Theo dõi Báo Thanh tra trên
Xuân Trường
Thứ tư, 27/07/2022 - 17:30
(Thanh tra) - Dải đất hình chữ “S” trải dài từ Bắc tới Nam, chỉ trong vòng 50 năm của thế kỷ 20 đã trải qua 4 cuộc chiến tranh khốc liệt bảo vệ Tổ quốc. Không có một nơi nào là không có người lính ngã xuống, nghĩa trang hiện hữu khắp nơi để đón các anh, chị; ru các anh, chị yên nghỉ ngàn thu nơi đất mẹ. Kỳ lạ thay, có một vùng đất linh mà duy nhất ở đó không có liệt sỹ hy sinh.
Toàn cảnh làng văn hóa Tân Lập, trái tim Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Ảnh: XT
Đất linh “Thủ đô kháng chiến”
Trải qua 2 cuộc chiến tranh trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ, để rồi “hơn 30 năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông”, đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, cả nước cùng chung nhịp đập trái tim.
Tuy nhiên, kẻ thù “buộc ta ôm cây súng”, từ tháng 12/1978 - 9/1979 lực lượng Khmer đỏ đánh phá các tỉnh dọc biên giới Tây Nam nước ta, chúng đốt phá nhiều làng mạc, giết hại dã man nhiều đồng bào ta.
Ngày 17/2/1979, tiếng súng lại vang lên trên bầu trời biên giới phía Bắc Tổ quốc chống lại quân bành trướng xâm lược.
Trên khắp mọi miền quê hương Việt Nam từ Bắc đến Nam, nơi đâu cũng có sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ, tiếng khóc của người con mất cha, nỗi đau người vợ mất chồng và càng không thể thống kê đầy đủ có bao nhiêu nghĩa trang liệt sỹ tĩnh lặng đón các anh yên nghỉ.
Kỳ lạ thay, vẫn còn duy nhất một ngôi làng mà hàng trăm người lính ra trận, nhưng không một ai hy sinh trong chiến đấu. Đây là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam không có liệt sĩ. Đó là làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Người già ở đây kể rằng, theo phong tục, mỗi khi gia đình có người con chuẩn bị lên đường nhập ngũ, gia đình đều chuẩn bị chu đáo một mâm lễ trịnh trọng và mang ra đình làng Tân Trào thắp hương cầu khấn các vị thần linh che chở, phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, tránh được đạn bom, bình an trở về.
Người dân ở đây tin rằng, họ được các vị thần linh thiêng trong ngôi đình Tân Trào phù hộ nên tất thảy các chiến sĩ ra trận đều may mắn trở về mặc cho thương tật dù có nặng đến đâu. Một sự may mắn đến kỳ lạ, hy hữu.
Ngày 16 và 17/8/1945, Đình Tân Trào chính là nơi Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh hội) đã lần đầu tiên khai mạc Đại hội Đại biểu quốc dân (tiền thân của Quốc hội Việt Nam).
Đại hội tiến hành họp và phát động tổng khởi nghĩa vũ trang, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, trong đó điểm đầu tiên là phải “giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập” và lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch (Phó Chủ tịch là đồng chí Trần Huy Liệu).
Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.
Chiều ngày 16/8/1945, dưới bóng cây đa Tân Trào lịch sử, lễ xuất quân của Quân Giải phóng Việt Nam, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến sang giải phóng Thái Nguyên, tiến về Hà Nội.
Đình Tân Trào được dựng nhìn về hướng Nam (theo nhiều tài liệu ghi chép thì hướng Nam là hướng mang lại nhiều may mắn, phúc lành nên các công trình kiến trúc tôn giáo hoặc tín ngưỡng đều chọn hướng này để cất dựng).
Trước mặt đình là núi Ao Rừm, dưới chân núi là dòng suối Khuôn Pén (Ngòi Thia). Đình được dựng với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quan để trống. Đình được dựng lên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Đình cũng là nơi tụ họp, sinh hoạt văn hóa chung của làng mỗi khi có lễ hội, công việc trọng đại.
Cho đến tận bây giờ, đình Tân Trào vẫn là nơi tôn nghiêm, linh thiêng nhất của cả làng. Bất cứ ai từ già, trẻ, lớn, bé trước khi làm một việc gì đó trọng đại hoặc đi đâu xa, hoặc cưới hỏi, ma chay đều ra đình thành tâm kính lễ.
Sự diệu kỳ của mảnh đất linh thiêng
Ông Nông Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Trào cho biết, trải qua các cuộc kháng chiến, xã có 8 thôn với 280 người tham gia chiến đấu (chống Pháp 2, chống Mỹ 56, còn lại là chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và biên giới phía Bắc). Cả xã có 10 thương binh, 7 bệnh binh, 10 người bị nhiễm chất độc hóa học. Xã có 31 liệt sỹ, duy nhất thôn Tân Lập không có liệt sỹ. Những thương binh như: Hoàng Văn Doãn, Xuyên Ngọc, Hà Văn Luyến, Đặng Quốc Việt, Viên Văn Hiển (chiến tranh bảo vệ biên giới); Nguyễn Đức Ân (chiến tranh chống Mỹ)... nhiều thương binh thoát chết đến khó tin.
Tính riêng làng Tân Lập có 104 thanh niên lần lượt lên đường ra trận. Tuy nhiên, theo thống kê cụ thể chỉ có 2 thương binh và 2 bệnh binh. Thương binh Hoàng Văn Doãn (78 tuổi) đã thoát chết kỳ diệu. Trong trận đánh dưới chân thành cổ Quảng Trị năm 1971, ông Doãn bị một viên đạn xuyên ngực, đầu đạn trồi ra phía sau lưng nhưng không chết. Thấy ông còn sống, đồng đội xé băng gạc nút lại vết thương, mỗi khi ông thở là máu lại phun bắn ra. Sau ca phẫu thuật lấy đầu đạn, bác sĩ cho biết đầu đạn “chạm tim”, sức nóng của đầu đạn đã làm cho màng tim gần đó bị xém lại, sâu chút nữa thì coi như… xong!
Ông Nông Văn Hoàng bộc bạch, sự thoát chết thần kỳ của thương binh ở vùng đất thiêng này còn nhiều và ly kỳ lắm, nếu muốn tìm hiểu kỹ có khi phải dành cả ngày.
Chiến tranh đã lùi xa, những đau thương mất mát của các gia đình thương binh, liệt sỹ đang được Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân khắc ghi, chia sẻ.
Định hướng đưa Tân Trào thành trung tâm phát triển du lịch
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền - Bí thư Huyện ủy Sơn Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho biết: Tân Trào là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang thực hiện xây dựng mô hình mẫu và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2014. Từ gần 600 hộ nghèo năm 2010, đến nay toàn xã chỉ còn gần 10 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Xã không còn nhà tạm, nhà cũ nát; 100% các trường học của xã được chỉnh trang, xây mới đạt chuẩn quốc gia; cả 8 thôn của xã đều có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng; gần 90% người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt trên 35 triệu/người/năm; an ninh trật tự - an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định.
Chị Nhung, cán bộ Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cho biết thêm: Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, chỉ trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, Khu Di tích đã đón tiếp gần 100 đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc đến thăm quan, dâng hương tri ân tại lán Nà Lừa, Khu Tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng.
Ngày 10/5/2012, với 138 di tích, cụm di tích trong Khu Di tích lịch sử Tân Trào được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là “Di tích Quốc gia đặc biệt”. Tân Trào đã và đang từng bước được quy hoạch và xây dựng thành trung tâm văn hóa đặc sắc; trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia, xanh, sạch, thân thiện, hấp dẫn mọi du khách trong nước và khách quốc tế. Đó là lời chia sẻ của Bà Âu Thị Mai - Đại biểu Quốc Hội, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...
Văn Thanh
12:44 22/11/2024(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.
Trần Trung
11:43 22/11/2024Thái Hải
11:24 22/11/2024Ngọc Phó
10:36 22/11/2024Kim Thành
21:13 21/11/2024Hoàng Nam
16:03 21/11/2024Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải
Văn Thanh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Quý