Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đau đầu sắp xếp cán bộ

Thứ sáu, 27/07/2018 - 06:35

(Thanh tra)- Sau hợp nhất, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của Hà Nội lên đến hơn 100 nghìn người, trong đó có 1 nghìn cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Chất lượng cán bộ lại không đồng đều, một số sở có quá nhiều cấp phó, chưa kể trụ sở làm việc của các cơ quan phân tán…

Toàn cảnh Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Internet

Tháng 5/2008, với gần 93% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết 15 điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và các tỉnh.

Lời giải nào cho bài toán rất khó

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chia sẻ, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 15, bối cảnh lúc đó có nhiều thuận lợi nhưng cũng có muôn vàn thách thức, trong đó có cả tâm lý lo ngại, băn khoăn. Nhưng đến nay, cho thấy chủ trương hợp nhất là rất đúng đắn.

"Nếu như không mở rộng vào thời điểm đó thì bây giờ Hà Nội có đủ không gian, nguồn lực để phát triển thành Thủ đô văn minh, hiện đại như ngày nay không?", ông Phạm Quang Nghị nêu.

Theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, sau khi mở rộng, khối lượng công việc cần giải quyết của thành phố là vô cùng lớn, nếu tổ chức thực hiện không bài bản, khoa học thì dù chủ trương có đúng cũng khó thành công.

"Chính sự chủ động, sáng tạo, tự nguyện, kể cả "hy sinh" của đội ngũ cán bộ và rất trong sáng trong công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, không có tư tưởng cục bộ địa phương, sáng suốt lựa chọn việc gì làm trước việc gì làm sau trong lúc bộn bề như vậy... nên Hà Nội đã đạt được thành công như ngày nay", ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: TN

Đi cụ thể vào việc sắp xếp cán bộ, ông Nguyễn Công Soái, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội cho hay, 10 năm trước, khi hợp nhất, số lượng cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội lên đến hơn 100 nghìn người, trong đó có 1.000 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Đáng nói, chất lượng, trình độ cán bộ không đồng đều, thậm chí nhiều cán bộ sở, ngành chưa được đào tạo cao cấp, trung cấp chính trị… dẫn đến việc sắp xếp cán bộ vô cùng khó khăn. “Việc này động chạm đến tư tưởng của hàng trăm con người”, ông Soái nói.

Để giải bài toán rất khó này, Hà Nội xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, phải tiến hành khẩn trương, bài bản, công tâm, khách quan với phương châm tiếp nhận nguyên trạng, sắp xếp không gây xáo trộn, giữ vững sự ổn định, bảo đảm cả hệ thống chính trị vận hành thông suốt, hiệu quả.

Phương án bố trí cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được bàn bạc và thống nhất cao trong tập thể, giúp cho công tác bố trí, phân công công tác kịp thời.

Theo ông Soái, nguyên tắc sắp xếp được đưa ra là, cán bộ trong Thường trực Thành ủy và Tỉnh ủy khi mở rộng do Trung ương sắp xếp và bố trí. Cán bộ trong Ban Thường vụ Thành ủy đến các sở, ngành do Thành ủy sắp xếp, bố trí theo hướng một trưởng giữ nguyên, một xuống làm phó hoặc điều động sang nhận nhiệm vụ khác.

Vượt lên tất cả là sự tôn trọng, nhường nhịn

Với việc sắp xếp như vậy, cán bộ được điều chuyển sang làm nhiệm vụ khác hoặc từ cấp trưởng xuống làm cấp phó cũng có tâm tư. Song Thành ủy làm chủ động, công khai, dân chủ và vì việc chung nên đã giải tỏa được tâm tư.

“Vượt lên tất cả, với sự tôn trọng lẫn nhau, nhường nhịn nhau, nên các tầng lớp cán bộ, công chức đã cùng chung tay xây dựng Thủ đô mở rộng có kết quả như ngày hôm nay. Việc sắp xếp hàng nghìn cán bộ như thế nhưng không có đơn thư khiếu nại lên Trung ương và thành phố”, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội nhận định.

Hà Nội cũng tiến hành rà soát, lựa chọn danh sách cán bộ cần luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận. “Hầu hết cán bộ thuộc diện luân chuyển, điều động không muốn xuống quận, huyện. Tuy nhiên, sau khi xem xét từng hoàn cảnh cụ thể, các cán bộ thuộc diện luân chuyển đã nghiêm túc thực hiện”, ông Soái nói.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Công Soái: Ảnh: TN

Là 1 trong số 54 người được luân chuyển đợt đầu, từng là giám đốc một sở của tỉnh Hà Tây (cũ), ông Khuất Văn Thành hiện là Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chia sẻ, việc luân chuyển rất nhẹ nhàng, thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, ý thức trách nhiệm cao và kết quả đã rất thành công.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Thành ủy Hà Nội cho thấy, từ sau hợp nhất mở rộng địa giới hành chính đến nay, TP đã luân chuyển được 213 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, trong đó nhiều cán bộ đi luân chuyển đã phát huy tốt khả năng, năng lực, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao và đã được bổ nhiệm, bố trí giữ chức vụ cao hơn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng được quan tâm. Trong 10 năm, 3.597 cán bộ tốt nghiệp cao cấp chính trị, 19.824 cán bộ tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị. Chưa kể, khi hợp nhất, chỉ có 80% cán bộ chủ chốt phường, thị trấn; 30 - 50% cán bộ, công chức xã đạt trình độ đại học, đến nay đã hoàn thành mục tiêu 100% cán bộ, công chức phường, thị trấn và 80% cán bộ, công chức xã đạt trình độ đại học trở lên.

“Đây là con số rất ấn tượng sau khi thực hiện Nghị quyết 15”, nguyên Phó Bí thư Thành ủy đánh giá và nói thêm, “khi hợp nhất, đội ngũ cán bộ rất hùng hậu, nhưng sau 10 năm đã giảm tương đương như những tỉnh, thành khác, bộ máy vẫn hoạt động đồng bộ, hiệu quả. Điều đó cho thấy việc tinh giản biên chế theo lộ trình là hoàn toàn chính xác”.

Trên đà những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xác định rõ người, rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, cá nhân…

Mất ngủ vì cắt, giảm sĩ quan, quân nhân Sau khi công bố Nghị quyết 15, Quân khu Thủ đô với Ban Chỉ huy Quân sự TP Hà Nội và Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây sáp nhập thành 1, đổi tên là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Thiếu tướng Phùng Đình Thảo: Ảnh TN   Thời điểm đó, ông Phùng Đình Thảo đang là Đại tá, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thủ đô được bổ nhiệm là Thiếu tướng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Nhận nhiệm vụ mới, công việc đầu tiên ông cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô bắt tay vào thực hiện là sắp xếp lại lực lượng. Khi đó có khoảng 1.000 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng (trong đó khoảng 500 thượng tá, đại tá) dôi dư. “Nói thật, cứ nghĩ đến việc giải quyết quân số dôi dư khiến cả tuần tôi không ngủ được, sụt mất mấy cân”, Thiếu tướng Phùng Đình Thảo nhớ lại. Từ những trăn trở đó, sau khi bàn bạc, cân nhắc, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô đưa ra 4 hướng giải quyết. Hướng thứ nhất, những người đủ tuổi về hưu thì sắp xếp để nghỉ hưu; hướng thứ 2, với người được sắp xếp nghỉ theo Nghị định 21 (nghỉ hưu trước thời hạn); hướng thứ 3, đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương điều đi đơn vị khác; hướng thứ 4, sắp xếp ở lại Bộ Tư lệnh Thủ đô. “Quá trình sắp xếp lúc đó dù gian truân nhưng được sự giúp đỡ của lãnh đạo cấp trên và anh em trong Bộ Tư lệnh Thủ đô nên đến tháng 12/2008, mọi việc đã ổn định. Thời gian sau đó tôi cũng thảnh thơi vì nhiệm vụ khó khăn nhất mình đã vượt qua”, ông Thảo chia sẻ và cho biết thêm, quá trình sắp xếp cũng có một số anh em tâm tư, gửi tin nhắn chia sẻ những khó khăn vất vả mà họ gặp phải. Điều đó khiến ông suy nghĩ trong công tác cán bộ phải làm minh bạch, rõ ràng, cùng thảo luận với cấp trên, cấp dưới để giải quyết vấn đề.

Sau rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, Hà Nội giảm được 59 phòng, ban với 39 cấp trưởng, 143 cấp phó phòng, ban trực thuộc các sở, ngành. Giảm được 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở. Giảm 27 ban quản lý dự án, 2 quỹ với 30 cấp trưởng, 69 cấp phó. Toàn TP giảm được 1.549 biên chế.

Trong 10 năm qua, Thành ủy và cấp ủy các cấp đã kiểm tra 24.039 lượt tổ chức Đảng và 54.268 đảng viên, giám sát 11.280 lượt tổ chức Đảng và 30.910 đảng viên.

Công tác kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm được chú trọng.

Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 167 tổ chức Đảng và 7.018 đảng viên, giải quyết 199 trường hợp khiếu nại kỷ luật Đảng. Qua đó, góp phần giữ gìn kỷ luật, kỷ cương và sự đoàn kết trong Đảng…


Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm