Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Để dịch xảy ra, Bí thư Quận ủy, Huyện ủy phải chịu trách nhiệm

Thứ sáu, 13/03/2020 - 21:56

(Thanh tra) - Chiều 13/3, Thường trực Thành ủy Hải Phòng họp trực tuyến với các Quận ủy, Huyện ủy về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay thành phố có thể trang bị, huy động các cơ sở y tế phục vụ cách ly tập trung như: Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 để cách ly 1.000 người, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh, Trường Đại học Hải Phòng cách ly 1.000 người, Trường Quân sự thành phố tại huyện Thủy Nguyên cách ly được 180 người.

Các quận, huyện huy động 1.033 điểm tại các trường học, nhà nghỉ, khách sạn có thể cách ly được hơn 10.000 người.

Như vậy trên địa bàn thành phố có thể huy động cách ly được tối đa hơn 13.000 người.

Sở Y tế báo cáo kịch bản chi tiết khi có dịch xảy ra, trong trường hợp có dưới 300 người nhiễm bệnh, ngành Y tế sẽ bố trí điều trị cho 250 người tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, 50 người tại Bệnh viện Trẻ em.

Trong trường hợp có hơn 300 người nhiễm bệnh, thành phố sẽ chuyển số người cách ly tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 về cách ly tại tuyến quận, huyện.

Sau khi bổ sung trang thiết bị, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 sẽ tiếp nhận điều trị được 1.000 người, Bệnh viện Y học cổ truyền sẽ tiếp nhận điều trị 500 người.

Thành phố sẽ huy động Bệnh viện Kiến An là bệnh viện dã chiến, có thể tiếp nhận điều trị được 1.000 người.

Ngoài ra, ngành Y tế dự kiến huy động các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng, Bệnh viện Green, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Y học Hải quân, Bệnh viện 203, Bệnh viện Công an, Bệnh viện Đại học Y Dược và huy động 1/3 số giường bệnh hiện đang điều trị nội trú của tuyến quận, huyện.

Tổng số giường bệnh toàn ngành Y tế là hơn 8.000 giường bệnh, nếu tận dụng tối đa có thể được gần 10.000 giường bệnh.

Trong đó, có thể bố trí tối đa được 5.000 giường bệnh cho nhóm bệnh nhân Covid-19.

Hiện nay, thành phố huy động trang bị được khoảng 183 máy thở, trang bị thêm 17 máy theo Nghị quyết 11/2020/NQ-HĐND thì sẽ đáp ứng được nhu cầu điều trị cho cấp độ 200 – 300 người bệnh.

Nếu có trên 300 người bệnh, sẽ thực hiện đầu tư trang thiết bị theo gói đầu tư dự phòng đã được HĐND thành phố thông qua.

Về nhân lực, nhân lực trong toàn ngành Y tế của thành phố là 13.794 người, trong đó có hơn 2.000 bác sĩ.

Bên cạnh đó, thành phố có thể trưng dụng sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng và Trường Cao đẳng Y Dược của thành phố.

Thông tin tại cuộc họp, đại diện các lực lượng vũ trang khẳng định sẵn sàng huy động hỗ trợ tối đa cho thành phố về nhân lực, phương tiện, đồng thời lên phương án trưng dụng một số cơ sở để phục vụ cách ly, chữa bệnh trong công tác phòng chống dịch; tập trung lực lượng để phục vụ cho công việc khoanh vùng, nắm chắc tình hình, vận động nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực cách ly.

Trước những diễn biến phức tạp phát sinh, đại diện các lực lượng đề nghị thành phố tăng cường hỗ trợ trang bị về vật tư y tế, chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ người đến từ vùng dịch, đã từng đi qua vùng dịch.

Quản lý chặt chẽ các đối tượng là công dân nước ngoài đến thành phố theo đường du lịch nhưng ở lại tham gia giảng dạy ngoại ngữ, công dân thành phố và người thân ở nước ngoài hoặc đi nước ngoài về.

Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành chủ trì hội nghị phát biểu

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cảm ơn các cơ quan của Bộ Quốc phòng như Quân khu 3, Tư lệnh Hải quân sẵn sàng các điều kiện, vào cuộc cùng thành phố chống dịch; cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và thành phố đã tích cực đồng hành cùng hệ thống chính trị thành phố, nhân dân thành phố trong tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua.

Bí thư Thành ủy cho biết hôm nay thành phố triển khai hội nghị để toàn thành phố vận hành ngăn chặn để không có dịch xảy ra trên địa bàn, nếu có xảy ra thì sử dụng các lực lượng để khoanh vùng, không lan rộng dịch, kiểm soát được tình hình.

Thành phố luôn phải cảnh giác cao trước diễn biến của dịch để có biện pháp đối phó kịp thời.

Bí thư Thành ủy đề nghị cả hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở phải vào cuộc bằng những kế hoạch, chương trình, hành động cụ thể.

Các Bí thư quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy về việc phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

Nếu địa phương để dịch xảy ra, Bí thư Quận ủy, Huyện ủy, Chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm.

Nếu để dịch lan rộng sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quận, huyện.

Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể đến từng người dân, trước hết tới Bí thư, Chủ tịch các xã, phường, thị trấn, trên cơ sở đó họp triển khai tới các thôn, tổ dân phố; quán triệt tới người dân để người dân tự phòng ngừa, cảnh giác phòng bệnh, vận động người dân hạn chế ra ngoài, khai báo khi có người thân đi từ nước ngoài hoặc từ vùng dịch về.

Lãnh đạo thành phố phải làm gương để phòng bệnh dịch, ban hành quy định hướng dẫn các cơ quan, ban ngành, địa phương đeo khẩu trang trong cơ quan làm việc, hạn chế tổ chức, tham gia các hoạt động liên hoan, tập trung đông người.

Liên quan tới các hoạt động vui chơi, giải trí, cấm các nhà hàng, vũ trường, quán karaoke hoạt động từ 22 giờ đến 05 giờ hàng ngày.

Lãnh đạo UBND thành phố vận động các sân gôn tạm dừng hoạt động để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Để chuẩn bị các giải pháp trong trường hợp xuất hiện ca dương tính, Bí thư Thành ủy đề nghị các địa phương cụ thể hoá tương tự như cấp thành phố về giải pháp y tế, xây dựng kịch bản mẫu cụ thể về nhân lực, phương tiện, giải pháp khoanh vùng, chống dịch.

Về trang thiết bị, giao các ngành Y tế, Tài chính chủ động chuẩn bị trước khẩu trang, quần áo bảo hộ, thuốc sát trùng.

Liên quan đến chuẩn bị hàng hoá, lương thực thực phẩm phòng chống dịch, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải làm việc với các đơn vị sản xuất trực tiếp, đàm phán giá cả ở mức thấp nhất, không thông qua các đầu mối thương mại để giảm tối đa chi phí.

Mọi cấp ngành đổi mới tư duy trong mua sắm, xác định nguồn ngân sách dành cho phòng, chống dịch là nguồn tiết kiệm từ chi tiêu ngân sách, là sự hy sinh quyền lợi của nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, nên khi triển khai phải tiết kiệm tối đa, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Kim Thành

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm