Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Công tác thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm còn chưa đáp ứng được yêu cầu

Phương Anh

Thứ hai, 26/08/2024 - 13:18

(Thanh tra) - Bộ Y tế cho biết, sau hơn 12 năm triển khai Luật An toàn thực phẩm (ATTP), công tác thanh tra, kiểm tra ATTP được tăng cường và đẩy mạnh, triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại như hoạt động thanh, kiểm tra liên ngành về ATTP chưa thường xuyên; công tác thanh tra chuyên ngành về ATTP còn chưa đáp ứng được yêu cầu…

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về ATTP. Ảnh: VH

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về ATTP đã được triển khai tương đối đồng bộ, quyết liệt và thường xuyên nên đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; công tác phối hợp liên ngành trong quản lý, kiểm tra về ATTP từng bước được tăng cường; đã có sự chuyển biến khá rõ nét trong việc xử lý các vi phạm về ATTP tại tuyến tỉnh, huyện.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, thường xuyên, liên tục trong năm; trong quá trình thanh tra, kiểm tra, hầu hết các trường hợp vi phạm đã được phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, năng lực của các đoàn thanh, kiểm tra được nâng lên, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP, làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn trong thời gian qua, góp phần tăng cường công tác bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng của Nhân dân.

Hàng năm, các bộ quản lý ATTP chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hàng trăm nghìn cơ sở, phát hiện vi phạm về kinh tế nhiều tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về ghi nhãn, về điều kiện ATTP, sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi chưa thực hiện công bố ....

“Kết quả thanh, kiểm tra góp phần quan trọng chấn chỉnh tình trạng đảm bảo ATTP. Nhiều địa phương đã thiết lập và công bố rộng rãi thông tin đường dây nóng tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về đối tượng, hành vi và các thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật về ATTP”, Bộ Y tế khẳng định.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn còn hạn chế, chưa thường xuyên, sâu rộng, hiệu quả như mong đợi.

Bộ Y tế cũng cho biết, mặc dù các vụ việc vi phạm có biểu hiện tạm lắng xuống trong đợt cao điểm triển khai các đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, khi kết thúc đợt cao điểm kiểm tra một số đối tượng tiếp tục vi phạm nên khó khăn trong việc ngăn chặn dứt điểm; một số đối tượng sau khi bị xử lý về hành vi vi phạm, đối tượng tiếp tục vi phạm trở lại (đặc biệt là hàng giả, kém chất lượng, tôm có chứa tạp chất…).

Đáng lưu ý, công tác thanh tra chuyên ngành về ATTP còn chưa đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo ATTP so với tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn của người dân; vẫn còn tình trạng chồng chéo trong công tác kiểm tra về ATTP trong đợt kiểm tra của các đơn vị chức năng trên địa bàn.

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP còn gặp nhiều bất cập do nguồn lực hạn chế, nhân lực thiếu, trang thiết bị phục vụ kiểm tra kiểm soát còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, ngân sách Nhà nước cấp cho công tác quản lý ATTP còn ít, vẫn còn phổ biến tình trạng chưa có quy hoạch vùng sản xuất, vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí bố trí cho các đoàn kiểm tra liên ngành còn hạn chế, chủ yếu cho các đợt cao điểm, chưa có kinh phí kiểm tra đột xuất.

Bộ Y tế cho biết, thực tế có thời điểm vẫn còn sự chồng chéo trong quản lý, thanh tra, kiểm tra cơ sở thực phẩm giữa đơn vị quản lý chuyên ngành ATTP với các lực lượng như quản lý thị trường, công an. Việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra có lúc không kịp thời, thiếu kiên quyết làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP.

Hoạt động thanh, kiểm tra liên ngành về ATTP chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào thời điểm Tháng Hành động vì ATTP, dịp tết, lễ hội, Tết Trung thu. Tuy có sự phân công phối hợp rõ ràng nhưng khi xảy ra vụ ngộ độc thì hầu như chỉ có ngành Y tế tham gia điều tra, xử lý. Điều này gây ra khó khăn trong việc điều tra nguồn gốc sản phẩm gây ngộ độc cũng như xử lý cơ sở vi phạm khi cơ sở không thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Y tế…

Đặc biệt, việc xử lý vi phạm cũng rất khó khăn do nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không có khả năng nộp phạt, hoặc không nộp phạt. Tình trạng quảng cáo, bán hàng trực tuyến đang tăng nhanh trên các nền tảng số, trong đó việc kinh doanh thực phẩm trên các website là phổ biến. Khi phát hiện ra sai phạm đến kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp đóng cửa website nên khó khăn trong việc xử lý vi phạm…

Để bảo đảm công tác ATTP trong thời gian tới, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để quản lý ATTP, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề ATTP. Quản lý chặt chẽ ATTP đối với cơ sở chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản, cơ sở giết mổ…

Cùng với đó, đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về ATTP, kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm về ATTP và công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong công tác vận động, tuyên truyền bảo đảm ATTP. Tăng cường công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các vụ việc, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng về ATTP theo đúng quy định của pháp luật để việc xử lý vi phạm được nghiêm minh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm