Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu, thế mạnh địa phương

Chủ nhật, 16/02/2014 - 09:38

(Thanh tra) - Đánh giá cao kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Hà Nội thời gian qua, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng lưu ý TP. Hà Nội cần triển khai từng bước chuyển đổi từ nghề truyền thống sang các nghề mới, lĩnh vực chọn tạo giống, công nghệ cao... Việc đào tạo nghề phải gắn với định hướng, chiến lược, thế mạnh của địa phương cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới.

Lao động nông thôn tại Bát Tràng được tiếp cận với công nghệ cao về nung gốm. Ảnh: T.An

Theo rà soát, trên toàn địa bàn TP. Hà Nội gồm 867.794 hộ gia đình với 2.129.469 lao động nông thôn (LĐNT), trong đó, có 131.185 người có nhu cầu học nghề. Còn theo kết quả điều tra của 8.230 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thì nhu cầu học nghề trong giai đoạn 2011 - 2015 của Hà Nội là 311.106 người. Trong đó, nhu cầu học nghề ngành Nông nghiệp chiếm 3%, Công nghiệp và Xây dựng chiếm 78,5%, ngành Dịch vụ chiếm 14,5%, Tiểu thủ công nghiệp chiếm 4%.

Trước mắt, năm 2014, toàn TP. sẽ phải triển khai dạy nghề cho 38.551 LĐNT, trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng cho 37.926 người. Nghề nông nghiệp 18.891 người, nghề phi nông nghiệp 19.035 người. Và, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%.

Mặc dù là địa phương tích cực trong triển khai các giải pháp đào tạo nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ, tuy nhiên, việc đào tạo thời gian qua cũng phát sinh, tồn tại không ít những khó khăn như: Không được chính quyền các cấp quan tâm, nắm bắt tư tưởng, nhu cầu việc làm khiến cho người học nghề rất dễ nản chí, thiếu quyết tâm và loay hoay trong quá trình kiếm tìm việc làm phù hợp. Cùng với đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT hiện nay còn thấp; việc vay vốn tín dụng để học nghề khó khăn; đào tạo chưa đáp ứng được tình hình thực tế dẫn tới nhiều lao động học xong khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Để giải quyết những khó khăn này, Ban Chỉ đạo 1956 TP. Hà Nội đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT.

Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, lâu nay, nhiều người vẫn còn quan điểm nghề nông nghiệp không cần phải đào tạo mà tiếp cận theo kiểu cha truyền con nối. Tuy nhiên, thực tế nghề nông nghiệp lại có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác như công nghệ sinh học, cơ giới hóa... như trồng hoa ly, lan, thu nhập cao hơn rất nhiều trồng lúa. Bởi vậy, một số nghề nông nghiệp công nghệ cao như trồng hoa ly, lan... nếu không qua đào tạo, người nông dân khó có thể làm được.
Cùng với đó, nghiên cứu kỹ hơn việc tạo vốn cho LĐNT sau học nghề để tạo thêm việc làm và cải thiện thu nhập, đồng thời tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề cho phù hợp với biến động giá cả. Đặc biệt, rà soát danh mục nghề đào tạo cho LĐNT, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động để có kế hoạch thực hiện phù hợp.

“Trong thực hiện Đề án 1956, một giải pháp vô cùng quan trọng là tăng cường áp dụng công nghệ thông tin. Khi đó, sẽ giải quyết được bài toán về chi phí đào tạo nghề, giảm được cả số lượng giáo viên giảng dạy và quan trọng hơn là người nông dân cùng một lúc có thể học 2 - 3 nghề, hiệu quả vô cùng lớn”, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bài hiến kế.

Ở góc độ cơ sở, nhiều ý kiến các địa phương đề nghị tăng độ tuổi LĐNT được xem xét hỗ trợ học nghề phù hợp với sức khỏe, yêu cầu của từng nghề. Theo đó, việc đào tạo nghề cho LĐNT xuất phát từ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp nhưng phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ưu tiên đào tạo nghề cho những vùng sản xuất lớn.

Giám sát chương trình đào tạo nghề cho LĐNT tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã đánh giá cao nỗ lực triển khai Đề án 1956 của Hà Nội, thể hiện ở việc đầu tư kinh phí, xây dựng mục tiêu, ban hành kế hoạch hành động. Tuy nhiên, bà Thu cũng đặt ra câu hỏi đáng lưu tâm là số liệu đào tạo nghề của Hà Nội, nhất là tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo là 87% có thực chất hay chỉ là thống kê, báo cáo? Do đó, Ban Chỉ đạo 1956 của TP cần khảo sát, đánh giá lại những chỉ số này, nhất là các nghề phi nông nghiệp.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, Hà Nội có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, thời gian tới, TP cần triển khai từng bước chuyển đổi từ nghề truyền thống sang các nghề mới, trong đó, tập trung đào tạo cho người dân biết chuyển hướng sang lĩnh vực chọn tạo giống, công nghệ cao... Việc đào tạo nghề phải gắn với định hướng, chiến lược, thế mạnh của địa phương cũng như Chương trình Xây dựng nông thôn mới và Đề án tái Cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, đào tạo cho người dân ngoài mục tiêu nâng cao năng suất, hiệu quả canh tác còn phải tăng cường trách nhiệm trong sản xuất ra các sản phẩm an toàn.


T.An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm