Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đảng luôn đặt công tác dân tộc vào vị trí chiến lược

Trịnh Huệ

Thứ ba, 02/11/2021 - 12:28

(Thanh tra) - Những năm qua, từ ánh sáng soi đường của Đảng về công tác dân tộc, chúng ta đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ vậy, nông thôn miền núi đã có sự chuyển mình một cách tích cực mạnh mẽ.

Nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc

Những làng tỷ phú vùng cao...

Thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang được mệnh danh là làng tỷ phú người Mông. Bởi nơi đây hiện có tới 30 hộ nông dân, đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Để làm được điều này, trước hết phải nói đến sự dẫn đường của Đảng.

Ông Hoàng Hải Chư, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phúc cho biết, ngay từ tháng 6 năm 2018, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết 87/ĐU -NQ về việc tiếp tục lãnh đạo thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã Vĩnh Phúc lần thứ XXII. Từ nghị quyết này, chính quyền xã Vĩnh Phúc đã xây dựng mô hình “làng Mông kiểu mẫu” trên địa bàn thôn Vĩnh Sơn.

Qua triển khai mô hình đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Ông Vàng Seo Pao, nguyên Trưởng thôn Vĩnh Sơn phấn khởi cho biết, vào khoảng những năm 1977, hơn 100 hộ người Mông từ Hoàng Su Phì, Xín Mần đến xã Vĩnh Phúc sinh cơ lập nghiệp. Ngày ấy, thôn chưa có đường, có điện nên cuộc sống hết sức khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền, Vĩnh Sơn đã được đầu tư đường, điện, nước sạch… Nhờ vậy, hiện nay, trong thôn đã phát triển hơn 160 ha cam, 15,5 ha nhãn, thu nhập bình quân trên 37,2 triệu đồng/người/năm. Trong thôn hiện có 69 hộ khá, 30 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Không chỉ riêng thôn Vĩnh Sơn, những năm qua, nhiều địa phương vùng dân tộc và miền núi đã trở nên giàu có. Tiêu biểu như xã Trà Linh, trước đây là rốn nghèo của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, từ tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Từ đây, huyện Nam Trà My mạnh dạn giao hơn 12.000 ha rừng tự nhiên, hơn 6.000 ha rừng phòng hộ và gần 15.000 ha rừng đặc dụng cho cộng đồng quản lý bảo vệ.

Khi bảo vệ rừng ngoài được chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con còn được quyền khai thác các loại lâm sản phụ như: Mây, đót, hạt ươi, nấm rừng, mật ong... Đặc biệt hơn, các nhóm hộ được tổ chức trồng sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình.

Nhờ vậy, người dân nơi đây không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn vươn lên làm giầu. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nam Trà My, đến nay, người Xê Đăng ở xã Trà Linh gửi tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng. Đây chỉ là số tiền bề nổi, bởi có những gia đình còn đang ươm mầm hàng trăm tỷ đồng dưới lòng đất.

... Vị trí chiến lược

Ông Hoàng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ chính sách, Ủy ban Dân tộc cho biết, từ trước đến nay, Đảng luôn coi trọng công tác dân tộc. Theo đó, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng nêu rõ quan điểm “đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta”.

Người dân tộc Mông thôn Vĩnh Sơn luôn ý thức bảo tồn văn hóa

Trên cơ sở nguyên tắc này, Đảng đã đề ra những nội dung cơ bản của chính sách dân tộc như: Chính sách về phát triển kinh tế vùng DTTS, đặc biệt là những địa bàn trọng yếu Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Duyên hải miền trung, Tây Nam Bộ nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng đồng bào DTTS gắn với kế hoạch phát triển chung của cả nước; chính sách xã hội tập trung vào các vấn đề giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế… chính sách liên quan đến quốc phòng, an ninh, nhằm củng cố địa bàn chiến lược, giải quyết tốt vấn đề đoàn kết dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa.

Thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Chính phủ đã thiết lập hệ thống chính sách dân tộc một cách toàn diện, bao phủ trên tất cả các lĩnh vực, các địa bàn vùng DTTS và miền núi.

Hiện nay, hệ thống chính sách dân tộc có gần 100 chính sách được thể chế qua 158 văn bản. Nội dung các chính sách dân tộc từ 2016 đến nay tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo (2 chương trình và 4 chính sách); phát triển sản xuất trong nông lâm thủy sản (9 chính sách), giáo dục đào tạo (5 chính sách)…

Trong giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc cũng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù cho đồng bào DTTS và miền núi như chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất (Quyết định 2085/QĐ-TTg) chính sách phát triển DTTS rất ít người (Quyết định 2086/QĐ-TTg); chính sách người có uy tín trong đồng bào DTTS (Quyết định 402/QĐ-TTg)…

Đặc biệt, 18/11/2019, Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đề án đang bắt đầu được triển khai đi vào cuộc sống.

Có thể nói, trong suốt những năm qua, Đảng luôn đặt công tác dân tộc vào vị chí chiến lược để từ đó có những chủ trương chính sách phù hợp, kịp thời. Trên thực tế, vùng đồng bào DTTS đã có nhiều sự chuyển biến tích cực từng bước vươn lên thoát nghèo và dần bắt kịp tốc độ phát triển của cả nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm