khăn và đặc biệt mơ hồ về kiến thức pháp luật đã tạo ra những hệ lụy cho đồng bào dân tộc thiểu nơi đây. Tuy nhiên bằng việc nâng cao nhận thức nên đến nay tình trạng này đã được cải thiện.

Phạm tội do kém hiểu biết

Tỉnh Nghệ An có nhiều huyện vùng sâu vùng xa như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. So với trước đây, đời sống của bà con đã ổn định hơn, nhiều hộ đã thoát nghèo. Bên cạnh đó vẫn có những hộ dân làm không đủ ăn và con cái lớn lên luôn có mong ước được rời bỏ quê hương để đổi đời. Khát vọng lớn nhưng hiểu biết xã hội, kiến thức về pháp luật lại gần như không có nên đã đưa nhiều người vào những hệ lụy đáng tiếc với con đường tội lỗi buôn bán người hay trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người qua biên giới.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Nghệ An phát hiện, giải cứu và đưa trở về địa phương 3 phụ nữ mang thai vượt biên sang nước ngoài bán con.

Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, đặc thù về vị trí địa lý, dân số đông, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế khó khăn là những yếu tố khách quan dẫn đến nạn mua bán người ở huyện biên giới Kỳ Sơn trong những năm qua vẫn luôn nhức nhối.

Đầu tháng 10/2021, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan, giải cứu thành công cháu Lô Thị May C. (SN 2005), trú tại xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn khi cháu bị bán sang bên kia Trung Quốc cho một người đàn ông bản địa từ cách đây 2 năm về trước. Ngay khi vừa trở về địa phương, nạn nhân đã đứng ra tố cáo những kẻ đang tâm bán mình sang bên kia biên giới để nhận về 120 triệu đồng, trong đó chủ mưu không ai khác chính là bố đẻ và dì ruột của chính mình.

Tại tòa, người bố khai nhận, do bị bệnh nên phải nhập viện, trong lúc túng quẫn không có tiền chữa bệnh nên đã liên hệ với Lô Thị Căm, trú tại bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm tìm cách để bán con gái Lô Thị May C. sang Trung Quốc lấy tiền.

Hay một trường hợp khác, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người bạn thân cùng quê, La Thị Hiền đã nhẫn tâm lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng với số tiền 240 triệu đồng. Để rồi sau khi chịu muôn vàn cay đắng, tủi nhục nơi xứ người, chị này đã bỏ trốn được về Việt Nam, tố cáo hành vi của Hiền lên cơ quan công an. Tại phiên tòa, bị cáo La Thị Hiền bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi và thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bị cáo khai rằng, trước đó, do bạn muốn sang Trung Quốc nhằm “đổi đời” nên nghĩ giúp đỡ bạn. Sau khi bị bắt, được nghe phân tích từ cơ quan điều tra, bị cáo mới biết rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật.

Cũng liên quan đến việc nạn nhân được giải cứu trở về từ bên kia biên giới sau đó đứng ra tố cáo người đã bán mình, từ tiếp nhận trình báo của Lương Thị L. (SN 1996), trú tại xã Phà Đánh bị đối tượng Lương Thị Hoa (SN 1979), trú cùng xã lừa bán sang Trung Quốc cách đây mấy năm về trước, Công an huyện Kỳ Sơn đã vào cuộc, sau đó khởi tố vụ án, bắt tạm giam Lương Thị Hoa về hành vi mua bán người.

Một trường hợp khác, lợi dụng cháu L. cần tìm việc làm, Lương Thị Hoa trú cùng xã đã lừa cháu xuống thành phố làm việc an nhàn, hưởng lương cao, nhưng thực chất đưa cháu vượt biên trái phép sang Trung Quốc bán cho một người bản địa với giá 90 triệu đồng. Ngay khi trở về địa phương, L. đã tố cáo kẻ đang tâm bán mình ra trước pháp luật.

Qua những vụ việc trên, có thể thấy điểm chung của các đối tượng và nạn nhân đều ở trong cảnh túng quẫn vì nghèo khó, bệnh tật và khao khát được đổi đời. Tuy nhiên, do không có kiến thức về pháp luật mà những đối tượng mua bán người hồn nhiên phạm lỗi, biến người thân của mình thành những món hàng. Chị Lương Thị Hoa sau khi phạm tội và bị phạt tù từng bày tỏ: Biết việc bán người là không được phép, là sai, có lỗi với người thân của mình nhưng bản thân không thể hiểu hết những việc làm của mình vi phạm vào điều luật nào, phải chịu hậu quả trừng trị của pháp luật ra sao. Để đến khi bị công an vây bắt, đứng trước tòa và nghe tòa phân tích mới hiểu ra những việc làm nguy hiểm của mình. Nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà cả gia đình con cái, bố mẹ…

Hay một nạn nhân từng chịu ảnh tủi nhục bên xứ người cũng bày tỏ, không ngờ khi rời xa quê hương là bước tới địa ngục. Cuộc sống làm vợ của một người xa lạ trong một gia đình hoàn toàn không cùng ngôn ngữ với bao nhiêu tủi khổ là nỗi ám ảnh suốt cuộc đời. Thoát khỏi được địa ngục chị xem đó là bài học cay đắng để nói cho các em, cho bạn bè mình ở quê biết, từ đó mà từ bỏ, tránh xa những lời dụ dỗ ngon ngọt.

Loại bỏ vấn nạn

Để kìm giảm vấn nạn mua bán người, các địa phương ở miền Tây Nghệ An, cùng với công tác đấu tranh với tội phạm, lực lượng công an tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, vận động người dân tham gia đấu tranh tố giác tội phạm. Cùng với đó, phối hợp tổ chức gặp gỡ các nạn nhân bị mua bán trở về để tư vấn, động viên, giúp đỡ hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Ở góc độ người dân, Thượng tá Trần Văn Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.

Khi có nhu cầu đi làm việc ngoài địa phương, người dân cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán. Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.

“Mọi người dân khi phát hiện hành vi buôn bán người hãy thông báo cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất. Mọi người cần ý thức rõ dù nhỏ tuổi hay đã trưởng thành bản thân đều được hưởng quyền công dân, quyền con người, do vậy nếu bản thân bị chính người thân trong gia đình gả bán, hãy liên lạc với công an, chính quyền, hội phụ nữ hoặc các tổ chức xã hội khác để được giúp đỡ” - Thượng tá Trần Văn Hùng lưu ý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm