Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 21/08/2018 - 06:33
(Thanh tra)- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cảnh báo, phương án tuyến đường sắt đô thị số 2 mà TP Hà Nội lựa chọn, không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của Trung tâm Thủ đô.
Hà Nội trưng bày các phương án đường sắt đô thị số 2 để lấy ý kiến người dân. Ảnh TN
Cắt qua phố cổ, ga đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm
Theo báo cáo của Ủy ban này gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm Quốc gia của Hà Nội, có đoạn tuyến đi ngầm qua khu trung tâm thành phố, gắn với vị trí ga C9 trong khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận.
Trong quá trình chuẩn bị dự án, Hà Nội nghiên cứu 2 phương án. Trong đó, phương án 1, có đoạn tuyến đi ngầm cắt qua khu phố cổ, dọc Hàng Giầy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, qua các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, phố Huế, Đại Cồ Việt, gắn với vị trí ga C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận (có di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, di tích quốc gia đền bà Kiệu).
Phương án 2, dọc theo đường Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền và Lê Văn Hưu, sau đó kéo dài về phía Nam theo hướng phố Huế đến Đại Cồ Việt.
Theo UBND TP Hà Nội, phương án 1 có nhiều ưu điểm như: tính khả thi cao, có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ, không phải giải phóng mặt bằng dân cư, không ảnh hưởng tới các công trình lân cận, đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các ga kết nối khác; phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch giao thông vận tải thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 và các quy hoạch khu vực liên quan.
Còn phương án 2 lại vi phạm hành lang bảo vệ theo Luật Đê điều, tuyến hầm phải xuyên qua các khu vực có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, vấn đề giải phóng mặt bằng, khai thác vận hành không hiệu quả, kết nối với các tuyến số 1 và số 3 phức tạp hơn, chiều dài đoạn hầm lớn, dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác tăng cao.
Sau khi nghiên cứu, so sánh, đánh giá ưu, nhược điểm về kỹ thuật, kinh tế, mức độ, ảnh hưởng đối với di tích, môi trường..., TP Hà Nội đề xuất lựa chọn phương án 1 và đã được các bộ, ngành liên quan chấp thuận.
Xâm phạm không gian văn hóa đặc biệt của Thủ đô
Theo đánh giá Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, việc xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội là cần thiết. Tuy nhiên, phương án TP lựa chọn không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của Trung tâm Thủ đô.
Cụ thể, tuyến đi ngầm qua khu vực phố cổ, đi thẳng vào khu vực trung tâm thành phố, có 1 phần thân ga và toàn bộ cửa lên xuống số 3 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm là vi phạm Luật Di sản văn hóa do tính chất công trình chủ yếu phục vụ giao thông, không phải là công trình phục vụ phát huy giá trị di tích.
Việc quy hoạch tuyến đường ngầm xuyên qua lòng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Bà Kiệu xâm phạm khu vực bảo vệ I của di tích. Thêm vào đó, đường ngầm đi gần tứ trụ di tích đền Ngọc Sơn, cách chân tháp Bút chỉ có 1m, quá trình thi công và vận hành hàng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại các di tích, vi phạm điều cấm của Luật Di sản văn hóa.
Đây là những di tích được xây dựng từ hàng trăm năm trước, kết cấu trụ móng không vững chắc (tháp Bút hiện đang bị nghiêng 3 độ), trong khi các phương án giảm thiểu tác động do nhà tư vấn đưa ra chỉ mang tính lý thuyết.
“Trong quá trình xây dưng dự án, Hà Nội đã có tính đến các yếu tố bảo tồn di sản nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động của dự án đối với di sản văn hoá, cảnh quan di tích tại khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng như toàn tuyến số 2”, báo cáo nêu rõ và lưu ý, vị trí thân ga và cửa lên xuống không hợp lý, có nguy cơ tác động không tốt về mặt xã hội với khu vực.
Ngoài ra, các công trình ngầm, ga ngầm luôn đối mặt với sự cố nguy hiểm như sụt lún, thay đổi cấu trúc địa chất, thủy hệ… trong khi khu vực Hồ Hoàn Kiếm được đánh giá có kết cấu đặc biệt, nền móng địa chất yếu. Vấn đề này, chưa được TP Hà Nội tham vấn cơ quan chuyên ngành để có đánh giá tác động. Trong khi, Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm, chuyên gia về xử lý sự cố đường sắt đô thị, hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, thiếu chủ động trong việc xử lý tình huống xảy ra sự cố.
Ủy ban đề nghị, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thuyết minh kỹ hơn tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ; đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan hữu quan, chỉnh lý hoàn thiện dự án, báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân