Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đã có vắc xin từ năm 2023, vì sao dịch tả lợn châu Phi vẫn bùng phát?

Hoàng Nam

Thứ tư, 19/06/2024 - 22:15

(Thanh tra) - Tình trạng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang có diễn biến trầm trọng và dai dẳng tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình… So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 2,4 lần; số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch tăng 2,03 lần.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y. Ảnh: Hoàng Nam

Phóng viên Báo Thanh tra đã liên hệ với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để tìm hiểu về thực trạng bệnh, nguyên nhân cũng như nhiều dấu hỏi xung quanh việc vì sao 2 đơn vị trong nước đã sản xuất và cung ứng được vắc xin thương mại nhưng dịch vẫn diễn biến phức tạp, dai dẳng.

Theo thông tin của Cục Thú y, từ đầu năm 2024 đến hết ngày 17/6/2024, cả nước có 491 ổ bệnh DTLCP tại 41 tỉnh, thành phố, đã có 23.385 con lợn bị buộc phải tiêu hủy. Trong đó, dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình... Hiện nay, cả nước có 266 ổ dịch tại 67 huyện, 22 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Cơ bản cả nước đã kiểm soát tốt bệnh DTLCP

Lãnh đạo Cục Thú y khẳng định, việc kiểm soát tốt DTLCP đã tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi lợn tăng trưởng (thời gian qua tăng hơn 3,8%), tổng đàn đạt hơn 26 triệu con lợn. 

Thời điểm cuối năm 2023, khi dịch bệnh xảy ra và có chiều hướng lây lan mạnh, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai phòng, chống dịch bệnh, kết quả năm 2023, đã kiểm soát tốt dịch bệnh, cả nước phải tiêu hủy khoảng 44.000 con lợn.

Theo ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, lý do khiến địa phương dù có quy mô chăn nuôi không lớn nhưng lại có tình trạng DTLCP dai dẳng và nghiêm trọng nhất, chủ yếu là quy mô chăn nuôi ở các nông hộ rất nhỏ, quy trình chăn nuôi không đảm bảo, công tác tiêm phòng cũng thực hiện chưa tốt. Ảnh: Hoàng Nam

Dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt đến đầu tháng 5/2024, tuy nhiên, những tuần qua dịch bệnh có chiều hướng gia tăng mạnh vì một số nguyên nhân:

Vi rút DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Vì vậy, sau khi dịch bệnh tạm lắng, giá lợn có chiều hướng gia tăng, trong quá trình tái đàn, nhất là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có sự chủ quan, chưa tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; chính quyền cơ sở chưa giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định; trong khi mầm bệnh vẫn còn tồn tại ngoài môi trường, trong quần thể đàn lợn, đường lây truyền phức tạp.

Một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP; không có đủ lực lượng thú y, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí cho người tham gia xử lý lợn bệnh..

Công tác xét nghiệm, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trong vùng dịch chưa thực hiện đúng theo quy định.

Báo cáo, thống kê đàn lợn, tình hình dịch bệnh trên hệ thống VAHIS chưa đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh…

Đã có vắc xin, vì sao DTLCP vẫn bùng phát?

Tháng 7/2023, tổng cộng đã có hơn 650.000 liều vắc xin DTLCP được kiểm soát chất lượng đạt 100%; sử dụng an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; lợn tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, tỷ lệ lợn được tiêm vắc xin DTLCP có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã hỗ trợ, cử chuyên gia và phối hợp tổ chức tiêm phòng các vắc xin DTLCP NAVET-ASFVAC của Công ty NAVETCO tại Cộng hòa Dominica và vắc xin AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC tại Philippines. Các vắc xin đều đã cho kết quả tốt, an toàn, đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể…

Theo đánh giá độc lập của đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vào tháng 4-5/2023 dựa trên các kết quả nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm, cấp phép lưu hành và giám sát sử dụng vắc xin tại Việt Nam, đã khẳng định kết quả nghiên cứu, sản xuất vắc xin DTLCP của Việt Nam tương đồng với kết quả nghiên cứu của phía Hoa Kỳ; việc tổ chức đánh giá, kiểm soát chất lượng vắc xin DTLCP (vô trùng, an toàn và hiệu lực) của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vắc xin do các nhà khoa học xây dựng và đã được trình lên Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) để xem xét, thông qua - Cục Thú y cho biết.

Đánh giá việc kiểm soát chất lượng và sử dụng 600.000 liều vắc xin tại hơn 40 tỉnh, thành phố, kết quả cho thấy vắc xin an toàn và có hiệu lực; căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam, Cục Thú y đã đề xuất các vắc xin DTLCP nêu trên đủ điều kiện để được phép lưu hành, sử dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn: Một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP; không có đủ lực lượng, không bố trí được kinh phí mua vôi bột, thuê phương tiện, kinh phí cho người tham gia xử lý lợn bệnh, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch, dẫn đến dịch bệnh lây lan, không được kiểm soát tại địa phương.

Để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh phát tán phức tạp và phòng bệnh DTLCP hiệu quả, Cục Thú y cho rằng, cần phải áp dụng nghiêm ngặt, tuân thủ triệt để quy trình an toàn sinh học khu vực chăn nuôi, định kỳ vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Vắc xin DTLCP là một trong các biện pháp phòng bệnh DTLCP rất quan trọng, cần được sử dụng đúng và cần được kết hợp song hành với các biện pháp nêu trên. Việc triển khai tiêm phòng vắc xin DTLCP cần tuân thủ tuyệt đối theo đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Hiện tại, đối tượng sử dụng vắc xin DTLCP là lợn thịt lứa tuổi từ 4 tuần tuổi trở lên và cần đảm bảo tiêm trên đàn lợn có biểu hiện phát triển bình thường, không bị nhiễm tạp các mầm bệnh trước đó. Các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu phát triển vắc xin thế hệ tiếp theo để có thể sớm nhất có vắc xin DTLCP sử dụng trên đàn lợn ở các lứa tuổi khác như lợn nái, lợn đực giống.

Theo thống kê, đến nay, các doanh nghiệp đã sản xuất, cung ứng ra thị trường 5,7 triệu liều vắc xin phòng bệnh DTLCP, tuy nhiên, việc sử dụng vắc xin còn hạn chế do những thông tin, tuyên truyền về vắc xin còn hạn chế; cả hai loại vắc xin mới được hướng dẫn sử dụng tiêm cho đàn lợn thịt (trong khi người chăn nuôi quan tâm nhiều đến lợn nái, lợn đực giống).

Chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn chưa quan tâm đúng mức, chưa hỗ trợ để người chăn nuôi tiếp cận vắc xin một cách dễ dàng và chưa hướng dẫn đầy đủ, chi tiết cho người chăn nuôi sử dụng vắc xin; chưa có quy định bắt buộc phải tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP.

Bệnh DTLCP có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp

Lý giải về những nhận định về bệnh DTLCP trong thời gian tới, Cục Thú y cho biết, chính quyền địa phương có dịch chưa thực sự quan tâm, chưa huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo quy định, chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh. Công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời. Hệ thống thú y từ cấp tỉnh đến cấp xã đều rất thiếu, yếu, chưa tham mưu kịp thời, có hiệu quả các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, phòng, chống dịch bệnh;

Còn tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn có thể làm dịch bệnh lây lan diện rộng, trong khi, công tác quản lý giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch chưa thực hiện theo quy định;

Hầu hết người chăn nuôi (nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ - pv) chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học.

Thông tin về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, vắc xin phòng bệnh, các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, chứ không phải khi có dịch bệnh xảy ra mới làm. Mặc dù đã có vắc xin DTLCP và các địa phương xung quanh, cũng như một số hộ chăn nuôi của tỉnh Bắc Kạn đã sử dụng, cho kết quả rất tốt, bảo vệ được đàn lợn, nhưng trên 99% các đàn lợn thịt không được tiêm phòng vắc xin DTLCP.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, công thức thành công trong kiểm soát, phòng chống dịch là tăng cường tiêm vắc xin cho đàn lợn và quyết liệt, triệt để trong xử lý, tiêu hủy các cá thể nhiễm bệnh. Để người chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin cho đàn lợn, phải làm tốt tuyên truyền, nhất là về thời điểm tiêm vắc xin, để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi khi xuất bán lợn thương phẩm.

Biện pháp ngăn ngừa, phòng chống hiệu quả DTLCP

Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất của chăn nuôi lợn trên toàn thế giới và Việt Nam. Vi rút DTLCP có sức đề kháng rất mạnh, đường lây truyền rất phức tạp. Do đó, đòi hỏi áp dụng đồng bộ, tổng thể các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Vệ sinh phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh và cần áp dụng triệt để tại từng hộ, cơ sở chăn nuôi: Rà soát, điều chỉnh, nâng cấp cơ sở, chuồng nuôi lợn để bảo đảm dễ vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; ngăn ngừa côn trùng, gặm nhấm xâm nhập và mang theo mầm bệnh; hàng ngày, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; đặc kiểm kiểm soát, không để bệnh xâm nhiễm từ bên ngoài vào do yếu tố con người (nhất là thương lái vào chuống nuôi lợn), dụng cụ, phương tiện, thức ăn…

Tiêm phòng vắc xin, kể cả vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt; khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường, bị bệnh, báo ngay cho thú y và chính quyền; tuyệt đối không bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn ra môi trường; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn nhà mình.

Cảnh báo và có các biện pháp phòng, chống dịch khi xung quanh có dịch.

Thực hành chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh đối với bệnh DTLCP, theo đó cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh cần thực hiện theo kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch giám sát bệnh DTLCP và kế hoạch ứng phó dịch bệnh DTLCP nếu xảy ra./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán về chính sách người có công

Bắc Ninh: Đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán về chính sách người có công

(Thanh tra) - Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu, tăng cường thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; kiên quyết xử lý hành vi trục lợi chính sách ưu đãi người có công, chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu xét thấy có dấu hiệu hình sự…

Hải Hà

15:53 25/11/2024
Điện Biên nỗ lực giảm nghèo bền vững

Điện Biên nỗ lực giảm nghèo bền vững

(Thanh tra) - Thời gian qua công tác giảm nghèo ở Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang nỗ lực hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới.

Trần Trung

15:03 25/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm