Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 24/08/2018 - 14:22
(Thanh tra) - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nhà Sử học - ĐBQH Dương Trung Quốc, Kiến trúc sư (KTS) Trần Trọng Hanh đều cho rằng, nên tính toán lại vị trí đặt ga ngầm đường sắt đô thị C9 ở hồ Gươm.
Phối cảnh ga C9 đặt tại khu vực hồ Gươm
Tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng
Sáng ngày 24/8, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản trả lời báo chí liên quan đến vị trí đặt ga ngầm C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2.
Theo Bộ này, việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 và ga ngầm C9 nhằm đáp ứng yêu cầu về giao thông đô thị, phục vụ phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.
Cho nên, thời gian qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có một số văn bản ủng hộ chủ trương của UBND TP Hà Nội về quy hoạch ga ngầm C9 thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2.
Tuy nhiên, nhận thấy khu vực dự kiến xây dựng nhà ga là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô, đồng thời là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan cần được bảo tồn, nên tại các văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đều yêu cầu TP chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng.
Cụ thể, cách xa bờ phía Đông của hồ Hoàn Kiếm và nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng từ năm 2013.
Phương án đặt vị trí ga C9 ở hồ Gươm
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, UBND TP Hà Nội có Công văn số 2141 giải trình việc bố trí nhà ga và cho rằng, về mặt kỹ thuật cũng như an toàn vận hành thì không thể dịch chuyển vị trí nhà ga theo yêu cầu của Bộ.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2297/BVHTTDL-DSVH ngày 29/5/2017 đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vị trí của ga ngầm C9 theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa.
Di chuyển một số cơ quan ở hồ Gươm để đặt ga C9?
Liên quan đến vấn đề này, bày tỏ quan điểm đồng tình xây dựng tuyến đường sắt số 2, có đoạn tuyến đi ngầm, nhưng Nhà Sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, nên tính toán lại phương án đặt vị trí đặt nhà ga C9 ở hồ Gươm.
“Không gian đền Ngọc Sơn quá hẹp, trong khi công nghệ xây dựng của chúng ta người dân không tin vì xây nổi mà còn lủng ca lủng củng”, ông Dương Trung Quốc nói.
Ông đặt vấn đề, tại sao chúng ta không mạnh dạn mở rộng sang phía đối diện vị trí hiện nay để đặt ga vì đây là công trình công cộng, vì lợi ích chung.
“Hà Nội rất thiếu những quảng trường và không gian rộng, đường đi bộ quanh hồ Gươm rất tốt. Tại sao chúng ta không mạnh dạn để mở rộng, di chuyển bớt một số cơ quan ra khỏi khu vực đó đi”, ĐBQH Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Nhà Sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc
Trước lo ngại quá trình xây dựng, vận hành sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các di tích, ĐBQH cho hay, vấn đề này khi thảo luận đã đặt ra cả rồi. Phía cơ quan xây dựng nói là đảm bảo và có các giải pháp công nghệ, giám sát…
“Đấy là nói thôi. Vấn đề là làm sao cho người dân tin. Tôi cho rằng, nếu có phương án gì để tránh các di tích được thì cố gắng khai thác hết. Trường hợp không thể thì tính toán, cam kết. Còn giữa 2 phương án, tôi ủng hộ làm phương án đường ngầm nhiều hơn vì làm nổi rất có thể lãng phí, mà cũng làm mất vẻ đẹp ở khu vực này”, Nhà Sử học nhấn mạnh.
Là người trong Hội đồng Thẩm định dự án, KTS Trần Trọng Hanh cho hay, trước đó ông đã phát biểu, vị trí đặt ga C9 không thích hợp lắm.
“Ví trí đó nằm sát bên hồ Gươm, sẽ tác động trực tiếp đến hồ, trong khi ở đây cảnh quan rất là đẹp, nếu đào bới xây dựng làm ga, lối ra, lối vào như thiết kế thì không thích hợp”, ông Hanh nói và cho rằng, phương án tốt nhất là ga đặt ngay tại vị trí tòa nhà EVN thì sẽ thuận hơn.
Cũng theo ông KTS Hanh, khi đặt vấn đề với Ban Quản lý thì nhận được câu trả lời “thương lượng không được về đất đai và còn vấn đề này, vấn đề khác, giờ vì tiến độ mong rằng các đồng chí thông cảm để bảo đảm kịp tiến độ, nếu không thì giải ngân không kịp”.
“Giờ điều chỉnh lại thì tốt quá”, ông Trần Trọng Hanh bày tỏ.
Đường sắt đô thị số 2: Chọn phương án nào?
- Phương án 1, có đoạn tuyến đi ngầm cắt qua khu phố cổ, dọc Hàng Giầy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, qua các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, phố Huế, Đại Cồ Việt, gắn với vị trí ga C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận (có di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, di tích quốc gia đền bà Kiệu).
Hà Nội chọn phương án này với lý do có nhiều ưu điểm như tính khả thi cao, có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ, không phải giải phóng mặt bằng dân cư, không ảnh hưởng tới các công trình lân cận…
Trong khi, theo nhận định của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, phương án này không chỉ vi phạm Luật Di sản Văn hóa mà còn xâm phạm không gian văn hóa đặc biệt của Thủ đô.
Ủy ban này nêu, tuyến đường ngầm xuyên qua lòng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Bà Kiệu xâm phạm khu vực bảo vệ I của di tích. Đường ngầm đi gần tứ trụ di tích đền Ngọc Sơn, cách chân tháp Bút chỉ có 1m, quá trình thi công và vận hành hàng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại các di tích, vi phạm điều cấm của Luật Di sản văn hóa.
Ngoài ra, các công trình ngầm, ga ngầm luôn đối mặt với sự cố nguy hiểm như sụt lún, thay đổi cấu trúc địa chất, thủy hệ… trong khi khu vực hồ Gươm được đánh giá có kết cấu đặc biệt, nền móng địa chất yếu..
- Phương án 2, dọc theo đường Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền và Lê Văn Hưu, sau đó kéo dài về phía Nam theo hướng phố Huế đến Đại Cồ Việt.
Lý do Hà Nội không được lựa chọn vì vi phạm hành lang bảo vệ theo Luật Đê điều, tuyến hầm phải xuyên qua các khu vực có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, vấn đề giải phóng mặt bằng, khai thác vận hành không hiệu quả, kết nối với các tuyến số 1 và số 3 phức tạp hơn, chiều dài đoạn hầm lớn, dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác tăng cao.
Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới hồ Gươm 10 m, tới Tượng đài Cảm tử 81 m, tới đền Bà Kiệu 83 m, tới vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ 120 m, tới Tháp Bút 36 m. Nhà ga có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 (khu vực bao quanh vùng lõi) của di tích quốc gia đặc biệt hồ Gươm và đền Ngọc Sơn.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.
Theo EVNNPC
21:24 12/12/2024(Thanh tra) - Hưởng ứng lời kêu gọi “Mỗi cơ quan, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và với tinh thần tương thân tương ái, Điện lực Bát Xát (thuộc Công ty Điện lực Lào Cai) đã có một nghĩa cử cao đẹp khi nhận nuôi và hỗ trợ em Lý Thanh Chiêu (sinh năm 2015), một trẻ mồ côi cha do hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua.
Theo EVNNPC
21:11 12/12/2024Theo EVNNPC
21:10 12/12/2024Thái Hải
20:36 12/12/2024T.Thanh
18:48 12/12/2024Kim Thành
18:39 12/12/2024Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC
Thái Hải